Giới đầu tư thận trọng với tin lạm phát

(ĐTCK) Dù phát biểu của Chủ tịch Fed hàm ý khả năng cơ quan này sẽ lùi thời gian tăng lãi suất sang tháng 9, nhưng dữ liệu về lạm phát vừa công bố khiến cho nhà đầu tư trở nên thận trọng.
Ảnh minh họa: AFP Ảnh minh họa: AFP

Thông tin đáng chú ý nhất của thị trường trong phiên cuối tuần chính là bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong bài phát biểu này, bà Yellen cho biết, Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay, nhưng sẽ dần dần và phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế. Điều này hàm ý rằng, Fed sẽ lùi thời gian tăng lãi suất vào tháng 9, đúng như dự đoán của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, một báo cáo của Bộ Lao động về giá tiêu dùng tháng trước thêm vào quan điểm cho rằng, Fed đang trên đà cho quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.

Theo đó, nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, CPI tháng 4 tăng 0,3%, mức tăng lớn nhất trong kể từ tháng Giêng năm 2013. Trong 12 tháng qua tháng trước, CPI lõi tăng 1,8% sau khi có mức tăng tương tự trong tháng 3.

Chính vì lo ngại này, nên dù biết Fed lùi thời gian tăng lãi suất, nhưng giới đầu tư vẫn rất thận trọng, khiến phố Wall giảm nhẹ trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Dow Jones giảm 53,72 điểm (-0,29%), xuống 18.232,02 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,76 điểm (-0,22%), xuống 2.126,06 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,43 điểm (-0,03%), xuống 5.089,36 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,22%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,16% và chỉ số Nasdaq tăng 0,81%. Trong tuần tới, thị trường Mỹ nghỉ giao ngày ngày thứ Hai.

Chứng khoán châu Âu dao động ở mức cao nhất 3 tuần trong phiên thứ Sáu, nhưng đóng cửa có sự trái chiều. Trong khi chứng khoán Anh tiếp tục tăng điểm, chứng khoán Pháp sụt giảm nhẹ, thì chứng khoán Đức giảm khá mạnh. Chứng khoán Đức giảm mạnh nhất trong các thị trường chứng khoán chính của châu Âu do xuất phát từ thông tin không mấy tích cực từ nền kinh tế này. Cụ thể, niềm tin kinh doanh của Đức sụt giảm lần đầu tiên trong 7 tháng trong tháng 5, dù mức giảm nhẹ hơn dự báo.

Trong khi đó, mối lo về tình hình Hy Lạp lại nổi lên khi người đứng đầu Quỹ tiền Quốc tế cho rằng, một thỏa thuận nợ với Hy Lạp còn nhiều việc phải làm.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 18,25 điểm (+0,26%), lên 7.031,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 49,58 điểm (-0,42%), xuống 11.815,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 3,81 điểm (-0,07%), xuống 5.142,89 điểm.

Trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,02%, chỉ số DAX tăng tới 3,21% và chỉ số CAC 40 cũng tăng 2,99%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu niêm yết trên tàu chính của giao dịch chứng khoán Tokyo đạt mức cao kỷ lục vào ngày thứ Sáu, mức cao nhất trong vòng 26 năm.

Trong khi đó, sau chuỗi phiên giảm do chịu áp lực chốt lời của khối ngoại, chứng khoán Hồng Kông đã vụt tăng mạnh trở lại trong phiên cuối tuần, bởi ảnh hưởng từ sự tăng mạnh của chứng khoán đại lục và kỳ vọng dòng tiền lớn từ đại lục sẽ chảy vào chứng khoán Hồng Kông.

Kết thúc phiên 22/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 61,54 điểm (+0,30%), lên 20.264,41 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 469,11 điểm (+1,70%), lên 27.992,83 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 128,17 điểm (+2,83%), lên 4.657,60 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,69%, chỉ số Hang Seng với phiên tăng cuối tuần đã lấy loại được toàn bộ những gì đã mất trong tuần, thậm chí còn tăng nhẹ 0,61% và dĩ nhiên chỉ số Shanghai Composite tăng mạnh nhất với 8,1%.

Trên thị trường vàng, giá vàng lúc đầu tăng khá tốt trong phiên Á-Âu, nhưng ngay khi bước vào phiên Mỹ, giá kim loại quý này đã giảm trở lại và dao động quanh ngưỡng 1.205 USD/ounce trong suốt phiên.

Mặc dù giảm mạnh trong 2 phiên gần đây, tuy nhiên giá vàng vẫn xoay sở để trụ vững trên mức 1.200 USD/ounce trong tuần.

Kết thúc phiên 22/5, giá vàng giao ngay giảm 0,9 USD (-0,07%), xuống 1.205,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 1,3 USD/ounce (+0,11%), lên 1.205,4 USD/ounce.

Trong tuần, cả giá vàng giao ngay và giá vàng tương lai giao tháng 6 đều giảm 1,44%.

Theo kết quả khảo sát online đối với 256 nhà đầu tư, 104 người tham gia, chiếm 41% cho rằng giá vàng sẽ cao hơn trong tuần tới; 117 người, chiếm 46% nhận định giá vàng sẽ đi xuống và 145 giữ ý kiến trung lập. Một cuộc khảo sát đối với 33 chuyên gia trên thị trường lại cho thấy, trong 19 người đã trả lời, có 8 người chiếm 42% cho rằng giá vàng tuần tới tiếp tục giảm; 6 chuyên gia chiếm 32% nghĩ rằng giá vàng sẽ đi lên và 5 người, chiếm 26% giữ ý kiến trung lập.

Thêm lần nữa, lo ngại về dư cung lại khiến vàng giảm mạnh trong phiên cuối tuần và gần như lấy đi hết những gì đã nỗ lực trong tuần.

Kết thúc phiên 22/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1 USD/thùng (-1,67%), xuống 59,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,17 USD (-1,79%), xuống 65,37 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng nhẹ 0,05%, trong khi giá dầu thô Brent giảm 1,8%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục