Chốt Đại hội cuối tháng 6, KHB có phạm luật?

(ĐTCK) Sau sự kiện Hội đồng quản trị KHB bất ngờ ra thông tin hoãn họp Đại hội và hủy danh sách cổ đông đã chốt vào tháng 4, nhóm cổ đông cũ của KHB đã có công văn kiến nghị gửi đi các bên.
Rối ren ở KHB khiến gần 1 năm nay, giá cổ phiếu KHB không ngóc đầu lên trên mức 2.000 đồng/cổ phiếu Rối ren ở KHB khiến gần 1 năm nay, giá cổ phiếu KHB không ngóc đầu lên trên mức 2.000 đồng/cổ phiếu

Ngày 29/5/2017, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) - nơi cổ phiếu KHB của Công ty cổ phần Khoáng sản Hòa Bình niêm yết đăng tải Công văn số 25/2017/KHB về ngày đăng ký cuối cùng nhận quyền tham dự họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, dự kiến ngày 29/6/2017. 

Trong khi đơn khiếu kiện của nhà đầu tư về việc họp Đại hội đồng cổ đông lần 1 vẫn chưa có lời phúc đáp thỏa đáng, việc tổ chức Đại hội có phạm luật?

Cổ đông khiếu nại, cơ quan quản lý yêu cầu giải trình, DN phớt lờ

Sau sự kiện Hội đồng quản trị KHB bất ngờ ra thông tin hoãn họp Đại hội và hủy danh sách cổ đông đã chốt vào tháng 4, nhóm cổ đông cũ của KHB đã có công văn kiến nghị gửi đi các bên, bao gồm Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, KHB và Ban Kiểm soát KHB yêu cầu tổ chức lại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Lý lẽ của nhóm cổ đông này là quyết định hoãn họp của Hội đồng quản trị KHB đưa ra trong bối cảnh Chương trình họp đã được gửi các cổ đông là vi phạm Luật Doanh nghiệp. Nhóm cổ đông này cho rằng, việc họp theo lịch cũ cần được khôi phục lại, thực hiện trong thời gian gần nhất với danh sách đã chốt cho lần họp đầu tiên.

Trước đó, theo dữ liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình, nhóm cổ đông KHB cũng đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh (Sở nhận được ngày 13/3/2017) về việc đề nghị Sở không gia hạn thời gian tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông do việc hoãn họp không có lý do.

Đến đầu tháng 5/2017, nhóm cổ đông KHB tiếp tục gửi một đơn thư phản ánh nguy cơ KHB bị rút ruột, khi Công ty đã thông qua việc cho phép công ty liên kết (KHB nắm giữ 49% vốn điều lệ) được phép phát hành riêng lẻ cho cổ đông bên ngoài để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, làm giảm 50% quyền biểu quyết của KHB tại doanh nghiệp này.

Đáp lại các đơn thư này, nhóm cổ đông bên ngoài của KHB nhận được gì?

Ngày 20/4/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình có Công văn số 08/PDKKD gửi KHB cho biết: “Theo khoản 2 Điều 136, Luật Doanh nghiệp (năm 2014) cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn Đại hội đồng cổ đông thường niên theo đề nghị của Hội đồng quản trị của Công ty.

Tuy nhiên, ngày 13/4/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình nhận được văn bản của một số cổ đông đề nghị không gia hạn Đại hội đồng cổ đông thường niêm năm 2017, do việc hoãn Đại hội không có lý do.

Phòng Đăng ký Kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đề nghị Công ty làm rõ lý do hoãn Đại hội đồng cổ đông thường niên với nhóm cổ đông nêu trên. Sau khi các bên có ý kiến thống nhất, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ ra văn bản đồng ý gia hạn Đại hội đồng cổ đông của Công ty”.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, đại hội đồng cổ đông của DN phải tổ chức trước 30/4 hàng năm, trường hợp muộn hơn, DN phải có sự chấp thuận của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi DN đăng ký kinh doanh, nhưng không được muộn hơn 30/6.

Trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình chưa có công văn chấp thuận gia hạn cho KHB, Công ty vẫn đưa ra kế hoạch chốt danh sách cổ đông mới vào ngày 9/6/2017, thời gian họp dự kiến là ngày 29/6/2017.

Không chỉ gửi đơn lên Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình, các cổ đông KHB đồng thời đã gửi đơn kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong công văn gửi KHB, Vụ Giám sát công ty đại chúng thuộc Ủy ban Chứng khoán cũng chỉ thông báo và yêu cầu làm rõ nguyên nhân xin hoãn Đại hội.

Ở vị thế của mình, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không thể làm gì hơn ngoài việc yêu cầu DN tuân thủ Luật Doanh nghiệp. Lý do là, dù quản lý đầu ngành của lĩnh vực chứng khoán, nhưng tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông, lùi thời gian hay không… lại được quy định và thực hiện bởi Luật Doanh nghiệp và cơ quan báo cáo trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Trong khi câu chuyện giữa nhóm cổ đông lớn của KHB và Ban lãnh đạo đương nhiệm chưa ngã ngũ, việc Công ty chốt danh sách cổ đông, chốt ngày họp và công khai thông tin, liệu có phạm luật? Tìm hiểu vấn đề này ở một số chuyên gia và nhà quản lý, lời khuyên chung là những tranh chấp này nên đưa ra Tòa để minh định. 

Nếu kiện ra tòa, cổ đông bên ngoài sẽ phải đối mặt với nguy cơ khi trong thời gian chờ đợi vụ việc được phán xét, họ không có công cụ nào để tự bảo vệ trước khả năng Ban lãnh đạo đương nhiệm ký những quyết định kinh tế có thể gây tổn hại đến vốn chủ sở hữu của Công ty.

Rối ren ở KHB khiến gần 1 năm nay, giá cổ phiếu này không ngóc đầu lên trên mức 2.000 đồng/CP. Giá trị của sự minh bạch và kinh doanh hiệu quả của giới DN niêm yết “giảm đẹp” vì những câu chuyện như tại DN này.

Bùi Sưởng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục