Bát nháo kinh doanh vận tải tại TP.HCM - Bài 2: Nhiều nhà xe đùa giỡn với “tử thần”

0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng kinh doanh vận tải hành khách coi thường các quy định của pháp luật, gây ra nhiều hệ luỵ.
Càng gần Tết, tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách càng phức tạp. Càng gần Tết, tình hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách càng phức tạp.

Bài 2: Nhiều nhà xe đùa giỡn với “tử thần”

“Không đón khách dọc đường thì lấy gì mà sống” là câu trả lời của nhiều lái xe. Bất chấp quy định để kiếm tiền, song việc đón khách dọc đường tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính tài xế và hành khách.

Giật mình với những pha “bứt tốc”

Sau hành trình ngược xuôi trên các chặng đường, phóng viên Báo Đầu tư chứng kiến không ít pha “bứt tốc” của các tài xế. Khi ngồi cạnh vị trí ghế lái của tài xế mới thấy “thót tim” trước những pha “làm xiếc” trên đường.

Đơn cử, chuyến đi từ Đồng Nai tới Vũng Tàu mới đây, chúng tôi không cần phải gọi điện trước, cũng không cần phải vào bến xe hay đến điểm hẹn, chỉ cần đứng bên lề Quốc lộ 51, chờ khoảng 15 phút, một chiếc xe 16 chỗ của nhà xe Thành Công (Công ty TNHH Vận tải Thành Công) giảm tốc độ chạy tới. Nhìn từ xa đã thấy tài xế ngồi trên xe vẫy tay và ra ám hiệu 1 ngón tay (ám chỉ xe còn 1 chỗ). Thấy hành khách gật đầu, tài xế liền tấp xe vào lề đường và mở cửa.

“Lên nhanh đi em ơi, ở đây không được dừng xe. Cảnh sát giao thông mà bắt được là bị phạt đấy”, tài xế này nói.

Trên xe lúc này gần như đã “full ghế”, chỉ còn một chỗ duy nhất bên cạnh tài xế. Tại đây, chúng tôi cũng nhìn thấy rõ hơn những pha lạng lách trên đường của lái xe này.

Trên Quốc lộ 51 từ TP.HCM đi Vũng Tàu, tốc độ tối đa ở khu vực ngoài đô thị là 90 km/h và trong khu đô thị là 60 km/h, nhưng dường như quy định này không có nghĩa lý gì với tài xế chiếc xe mà chúng tôi đang đi, khi tốc độ luôn duy trì ở mức từ 70 đến 90 km/h.

Chưa kể, trong quá trình lái xe, tài xế này còn liên tục sử dụng điện thoại để nói chuyện, thậm chí, có những lúc còn buông cả 2 tay ra khỏi vô lăng trong khi xe đang chạy, thỉnh thoảng chạm một ngón tay vào vô lăng để cân chỉnh… Ngồi ngay cạnh tài xế và trực tiếp chứng kiến cảnh này, chúng tôi không khỏi “thót tim”.

Tài xế này cho biết, trên đoạn đường từ TP.HCM về Vũng Tàu có cả chục nhà xe khác nhau, khi xe mình xuất bến mà còn thừa ghế thì phải chạy nhanh để còn bắt khách dọc đường, chạy chậm thì xe khác đón mất. Hơn nữa, chạy nhanh còn về nghỉ ngơi, chuyến này là chuyến cuối rồi.

Việc quản lý xe hợp đồng trá hình được thực hiện bằng cách thanh tra, kiểm tra, hoặc đặt bảng cấm ở một số tuyến đường giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa”, vì cấm chỗ này, nhà xe quay sang chỗ khác hoạt động.

“Bắt khách dọc đường thì nhà xe không phải xuất vé, nên tài xế sẽ được hưởng 10% trên số tiền mà khách trả”, tài xế này nói và cho biết, để có thêm thu nhập, lái xe cũng nhận chuyển hàng dọc đường cho khách. Số tiền này chẳng có giấy tờ hay hóa đơn gì, nên không ai quản lý.

Sau chuyến xe trên, chúng tôi tiếp tục hành trình về Đắk Lắk trên chuyến xe khách Q.D thuộc Hợp tác xã Xe du lịch và vận tải Thiên Phúc. Khi đi qua địa phận huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương), tài xế đột ngột nhấn ga vượt qua các xe khác trên đường. Chúng tôi sử dụng ứng dụng đo tốc độ trên điện thoại di động và ghi nhận tốc độ xe lên tới 70 - 85 km/h. Đặc biệt, khi về đêm, xe này nhiều lần vượt nhanh, “tạt đầu” các xe khác, mặc dù đường không rộng.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Rô, chủ một nhà xe chạy tuyến TP.HCM - Đà Nẵng cho biết, chỉ những công ty (nhà xe) lớn thì mới ký hợp đồng lao động và trả lương theo tháng cho tài xế, còn với những nhà xe nhỏ thì sẽ khoán theo chuyến.

“Tài xế lái xe đường dài bây giờ đâu như trước, chủ yếu là nhận lương theo chuyến. Họ thấy nhà xe nào làm ăn uy tín, chịu khó đầu tư xe mới, đối đãi với tài xế tử tế thì sẽ nhận chạy. Chạy xong về bàn giao lại xe và tiền là xong, không bị ràng buộc gì. Vì vậy, các lái xe mới chạy nhanh để cạnh tranh nguồn khách với nhau. Chạy nhanh thì đón được thêm vài ba khách, chậm một chút thì mất khách. Các chi phí phát sinh trên đường như xăng dầu, phí cầu đường, ăn uống, hay bị cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm thì tài xế phải tự chịu. Nhà xe chỉ có trách nhiệm bàn giao xe đảm bảo chất lượng, hư hỏng thì nhà xe sẽ sửa”, ông Rô chia sẻ.

Tương tự, nhà xe Việt Thắng (Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ vận tải chất lượng cao Việt Thắng) từng bị cơ quan chức năng “bêu tên”, tước phù hiệu xe do vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần/tháng. Đại diện nhà xe này trần tình rằng, bản thân các nhà xe cũng rất “đau đầu” về việc này vì chưa thể giải quyết dứt điểm, dù đã liên tục tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng tài xế vẫn vi phạm.

Theo vị lãnh đạo doanh nghiệp này, do nhà xe ký hợp đồng theo chuyến với tài xế. Trong khi đó, thông tin về chuyến xe vi phạm thì cả tháng sau doanh nghiệp mới nhận được từ Sở Giao thông - Vận tải. Điều này dẫn đến lúc nhắc nhở, tài xế này đổ thừa cho tài xế kia, bảo không phải mình vi phạm. Khi nắm được thời gian cụ thể xảy ra vi phạm, đưa chứng cứ ra để xử lý thì tài xế nghỉ việc, đến doanh nghiệp vận tải khác làm...

Mạnh tay dẹp “xe dù, bến cóc”

Chính quyền TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm dẹp nạn “xe dù, bến cóc”, nhưng “bài toán” này vẫn lâm vào bế tắc. Những chiếc xe giường nằm với đầy đủ tên hãng, số điện thoại liên hệ vẫn nghênh ngang đi lại trong nội đô, đón khách giữa đường. Từ đó, những bến xe danh chính ngôn thuận cùng hàng trăm nhà xe làm ăn chân chính, chấp hành nghiêm quy định phải “lép vế”, ế ẩm, thất thu.

Đơn cử, tại Bến xe Miền Đông mới, tọa lạc tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất cả nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm, đang rơi vào cảnh ế ẩm.

Ghi nhận thực tế cho thấy, Bến xe Miền Đông mới hiện đại, khang trang hơn bến cũ. Từ hầm gửi xe, hành khách có thể di chuyển lên tầng trệt mua vé bằng thang cuốn. Ở sảnh nhà ga cũng được bố trí nhiều dãy ghế ngồi cứng và các ghế ngồi bọc nệm để khách chờ. Cách khu vực ngồi chờ không xa là căng-tin, có bán đồ ăn, nước uống, quầy thuốc... phục vụ hành khách khi chờ ra xe. Từ đây, hành khách di chuyển ra chỗ xe đợi sẵn bên ngoài rất thuận tiện. Tuy nhiên, các dịch vụ này luôn trong tình trạng vắng khách. Tương tự, loạt ki-ốt bán vé tại sảnh tầng trệt bến xe cũng vắng bóng hành khách, một số đã cửa đóng then cài.

Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Giám đốc Bến xe Miền Đông mới, từ khi di dời giai đoạn II đến nay, mỗi ngày Bến xe có chưa đầy 200 chuyến xe xuất bến, công suất chỉ đạt 3%. Lấy thí dụ trong tháng 10/2023, tổng lượt xe xuất bến là 5.387 chuyến, tổng lượt khách xuất bến là 73.278 khách. Như vậy, bình quân lượt xe xuất bến/ngày là khoảng 174 chuyến, lượt khách bình quân xuất bến/ngày là 2.364 khách.

Bến xe ế ẩm, đồng nghĩa các nhà xe trong bến vắng khách. Khu vực quầy bán vé được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, nhưng khá đìu hiu. Ở phía sau nhà ga, khu vực đỗ xe có thiết kế hiện đại, được phân chia vị trí rõ ràng. Tuy nhiên, lượng xe đỗ ở đây rất ít. Đại diện nhà xe Hùng Nga chạy tuyến TP.HCM - Bình Định cho biết, doanh nghiệp này chấp nhận di dời từ bến cũ ra bến mới từ tháng 10/2022. Thế nhưng, suốt thời gian qua, doanh nghiệp luôn phải gồng lỗ. “Lượng khách đến bến xe mới rất ít, nên những nhà xe di dời về đây cũng chịu cảnh ế ẩm. Có những xe xuất bến mà trên xe chỉ có 5-10 hành khách, không đủ chi phí bù lỗ”, đại diện nhà xe Hùng Nga nói.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện nhà xe Kumho Samco cũng cho rằng, việc quản lý xe hợp đồng trá hình được thực hiện bằng cách thanh tra, kiểm tra, hoặc đặt bảng cấm ở một số tuyến đường. Điều này giống như việc “bắt cóc bỏ đĩa” vì cấm chỗ này, nhà xe quay sang chỗ khác hoạt động.

Do vậy, để dẹp xe “dù”, bến “cóc”, chính quyền Thành phố cần quyết liệt trong việc chỉ rõ doanh nghiệp vận tải nào là xe hợp đồng du lịch, doanh nghiệp nào là xe hợp đồng trá hình chạy hàng ngày trên tuyến cố định. Sau đó yêu cầu các doanh nghiệp xe hợp đồng cam kết không chạy “dù” và mở bến “cóc”, nếu phát hiện vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh. Sau khi doanh nghiệp cam kết, Sở Giao thông - Vận tải tổ chức tiếp nhận phản ánh của người dân, bến xe, các doanh nghiệp vận tải để thanh tra, kiểm tra các dấu hiệu vi phạm.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Duy Kha, Giám đốc HTX Vận tải Đông Bắc cho rằng, xe “dù”, xe hợp đồng trá hình đã tràn lan khắp thành phố, cảnh sát giao thông hay thanh tra giao thông vận tải khó có đủ nhân lực để xử lý được hết. Xe “dù” ra vào các bến “cóc”, xe trá hình đón trả khách lên xuống, vận chuyển hàng hóa rầm rộ hàng ngày tại trụ sở ai cũng thấy. Do đó, để lập lại trật tự vận tải khách liên tỉnh, chính quyền Thành phố cần vào cuộc quyết liệt và xử lý trách nhiệm người đứng đầu mới có thể dẹp được xe “dù”, bến “cóc” và xe hợp đồng trá hình.

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục