Bệnh viện vẫn “mơ hồ” về bảo hiểm trách nhiệm

(ĐTCK) Chỉ còn gần 2 tháng nữa (chậm nhất đến ngày 31/12/2015), các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, y học cổ truyền phải hoàn tất việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh.
MIC tổ chức hội thảo Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Tại Hội thảo Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bác sỹ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội do MIC vừa tổ chức, Giám đốc Bệnh viện, ông Vũ Bá Quyết đã khẳng định tầm quan trọng của việc tham gia sản phẩm bảo hiểm này cho các y, bác sỹ, khi hàng ngày họ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong công tác khám, chữa bệnh.

Ông Quyết cho biết thêm, Bệnh viện Phụ sản Trung ương rất quan tâm đến loại hình bảo hiểm này và đã giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu, phối hợp triển khai thực hiện theo đúng luật định trong thời gian sớm nhất.

Trao đổi với ĐTCK, một số bệnh viện cho biết cũng đang tìm mua sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm tuân thủ đúng quy định. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các DNBH phi nhân thọ, mặc dù các bệnh viện đã dần quan tâm tới sản phẩm bảo hiểm này nhưng họ còn khá mơ hồ về quyền, nghĩa vụ và lợi ích từ việc tham gia dịch vụ.

“Mỗi bệnh viện với đặc thù riêng biệt sẽ đối mặt với những rủi ro không hề giống nhau. Để nghiên cứu đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên để đi đến chốt hợp đồng cần có thêm thời gian”, lãnh đạo một DNBH chia sẻ.

Theo lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội, trong quá trình thương thảo, có những điều khoản loại trừ bảo hiểm được các nhà bảo hiểm đưa vào hợp đồng khiến phía bệnh viện còn đắn đo, như thiệt hại từ hoạt động ngoài chuyên môn; rủi ro liên quan đến truyền máu, triệt sản, chữa vô sinh, phẫu thuật thẩm mỹ, bệnh viêm gan, AIDS… ; sử dụng silicons; phóng xạ…

Kết quả là, tuy cả hai bên đã và đang nỗ lực tìm đến nhau nhưng các sản phẩm bảo hiểm nghề nghiệp nói chung, bảo hiểm trách nhiệm bác sĩ nói riêng vẫn chưa thực sự tìm được đất sống, dù đây là sản phẩm hữu ích, mang lại doanh thu cho DNBH và giúp chi trả bồi thường cho người mua bảo hiểm.

Theo tổng hợp của ĐTCK, hiện mới có một số bệnh viện đã mua sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, một số bệnh viện tỉnh như Hải Dương, Thanh Hóa, Lào Cai…

Một nghiên cứu mới nhất của Vinare cho thấy chỉ 20% bệnh viện tư nhân tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; hơn 1.000 bệnh viện công tính từ cấp huyện, hơn 600 phòng khám đa khoa, hơn 11.000 trạm y tế; khoảng 80% bệnh viện tư nhân, các phòng khám bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh đông y chưa tham gia sản phẩm bảo hiểm này.

Bởi vậy, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nói chung khá thấp, chỉ chiếm 2,3% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ.

Trong khi đó, bác sĩ là nghề khó tránh được những rủi ro, dẫn đến khiếu nại, đặc biệt trong môi trường làm việc với cường độ cao, chịu nhiều áp lực và thường quá tải vì số lượng bệnh nhân lớn. Có thể kể đến một số rủi ro như sai sót trong chẩn đoán, kiểm tra; không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin cho bệnh nhân; không thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh; quản lý không hợp lý thuốc gây mê, các loại dược phẩm; chậm trễ trong quá trình khám điều trị; kê nhầm đơn thuốc…

Theo thống kê, mỗi năm Sở Y tế TP. HCM thụ lý gần 150 vụ khiếu nại liên quan đến khám, chữa bệnh của các bác sỹ. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ là cứu cánh trong trường hợp xảy ra khiếu nại, khi DNBH có trách nhiệm trả tiền bồi thường cho bệnh viện nếu tham gia bảo hiểm.

Tuy là một sản phẩm thiết thực nhưng các DNBH phi nhân thọ cho rằng không dễ để triển khai loại bảo hiểm trách nhiệm khám, chữa bệnh, cũng như các sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm do loại hình này còn mới, đang ở trong giai đoạn đầu phát triển ở Việt Nam.

“Chưa kể tới việc, các văn bản pháp quy chưa đồng bộ, bảo hiểm hành nghề y tuy đã được luật pháp quy định nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết, thấu đáo để các bệnh viện hiểu rõ đây là sản phẩm bắt buộc. Thêm vào đó, hiện không rõ nếu không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp có bị phạt hay không, trong khi các bệnh viện thường tự thương lượng giải quyết khiếu nại thay vì mua bảo hiểm”, lãnh đạo một DNBH lớn chia sẻ.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục