Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc: “Của một đồng, công một nén”

(ĐTCK) Ở một số nước trên thế giới, bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (D&O) được xem là chuẩn mực cho những công ty niêm yết.
Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc: “Của một đồng, công một nén”

Chính vì thế mà 95% các công ty hàng đầu trong danh sách Fotune 500 tại Mỹ luôn duy trì bảo hiểm D&O (số liệu thống kê của Công ty Tư vấn Watson Wyatt Worldwide)… Trong khi đó, ở Việt Nam, bảo hiểm D&O không còn quá mới nhưng theo Chartis - công ty bảo hiểm hàng đầu về lĩnh vực này, cho đến nay, số lượng hợp đồng bảo hiểm còn khá khiêm tốn.

Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc: “Của một đồng, công một nén” ảnh 1Bảo hiểm trách nhiệm giám đốc (D&O) được 95% DN trong Fotune 500 của Mỹ duy trì

Thờ ơ vì tốn kém?

Có thể khẳng định, chi phí mua bảo hiểm D&O không quá tốn kém. Tùy từng lĩnh vực kinh doanh, quy mô và doanh thu của doanh nghiệp mà có những mức phí khác nhau. Có những đơn bảo hiểm chỉ với mức phí vài chục triệu đồng/năm. Chi phí này không quá cao, trong khi lợi ích khi mua bảo hiểm lớn hơn nhiều lần.

Nếu không phải là lý do chi phí thì điều gì đang cản trở doanh nghiệp đến với bảo hiểm D&O? Có lẽ chính là nhận thức của cả doanh nghiệp lẫn cổ đông về trách nhiệm pháp lý của người điều hành doanh nghiệp. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, tổng giám đốc có cổ phần lớn trong doanh nghiệp, nên dù họ có quyết định sai thì cổ đông sẽ nghĩ chính người đó cũng thiệt hại, thậm chí còn nhiều hơn cổ đông, nên chẳng kiện cáo làm gì.

Thị trường chưa sẵn sàng đón nhận chính là rào cản lớn nhất của bảo hiểm D&O hiện nay. Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cho biết, mảng bảo hiểm trách nhiệm rất khó bán, cho dù có nhiều sản phẩm mang tính bắt buộc. Được biết, ngoài Bảo hiểm Chartis, trên thị trường hiện nay không có nhiều doanh nghiệp mặn mà triển khai sản phẩm này.

 

Mở đường cho tương lai

D&O -  bảo hiểm 3 trong 1

Bảo hiểm D&O là loại hình bảo hiểm được tạo lập để bảo vệ trách nhiệm cá nhân của các nhà quản lý doanh nghiệp trước các khiếu kiện phát sinh do hậu quả của những quyết định sai của họ, gây nên thiệt hại về mặt tài chính cho bên thứ ba là chủ nợ, cổ đông hoặc nhân viên trong doanh nghiệp...

Đại diện Chartis cho biết, trong số các hợp đồng bảo hiểm D&O đã được cấp, có nhiều hợp đồng cấp cho doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Áp lực về rủi ro trước những quyết định của mình khiến người quản lý của các công ty, đặc biệt là những công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, sẽ phải nghĩ đến việc tìm một “vệ sĩ” cho mình. Nhìn rộng hơn, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, người quản lý một doanh nghiệp khó có thể khẳng định mọi quyết định của mình không có lúc sai lầm, việc chủ động tự bảo vệ không chỉ giúp họ an tâm mà ngay cả cổ đông, bạn hàng… cũng khỏi lo lắng về những thiệt hại tài chính mà công ty có thể gặp phải. Tự  bảo vệ mình cũng như bảo vệ cổ đông, khách hàng… là cách các công ty chuyên nghiệp luôn nghĩ tới.

Những cái được khi mua bảo hiểm D&O là khá rõ, vì đây là loại hình bảo hiểm được 95% các công ty hàng đầu trong danh sách Fotune 500 tại Mỹ ưa chuộng. Tại Việt Nam , có lẽ vẫn cần thêm một thời gian để các lãnh đạo doanh nghiệp “cảm nhận”. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng đã có hơn một câu chuyện tiếc nuối vì không mua bảo hiểm D&O. Đã có những doanh nghiệp tham gia bảo hiểm do yêu cầu của cổ đông và sau đó lại chấm dứt để cắt giảm chi phí. Đáng tiếc, sau khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm thì cũng là lúc khiếu kiện xảy ra nên giám đốc đã không được bồi thường. Sự việc này là một minh chứng cho việc công ty nên mua bảo hiểm D&O dài hạn cho cấp quản lý.

“Nhận thức ngày càng cao về rủi ro từ việc điều hành quản lý của các vị lãnh đạo, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia mua loại bảo hiểm này, có doanh nghiệp còn yêu cầu nâng hạn mức bảo hiểm lên 20 triệu USD. Đây là những tín hiệu vui cho bảo hiểm D&O phát triển”, đại diện Chartis chia sẻ.

Một hy vọng khác cho các công ty bảo hiểm đang triển khai bảo hiểm D&O là, Nghị định 102/2010/NĐ-CP đã được ban hành sẽ là bước tiến lớn trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ khi dành cho họ quyền khởi kiện cán bộ quản lý vi phạm trách nhiệm trong việc điều hành công ty. Nghị định này cũng đặt nặng hơn vấn đề trách nhiệm pháp lý của người điều hành công ty. Do vậy, điều này sẽ khiến những người điều hành công ty tìm kiếm một giải pháp bảo vệ mình trước những rủi ro pháp lý trên.           

Ngọc Lan
Ngọc Lan

Tin cùng chuyên mục