“Săn mua” doanh nghiệp nặng nợ, vốn hóa rẻ

(ĐTCK) “Xào nấu” dữ liệu tài chính bị phanh phui khi có cổ đông lớn tham gia vào CTCP Gỗ Trường Thành, CTCP NTACO là câu chuyện không mới, nhưng có một trào lưu mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam là trào lưu “săn” các doanh nghiệp có vấn đề về tài chính. Chủ thể đi “săn” là nhóm nhà đầu tư có kỹ năng đòi nợ, hoặc xử lý các vấn đề phức tạp đang rối tung tại các doanh nghiệp này.
“Săn mua” doanh nghiệp nặng nợ, vốn hóa rẻ

Đầu tư ngược dòng

Trong khi các nhà tư vấn chuyên nghiệp liên tục khuyên mua những cổ phiếu có cơ bản tốt, nền tảng vững, thì từ năm 2016, TTCK Việt Nam xuất hiện một phong cách đầu tư  mới với chủ thể là những người có nghề, muốn đi “ngược đám đông”. “Nghề” của các nhà đầu tư này là am hiểu tài chính, am hiểu doanh nghiệp và… có kinh nghiệm đòi nợ.

Khẩu vị của dòng vốn “ngược đám đông” là hướng đến những doanh nghiệp có tài sản lớn, nhưng tập trung chủ yếu ở các khoản phải thu, có chênh lệch lớn giữa giá trị sổ sách cổ phiếu và giá trị ròng các khoản phải thu (sau khi đã trừ đi các khoản phải trả).

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một nhóm nhà đầu tư loại này cho biết, trên thị trường có không ít trường hợp doanh nghiệp đã bị Ban lãnh đạo “rút ruột” bằng cách tăng rất mạnh các khoản phải thu, trong đó có những khoản là thu từ chính… Ban lãnh đạo (vay tiền doanh nghiệp).

Đây là một trong những lý do khiến nhiều mã chứng khoán liên tục sụt giá. Nếu chỉ là nhà đầu tư tài chính đơn thuần, khi nhận ra doanh nghiệp có vấn đề, giải pháp tốt nhất là bán đi cho nhẹ nợ.

Tuy nhiên, với những nhà đầu tư “đặc biệt”, những doanh nghiệp có vấn đề, có cơ cấu cổ đông lỏng lẻo và nhất là có sự chênh lệch đủ lớn giữa giá trị ròng các khoản phải thu do với vốn hóa doanh nghiệp trên sàn, được coi cơ hội lớn cho một cuộc “nhảy” vào doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư này “có đất” để phát huy năng lực dọn dẹp nợ, nhất là nợ từ Ban lãnh đạo đương nhiệm, cải tạo lại doanh nghiệp rồi thu lợi từ đây.

Nhóm “ngược dòng” chia sẻ, ít nhất có 2 doanh nghiệp niêm yết đang rơi vào trường hợp như CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Gỗ Trường Thành, mã TTF) và CTCP NTACO (mã ATA) và đang được 2 nhóm nhà đầu tư mới tìm cách tăng tỷ lệ sở hữu, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp quản.

Điều thú vị mà nhóm nhà đầu tư loại này phát hiện ra là gần như 100% trường hợp, các khoản phải thu lớn ở những doanh nghiệp “bết bát” đều trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến thành viên Ban lãnh đạo.

“Vì thế, khi có đội mới tiếp quản và có nghề đòi nợ, các vị ấy sẽ rất khó để trốn”, ông nói.

Chia sẻ về một thương vụ thâu tóm doanh nghiệp mà nhóm này đã làm thành công, ông nói, giá trị các khoản phải thu tại doanh nghiệp này gấp hơn 3 lần vốn hóa thị trường, chưa kể một số tài sản khác còn có thể bán được. Chúng tôi cầm chắc cơ hội lãi từ 100% trở lên khoản đầu tư khi tiếp quản doanh nghiệp”, ông nói.

