Thêm những thông tin kinh tế lạc quan mới công bố khiến khả năng Fed tăng lãi suất càng lớn hơn, đẩy đồng USD lên mức cao nhất hơn 1 tháng và kéo phố Wall giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần mới sau ngày nghỉ lễ thứ Hai. Trong đó, chỉ số S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất trong 3 tuần.
Theo đó, các báo cáo khác cho thấy, kế hoạch kinh doanh tăng tốt trong tháng 4, niềm tin tiêu dùng của Mỹ cũng được cải thiện trong tháng này và giá nhà tiếp tục tăng trong tháng 3. Trước đó, lạm phát cũng được công bố tăng 1,8%, gần sát mức mục tiêu 2% mà Fed đặt ra để tăng lãi suất.
Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Dow Jones giảm 190,48 điểm (-1,04%), xuống 18.041,54 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 21,86 điểm (-1,03%), xuống 2.104,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 56,61 điểm (-1,11%), xuống 5.032,75 điểm.
Trong khi phố Wall lo lắng về khả năng tăng lãi suất, thì chứng khoán châu Âu lại có mối lo khác, đến từ địa chính trị. Cụ thể, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền của Tây Ban Nha đã thất bại trong cuộc bầu cử địa phương, điều này cho thấy, chính sách thắt lưng buộc bụng mà Chính phủ Tây Ban Nha đang thực hiện không nhận được sử ủng hộ của dân chúng. Nhiều khả năng, Tây Ban Nha sẽ có những diễn biến giống như Hy Lạp.
Trong khi đó, Hy Lạp vừa tuyên bố, nước này có khả năng không thể trả được khoản nợ trong ngày 5/6 này cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Kết thúc phiên 26/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 82,73 điểm (-1,18%), xuống 6.948,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 189,88 điểm (-1,61%), xuống 11.625,13 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 33,63 điểm (-0,66%), xuống 5.083,54 điểm.
Trong khi chứng khoán Âu, Mỹ giảm điểm đồng loạt, thì chứng khoán châu Á lại tiếp tục có phiên tăng điểm tích cực. Trong đó, kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế giúp chứng khoán Nhật Bản có phiên tăng thứ 8 liên tiếp, leo lên mức cao nhất hơn 16 năm. Trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng tăng khá mạnh, lên lại được mức cao nhất 7 năm do lực kéo từ chứng khoán đại lục và chính sách kết nối đầu tư giữa 2 sàn Hồng Kông và đại lục.
Kết thúc phiên 26/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 23,71 điểm (+0,12%), lên 20.437,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 257,03 điểm (+0,92%), lên 28.249,86 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 97,10 điểm (+2,02%), lên 4.910,90 điểm.
Những thông tin từ Mỹ và châu Âu đã đẩy đồng USD tăng cao. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau 1 ngày nghỉ lễ, chỉ số USD đã tăng lên ngưỡng gần 97,3, mức cao nhất kể từ ngày 22/4, qua đó gây áp lực lên các thị trường hàng hóa, trong đó có vàng và dầu thô.
Trên thị trường vàng, sau 9 phiên giữ ở mức trên 1.200 USD/ounce, giá vàng đã lao dốc mạnh trong phiên 26/5, xuống dưới ngưỡng này, thậm chí xuyên qua luôn ngưỡng 1.190 USD/ounce.
Kết thúc phiên 26/5, giá vàng giao ngay giảm 18,1 USD (-1,5%), xuống 1.187,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 giarm 17,2 USD/ounce (-1,43%), xuống 1.186,9 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh gần 3% trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới.
Kết thúc phiên 26/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,69 USD/thùng (-2,91%), xuống 58,03 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,65 USD (-2,59%), xuống 63,72 USD/thùng.