Doanh thu bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu, đó là kết quả cuộc khảo sát của ĐTCK tại một số doanh nghiệp có triển khai sản phẩm này. Trên toàn thị trường, tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng toàn bộ mảng bảo hiểm trách nhiệm chung chỉ chiếm khoảng 2% tổng phí bảo hiểm của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và tỷ lệ bồi thường là dưới 10%, ngoại lệ có một công ty bảo hiểm thuộc top đầu đang có tỷ lệ bồi thường lên đến 84% trong quý I/2014.
Trao đổi về nghịch lý cầu nhiều hơn cung đối với bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là một sản phẩm khá phức tạp về mặt định phí và bồi thường. Dân chuyên ngành gọi nó là sản phẩm “long-tail” (đuôi dài) vì thời điểm khởi kiện của khách hàng có thể xảy ra rất lâu sau khi họ mua sản phẩm. Khi đó, công ty bảo hiểm vẫn còn phải chịu trách nhiệm, vì vậy, rủi ro là rất cao.
Là nhà bảo hiểm cho các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp lớn như Shell Gas, Big C và Lotte Mart, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, trong những năm gần đây, ý thức mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm cũng đã phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm trong nước mà có nguy cơ gây thiệt hại cho bên thứ ba cao như ngành chế biến gas, dược phẩm, mỹ phẩm…
Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định, loại hình bảo hiểm phổ biến tại các nước phát triển do quy định bắt buộc về luật pháp, do ý thức và sự đòi hỏi từ chính các khách hàng tiêu thụ sản phẩm và quan trọng nhất là ý thức nâng cao trách nhiệm đối với các sản phẩm của nhà cung cấp, nhưng đây là loại hình bảo hiểm phức tạp do có thể liên quan đến các quy định về luật pháp bảo vệ người tiêu dùng không chỉ ở Việt Nam mà còn có thể là các nước trên thế giới, nơi mà sản phẩm được tiêu thụ. Vì vậy, loại hình bảo hiểm này nên được cung cấp bởi các doanh nghiệp bảo hiểm lớn có năng lực và kinh nghiệm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Được biết, khách hàng mua loại hình bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có giao thương với thị trường quốc tế vì điều kiện mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là bắt buộc trong các hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp sản xuất trong nước quan tâm đến loại hình bảo hiểm này cũng đang ngày một gia tăng, vì mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm ngoài việc mang lại sự an tâm cho khách hàng thì đây cũng là một chiến lược marketing hiệu quả.
Dù hiện nay không có nhiều công ty bảo hiểm tham gia triển khai loại hình bảo hiểm này (chỉ một vài công ty bảo hiểm phi nhân thọ nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường và công ty bảo hiểm nước ngoài), nhưng trong tương lai, với nhu cầu về sản phẩm gia tăng mạnh mẽ thì các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ chắc chắn cũng sẽ phải tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để tiến tới “sân chơi” này.
Tất nhiên, giữa lý thuyết và hiện thực luôn là một con đường dài, nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhu cầu về bảo hiểm tài sản, hàng hải… giảm sút, thì bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm có thể là một phân khúc hấp dẫn khác. Hơn nữa, sau khủng hoảng kinh tế, khối bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu sản phẩm bảo hiểm, thay đổi hướng đi, thay vì chỉ tập trung vào những sản phẩm bảo hiểm tạo ra doanh thu cao nhưng khách hàng ngày càng giảm sút vì khó khăn.
Bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm là nhằm bảo vệ nhà sản xuất hay nhà phân phối trong trường hợp sản phẩm có những tác dụng không mong muốn, dẫn đến việc nhà sản xuất/nhà phân phối có trách nhiệm phải bồi thường cho khách hàng. Một ví dụ khá phổ biến là bảo hiểm bình gas. Khi doanh nghiệp sản xuất tham gia bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm, khách hàng của doanh nghiệp này sẽ được công ty bảo hiểm bồi thường/thay mặt cho doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm pháp lý bồi thường cho những tổn thương cá nhân/thiệt hại vật chất xảy ra đối với người thứ 3 trong thời hạn bảo hiểm do một sự cố liên quan đến hoạt động kinh doanh… |