Bẫy “chết người” trong cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp

(ĐTCK) Mua cổ phần trên thị trường thứ cấp là câu chuyện của các nhà đầu tư với nhau, nhưng để tiếp quản, tiến đến nắm quyền điều hành doanh nghiệp, lại là câu chuyện khác. 
Bẫy “chết người” trong cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp

Trong nhiều trường hợp, đây là cuộc chiến với Hội đồng quản trị đương nhiệm và nếu không cẩn trọng với những bẫy pháp lý phát sinh, người bỏ tiền ra mua để nắm lượng lớn cổ phần tại DN vẫn dễ dàng thất bại trong cuộc chiến nắm quyền lãnh đạo.

Từ cái bẫy bầu lại - bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị của KHB

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB) có lẽ là một trong những điểm nóng của thị trường chứng khoán trong mấy tháng qua. Thị trường chờ đợi xem các cổ đông mới sẽ tiếp quản KHB bằng cách nào và điều gì sẽ xảy ra sau đó.

Câu chuyện thực tế cho thấy, diễn biến cuộc họp Đại hội đồng cổ đông KHB diễn ra ngày cuối tháng 6/2017 là một bài học kinh nghiệm rất thú vị cho mỗi nhà đầu tư nếu có ý định đi thâu tóm doanh nghiệp không thân thiện.

Trước thềm cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, nhóm cổ đông mới, trong đó ông Lê Hải Đoàn làm đại diện, đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình, đề nghị được bổ sung nội dung “Bầu lại toàn bộ các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014 - 2019 với số lượng thành viên không đổi”.

Với kiến nghị này, nếu chương trình họp diễn ra như kế hoạch và nhóm cổ đông đủ điều kiện giới thiệu 3 trên tổng số 5 thành viên Hội đồng quản trị, có trên 51% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự, các cổ đông mới chắc chắn nắm được Hội đồng quản trị sau cuộc họp cổ đông.

Thị trường chứng khoán Việt Nam như cậu bé đang lớn, chưa học đủ những điều hay của các thị trường phát triển, nhưng lại không thiếu các chiêu trò   

Tuy nhiên, con đường tiếp quản Hội đồng quản trị tại đây chưa khi nào đơn giản.

Đầu tiên, KHB công bố việc hủy họp đột ngột và chốt lại danh sách cổ đông. Điều này khiến cho các cổ đông mới bị kéo dài thời gian tiếp quản doanh nghiệp, dẫn đến những hệ lụy có thể phát sinh liên quan đến tài sản doanh nghiệp.

Dễ thấy là một công ty thành viên của KHB đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngay sau đó, với nội dung thông qua phương án phát hành riêng lẻ tăng gấp đôi vốn điều lệ, dẫn đến giảm 50% tỷ lệ sở hữu của KHB tại đây. Những điều bất ngờ khác vẫn có thể phát sinh trong tương lai quanh câu chuyện này.

Thứ hai là “bẫy” cổ đông tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Mặc dù đơn kiến nghị của các cổ đông là “bầu lại toàn bộ các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2014 - 2019 với số lượng thành viên không đổi”, nhưng trong tài liệu gửi các cổ đông, KHB chỉ gửi thư mời với chương trình họp liên quan đến nội dung này là một Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua việc thay đổi thành viên Ban kiểm soát và Hội đồng quản trị” cùng một mẫu bỏ phiếu “thay đổi thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát”.

Đây chính là một cái bẫy rất lớn mà Hội đồng quản trị KHB đã đưa ra cho nhóm cổ đông đại diện trên 51% vốn điều lệ Công ty.

KHB hiện có 5 thành viên Hội đồng quản trị. Nếu cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra theo đúng trình tự Hội đồng quản trị đã đưa ra, Công ty sẽ bầu thêm 4 thành viên hội đồng quản trị mới, trong đó 3 ứng viên do nhóm cổ đông mới giới thiệu và 1 ứng viên mới do nhóm cổ đông khác giới thiệu (trên thực tế là cổ đông đại diện cho nhóm Hội đồng quản trị cũ).

Nếu không miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đương thời, KHB sẽ có tới 9 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, trong đó 6 người đại diện cho thành viên Hội đồng quản trị mới và 3 người đại diện cho nhóm cổ đông mới. Khi đó, việc có ghế vào Hội đồng quản trị của nhóm cổ đông mới sẽ trở nên vô nghĩa.

Rõ ràng, nếu chủ quan cho rằng, Hội đồng quản trị cũ đã làm theo đề xuất của nhóm cổ đông mới và không yêu cầu bổ sung nội dung miễn nhiệm toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị đương thời, các cổ đông mới đã thất bại hoàn toàn trong việc tiếp quản doanh nghiệp sau kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Để nhóm cổ đông mới giải quyết thành công câu chuyện tiếp quản KHB, mấu chốt của vấn đề nằm ở 2 khía cạnh: một là phát hiện kịp thời bẫy bổ sung người, chứ không phải bầu mới thành viên Hội đồng quản trị mà KHB đã giăng ra; và thứ hai là quyền của cổ đông liên quan đến bổ sung, thay đổi chương trình họp.

...Đến bẫy “chết người” trong cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp khác

Bẫy “quyền thay đổi chương trình họp Đại hội đồng cổ đông” trên thực tế cũng được không ít doanh nghiệp sử dụng, như một cách để chống lại sự gia nhập hệ thống quản trị doanh nghiệp của Ban lãnh đạo đương nhiệm, mà câu chuyện của một doanh nghiệp niêm yết diễn ra năm 2012 là một ví dụ.

Theo đó, tại một doanh nghiệp ngành bất động sản, cuộc chiến quyền lực giữa 2 nhóm cổ đông đã xảy ra, bao gồm cổ đông nhà nước sở hữu 40% vốn điều lệ và đại diện sở hữu 4% vốn điều lệ với cổ đông bên ngoài sở hữu 20% vốn điều lệ và được ủng hộ của 12% vốn điều lệ bên ngoài.

Cuộc chiến quyền lực nóng ngay từ khi chuẩn bị chốt danh sách cổ đông tham dự, với giá mua quyền tham dự họp cao điểm lên tới 1 tỷ đồng cho 1 triệu quyền biểu quyết.

Cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát đã hết nhiệm kỳ, Đại hội đồng cổ đông bất thường đã bầu bổ sung thay thế 3 thành viên mới vào 2 tháng trước đó, với cơ cấu Hội đồng quản trị là 2 đại diện của cổ đông nhà nước, 1 đại diện của cổ đông mới và 2 đại diện còn lại khá trung lập, nhưng bị ràng buộc trong nguy cơ những sai phạm có thể bị phanh phui.

Bẫy “chết người” trong cuộc chiến thâu tóm doanh nghiệp ảnh 1

Nếu không bầu mới, công ty sẽ phải họp Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 để bầu lại. Và trong tình huống này, xác suất để cổ đông Nhà nước có được 3/5 đại diện tại Hội đồng quản trị là rất lớn.

Cái bẫy được giăng ra trong tình huống này là Chủ tọa cuộc họp dựa trên chương trình họp tại Đại hội trong đó không có nội dung bầu mới Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, dù trước đó trong tài liệu họp gửi cổ đông có nhắc đến vấn đề này.

Tại Đại hội, nhờ nắm chắc Luật Doanh nghiệp với yêu cầu, mọi thay đổi chương trình họp phải được gửi trước tối thiểu 3 ngày và chỉ Đại hội đồng cổ đông mới được phép thay đổi chương trình họp, cộng với tận dụng ưu thế quyền phủ quyết (do nắm trên 41% số cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự họp), nhóm cổ đông mới đã thắng thế trong việc bầu mới Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới trên cơ sở giữ nguyên các thành viên Hội đồng quản trị đang có.

Ngoài câu chuyện của doanh nghiệp nói trên, trong những năm qua, nhiều cuộc họp đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp niêm yết luôn tiềm ẩn những cái bẫy “chết người” dành cho nhà đầu tư đi thâu tóm.

Tại một công ty đại chúng chưa niêm yết, việc có được cái bắt tay giữa Hội đồng quản trị cũ và nhóm cổ đông mới đã khiến nhóm cổ đông lớn mua lại cổ phần từ thoái vốn Nhà nước, dù sở hữu tới gần 20% vốn điều lệ bị ra rìa vì cuộc họp diễn ra vào thời điểm nhạy cảm: thời điểm ngay sau khi cổ đông nhà nước bán vốn, dẫn tới một nhóm cổ đông chiến thắng dù không sở hữu lớn hơn quá nhiều cổ đông bị thất bại.

Chiêu được sử dụng trong tình huống này chính là những quy định liên quan đến điều kiện ứng cử, đề cử thành viên Hội đồng quản trị, với yêu cầu phải nắm giữ tối thiểu 6 tháng. Nếu không có ứng viên nào cho các vị trí thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Hội đồng quản trị cũ sẽ giữ quyền... đề cử!

Tại một số doanh nghiệp khác, cách chống lại sự gia nhập của các nhân sự mới có vẻ thô thiển hơn, nhưng lại khá hiệu quả, đó là Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát đương nhiệm nhất định không tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông như quy định và đề xuất của cổ đông lớn.

Cách này là trái pháp luật, nhưng việc quy định về quyền tiếp cận danh sách cổ đông hiện nay chỉ dành cho lãnh đạo đương nhiệm khiến phương án này lại tỏ ra khá hiệu quả. Cổ đông mới, là chủ sở hữu lớn tại DN, nhưng có thể cũng là con tin của chính... Ban lãnh đạo DN đương nhiệm.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam như cậu bé đang lớn, chưa học đủ những điều hay của các thị trường phát triển, nhưng lại không thiếu các chiêu trò”, một chuyên gia am hiểu thị trường chứng khoán quốc tế từng nhận xét.

Cách biến hóa trong các hoạt động thâu tóm và chống thâu tóm DN là những câu chuyện thú vị mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần khám phá và trải nghiệm.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) ngày 10/8/2017, với chủ đề “Tìm bước đột phá”.

Đây là sự kiện thường niên lớn nhất về hoạt động M&A doanh nghiệp và kết nối đầu tư tại Việt Nam, quy tụ 500 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp. Diễn đàn sẽ đề cập sâu về nguồn hàng cho hoạt động M&A, trong đó có cơ hội từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN.

Bên cạnh Hội thảo chuyên sâu về hoạt động M&A tại Việt Nam với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Gala Dinner & Vinh danh các thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu năm 2016 – 2017, Diễn đàn sẽ phát hành Đặc san “Toàn cảnh thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam năm 2017” và Khóa đào tạo cao cấp về Chiến lược M&A.

Trúc Chi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục