Chỉ mới vài tháng trước đây, các công ty của Nga khó lòng thu hút được sự để tâm của các nhà đầu tư quốc tế bởi những lo ngại xoay quanh vấn đề Ukraine và kinh tế Nga chịu thiệt hại nặng bởi các lệnh cấm vận. Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2015 cho tới nay, nhu cầu mua trái phiếu từ các công ty nổi bật của Nga đã tăng trở lại, đặc biệt khi thỏa thuận ngừng bắn mới nhất tại miền Đông Ukraine được ký kết.
Thỏa thuận Minsk đạt được giữa các bên thể hiện sự đồng ý trong việc chấm dứt xung đột giữa lực lượng nổi dậy và Chính phủ Ukraine.
Các nhà băng và các chuyên gia cho rằng, các công ty đầu tiên sẽ thử nghiệm phát hành trái phiếu trên thị trường có thể là các nhà xuất khẩu lớn, nhận được sự theo dõi đáng kể của các nhà đầu tư. Một số tên tuổi được đề cập tới gồm Gazprom, LUKoil và Norilsk Nickel, sau đó các công ty cỡ trung bình có thể đi theo.
“Hiện tại, cả thị trường lẫn các nhà phát hành đều chưa hoàn toàn sẵn sàng, nhưng cho tới cuối năm nay, có thể thời điểm đó sẽ tới”, Andrei Solovyev, Giám đốc toàn cầu các thị trường vốn của VTB Capital tại Moscow cho biết. Tuy nhiên, Solovyev cũng cho rằng, làn sóng phát hành trái phiếu châu Âu (eurobond) của các công ty Nga sẽ không mạnh.
Một trong các động thái đầu tiên là trong tuần này, Norilsk Nickel sẽ tiến hành gặp gỡ các nhà đầu tư cổ phiếu và trái phiếu tại London. Cả Norilsk, Gazprom và LUKoil đều không chịu sự cấm vận tài sản tại các thị trường vốn phương Tây, tuy nhiên, một số hãng môi giới của Mỹ không được phép hỗ trợ một số loại sản phẩm tài chính của Gazprom và LUKoil.
Tính tới đầu năm 2015, trái phiếu do các công ty từ Nga và các nước thuộc Liên Xô (cũ) phát hành chỉ chiếm khoảng 1% các sản phẩm nợ của các thị trường mới nổi, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Vào năm 2008, số lượng trái phiếu này chiếm tới gần một nửa tại thị trường trái phiếu mới nổi.
Bình luận về các động thái mới, một số chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, nếu các công ty trụ cột của Nga không nhận được sự mặn mà của các nhà đầu tư phương Tây thì vẫn thu hút được sự chú ý từ các nhà đầu tư châu Á.
Denis Shulakov, Giám đốc các thị trường vốn tại Gazprombank cho rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc có thể bước thêm một bước mới khi mà mối liên kết thương mại giữa Moscow và Bắc Kinh phát triển hơn.
“Cho tới cuối năm nay, chúng ta có thể nhìn thấy các trái phiếu được phát hành bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau. Hiện tại chưa có nhiều nhu cầu về trái phiếu công nghiệp, tuy nhiên, khi chúng ta đạt được sự liên kết và các dự án lớn, nhu cầu trái phiếu Nga là rất lớn”.
Được biết, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với thị trường Nga đã tăng lên đáng kể kể từ tháng 2 và tháng 3/2015. “Về lý thuyết, các công ty không bị cấm vận có thể phát hành tại bất kỳ thị trường nào. Sau một thời gian dài vắng mặt, ít nhất sẽ có vài trái phiếu châu Âu mới của Nga được phát hành kể từ mùa Hè này”, Alexey Bulgakov, chuyên viên tín dụng cấp cao ở Sberbank CIB cho biết.
Lợi suất trái phiếu của một số công ty của Nga đã giảm đi một nửa kể từ mức đỉnh cao nhất trên 1.000 điểm cơ bản (bps) - 10%/năm, vào tháng 12 năm ngoái theo chỉ số EMBI do JPMorgan điều hành. Chỉ số này bao gồm cả các công ty bị cấm vận và không bị cấm vận của Nga.
Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn do lệnh cấm vận gây ra, các công ty Nga còn phải đối mặt với rào cản thứ hai là giá cả. Nếu phát hành eurobond, các công ty lớn như Gazprom có thể phải đối mặt với mức phí khoảng 50 bps lợi suất mỗi khi phát hành với mức tỷ lệ tương tự hoặc mức kỳ hạn tương tự tại các thị trường mới nổi. Đối với những công ty bị dán nhãn B thì mức phí có thể là 100 – 150 bps.
Trước đó, tháng 11/2014, Gazprom đã khuấy đảo thị trường trái phiếu khi huy động được 700 triệu USD bằng trái phiếu eurobond thời hạn 1 năm. Đến kỳ hạn, công ty này phải trả phí khoảng 40 bps đối với các trái phiếu đến hạn năm 2015.
Kể từ đó tới nay, lợi suất đã giảm 25 – 50 bps đối với loại ngắn hạn, phản ánh mức độ tự tin của công ty này khi các hoạt động kinh doanh vượt qua khó khăn bởi các lệnh cấm vận.
Các nhà quản lý quỹ cho rằng, họ sẽ cởi mở hơn khi cân nhắc mua trái phiếu Nga mới nếu có mức giá hấp dẫn. Claudia Calich, Giám đốc quản lý nợ ở M&G Investments tại London cho biết: “Họ cần phải có sự nhượng bộ về lãi suất, điều này sẽ mở khóa thị trường”.