Làm bậy: rút lui chưa phải là hết trách nhiệm

Trở lại câu chuyện của Gỗ Trường Thành, NTACO. Tháng 8/2016, các cổ đông của Gỗ Trường Thành đã bị sốc nặng khi báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2016 của Công ty hạch toán khoản lỗ hơn 1.072 tỷ đồng, với nguyên nhân chủ yếu là hàng tồn kho phát hiện thiếu khi kiểm kê (980 tỷ đồng) và phải trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi, cộng thêm lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ. Chưa hết, báo cáo soát xét bán niên 2016 ký bởi E&Y còn chỉ ra khoản 520 tỷ đồng không đủ cơ sở hạch toán.

Với những thông tin này, cổ phiếu TTF đã giảm sàn một mạch từ mức 43.600 đồng ngày 18/7/2016 (trước khi báo cáo kiểm toán được ký) về mức 4.090 đồng ngày 18/11/2016.

Ở thời điểm những thông tin tiêu cực nói trên được phanh phui, Ban lãnh đạo cũ của Gỗ Trường Thành đã rút khỏi Công ty, nhường chỗ cho đại diện của nhóm cổ đông mới từ Vingroup, nhà đầu tư tham gia vào Công ty với kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật cho Gỗ Trường Thành khi tiêu thụ chính sản phẩm của Công ty và kịp đi thâu tóm doanh nghiệp khác.

Thế nhưng, rút khỏi quản trị không có nghĩa là chấm dứt được những nghĩa vụ cũ. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường bằng văn bản diễn ra đầu tháng 3/2017 đã thông qua phương án cho phép ông Võ Trương Thành, nguyên Chủ tich Hội đồng quản trị Gỗ Trường Thành được khắc phục một phần hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém bằng cách chuyển giao quyền sở hữu các tài sản thuộc sở hữu của bản thân và người liên quan cho Công ty theo cách thức phù hợp.

Tại NTACO, câu chuyện tương tự khi cuối tháng 8/2016, Công ty này công bố báo cáo tài chính quý II/2016 với vốn chủ sở hữu âm hơn 301 tỷ đồng, do mất toàn bộ hàng tồn kho hơn 400 tỷ đồng.

Việc toàn bộ hàng tồn kho với giá trị gấp nhiều lần vốn điều lệ không tồn tại đã được đưa ra ánh sáng, khi nhóm cổ đông mới tham gia vào Công ty với kỳ vọng mua được cổ phiếu có tài sản lớn thị giá thấp.

Cơ hội thu hồi tài sản tại NTACO chưa rõ ràng, nhưng việc NTACO đang bị chính các cổ đông quay lưng, khi cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần một năm 2017 chỉ có chưa tới 15% số cổ đông tham dự họp cho thấy, câu chuyện tại đây chưa “yên ổn”.

Dù vậy, những người đang nắm cổ phiếu này vẫn kỳ vọng doanh nghiệp sẽ đòi được nợ khi Chủ tịch đương thời của Công ty là ông Nguyễn Thanh Sơn, ông là người gắn liền với Thu nợ Dân An – một công ty đòi nợ có tiếng trên thương trường.

Nếu thị trường chỉ thuần những nhà đầu tư tài chính và lướt sóng, sai phạm tại doanh nghiệp có thể được bỏ qua vì yếu tố không sẵn sàng cho những tranh chấp kinh tế, dân sự của các cổ đông, nhà đầu tư.

Nhưng trào lưu thâu tóm doanh nghiệp bị buông bỏ do yếu tố quản trị có tính trục lợi phát triển có thể sẽ là yếu tố giúp tăng khả năng giám sát chất lượng hoạt động tại doanh nghiệp. Trào lưu này cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những ông chủ làm sai. 

Quỳnh Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 231,764 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.42 -0.06 -0.07% 645 tỷ