Bên tên 77 dự án “cắm” ngân hàng: Nhiều chủ đầu tư bức xúc

Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM công bố 77 dự án của các chủ đầu tư đang đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại TP. HCM cho ngân hàng, đại diện nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách này cho rằng, việc thế chấp dự án cho ngân hàng là không hề sai và luật cho phép điều đó.
Doanh nghiệp bất động sản bức xúc vì danh sách 77 dự án cầm cố ngân hàng. Ảnh: Gia Huy Doanh nghiệp bất động sản bức xúc vì danh sách 77 dự án cầm cố ngân hàng. Ảnh: Gia Huy
Danh sách mà Sở Tài nguyên và Môi trường công bố tính tới ngày 8/6 đều có tên những doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản như Công ty Quốc Cường Gia Lai thế chấp dự án khu dân cư 6B (H. Bình Chánh) tại BIDV; CTCP Đầu tư Thảo Điền thế chấp dự án Masteri (Q.2) từ tháng 3/2012; Công ty Liên doanh TNHH Capitaland - Vista thế chấp dự án The Vista (Q.2); CTCP Himlam thế chấp chung cư Himlam Riverside lô A3 (Q.7) tại Eximbank; CTCP Tập đoàn SSG thế chấp dự án Saigon Pearl giai đoạn 3A (Q.Bình Thạnh); CTCP SSG Văn Thánh thế chấp dự án SSG Tower (Q.Bình Thạnh); CTCP Đầu tư IDICO thế chấp chung cư ở P.25 (Q.Bình Thạnh) tại  BIDV; CTCP Đầu tư Nam Long thế chấp khu dân cư ở P.An Lạc (Q.Bình Tân) tại Sacombank; CTCP Xây dựng 585 thế chấp chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú) tại Ngân hàng Phương Nam; Công ty Địa ốc Hoàng Quân thế chấp dự án chung cư ở huyện Bình Chánh cho BIDV...

Trong đó CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova đóng góp 2 dự án là Dự án khu dân cư với 31 thửa đất tại ấp Thảo Điền, phường Thảo Điền thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân Đội - Chi nhánh Bắc Sài Gòn từ ngày 17/3/2015. Dự án căn hộ + 4 khu TTTM tầng trệt, tầng 1,2,3 tại Sunrise City (South) thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - Chi nhánh TP. HCM từ ngày 25/3/2015.

Phản ứng trước danh sách này, ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc HimLam cho rằng, Công ty mình bị bêu tên là vô lý và việc cầm cố dự án cho ngân hàng là không sai luật. Không thể đánh đồng những chủ đầu tư uy tín có dự án lớn với những chủ đầu tư nhỏ làm ăn không đàng hoàng như Hamona.

“Việc doanh nghiệp địa ốc phải vay tiền ngân hàng để thực hiện dự án là điều bình thường và hợp pháp, bởi theo luật thì chủ đầu tư khi thực hiện dự án phải có 15% số vốn, số còn lại đi vay và do người mua nhà cùng góp. Đặc biệt, việc dự án muốn được bảo lãnh của ngân hàng để đủ điều kiện bán thì chủ đầu tư phải cầm cố dự án đó cho ngân hàng để ngân hàng có thể bảo lãnh dự án đó là hợp lý và luật đề ra chứ chúng tôi không hề làm sai mà phải bị bêu tên”, ông Phúc bức xúc.

Ngoài ra, đại diện chủ đầu tư lớn có 2 dự án bị bêu tên cho rằng, thông tin dự án dự án của công ty ông hiện thế chấp tại ngân hàng là đúng, nhưng chưa đầy đủ. Lý do là, Công ty chỉ sử dụng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai để bảo đảm cho nghĩa vụ phát hành thư bảo lãnh của chủ đầu tư trong bán nhà hình thành trong tương theo đúng luật chứ không hề sai gì.

“Nếu đánh đồng những dự án lớn và uy tín với những dự án nhỏ và đã cầm cố ngân hàng, bán hết dự án nhưng vẫn không chi trả tiền cho ngân hàng theo kiểu vơ đũa cả nắm là không được và vô tình tạo ra tiếng xấu cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp không có gì sai. Điều này sẽ tạo ra cho thị trường một cơn địa chấn mất niềm tin từ người tiêu dùng và dẫn tới thị trường sẽ tiếp tục gặp khó”, vị Tổng giám đốc công ty này nói.

Sở Tài nguyên và Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư

 - Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM cho rằng, việc công bố các dự án đang thế chấp ngân hàng này là làm theo chỉ đạo số 372/TB-VP ngày 13/07/2016 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa ký yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường… phải công bố các dự án bất động sản đang cầm cố ngân hàng trên phương tiện đại chúng để tránh tình trạng các chủ đầu tư cầm cố dự án ảnh hưởng tới người dân mua nhà như dự án Hamona vừa qua.

Ngay sau khi danh sách này được công bố, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) ra văn bản Số: 48/ CV- HoREA cho rằng, hiện nay, Thành phố có 584 dự án bất động sản đang triển khai thực hiện, nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp, chiếm 13,2% cho thấy phần lớn các dự án không thế chấp ngân hàng.

“Việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn”, HoREA cho biết.

Tuy nhiên, HoREA cũng cho rằng, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường công bố thông tin về 77 dự án đang thế chấp ngân hàng đã có tác động tức thì đến thị trường bất động sản làm cho một bộ phận người tiêu dùng băn khoăn, lo lắng, nhất là có người hiểu nhầm là dự án đã bị thế chấp đồng nhất với chủ đầu tư kém năng lực.

Thay mặt cho các doanh nghiệp bất động sản thành phố, HoREA cho rằng, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thế chấp, giải chấp tài sản để vay vốn làm ăn là hoạt động bình thường. Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cũng vậy, việc chủ đầu tư thế chấp dự án, nhà ở, công trình để vay vốn tín dụng ngân hàng phát triển dự án và hoàn thành công trình nhà ở, sau đó thực hiện giải chấp cũng là việc bình thường.  

“Hiệp hội đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà. Đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng, thực hiện giải chấp làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng đúng quy định”, HoREA nêu rõ.

Gia Huy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục