Bát nháo kinh doanh vận tải tại TP.HCM - Bài 1: Xe “dù”, bến “cóc” thỏa sức tung hoành

0:00 / 0:00
0:00
Càng gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình trạng dừng, đỗ xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra một cách ngang nhiên trên các tuyến đường trong nội thành TP.HCM.
Nhà xe Hoàng Yến và Đăng Nhân đặt văn phòng ngay tại cây xăng trên Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh) để nhận hàng và đón khách. Nhà xe Hoàng Yến và Đăng Nhân đặt văn phòng ngay tại cây xăng trên Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh) để nhận hàng và đón khách.

Lời Tòa soạn: Tết Nguyên đán được xem là mùa cao điểm của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách khi nhu cầu di chuyển của người dân tăng cao. Để thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp, nhà xe tại TP.HCM bất chấp quy định, cố tình vi phạm để cạnh tranh.

Bài 1: Xe “dù”, bến “cóc” thỏa sức tung hoành

Theo quy định, xe vận tải hành khách tuyến cố định chỉ được đón, trả khách tại các bến xe. Nhưng trên thực tế, tình trạng dừng, đỗ xe, đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn diễn ra một cách ngang nhiên trên các tuyến đường. Càng gần Tết Nguyên đán, tình trạng này càng diễn biến phức tạp.

Bến “cóc” hoạt động như bến chính

Những ngày cuối tháng Chạp, có mặt tại một điểm nóng về nạn xe “dù”, bến “cóc” trên địa bàn TP. Thủ Đức (TP.HCM) là cây xăng Tam Bình 2 (Quốc lộ 1A), chúng tôi chứng kiến tại vị trí giữa cây xăng Tam Bình 2 được gắn bảng “Nghiêm cấm xe khách dừng đón rước khách tại đây”, phía bờ tường của cây xăng còn gắn băng rôn “Xe ra vào trạm xăng thường xuyên, cấm dừng, cấm đậu, cấm tụ tập...”. Song, đây chỉ là những biển hiệu, còn thực tế thì các nhà xe vẫn hoạt động đón trả khách rầm rộ ở khu vực này.

Cách đó không xa là trạm xăng dầu Quốc Phong, tại đây cũng luôn có xe khách đậu sẵn chờ đón khách. Thậm chí, nhà xe Hoàng Dũng (tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn) còn “biến” nơi đây thành điểm nhận hàng của mình.

Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư cho thấy, bên trong 2 cây xăng này luôn có nhiều xe khách giường nằm đỗ sẵn phía trong để bốc dỡ hàng hoá. Cứ khoảng 15-20 phút lại có một xe khách ghé vào, nhưng không phải để đổ xăng, mà để đón khách. Càng về tối, hoạt động đón, trả khách tại đây càng diễn ra rầm rộ. Quan sát từ bên ngoài thì cây xăng này không khác gì một bến xe thu nhỏ.

Trong vai hành khách đứng chờ xe, chúng tôi thấy một người đàn ông khoảng 40 tuổi cùng con nhỏ đang đứng đợi ở ven đường. Trên vai người đàn ông này khoác một chiếc balo căng phồng đồ đạc, luôn phải chồm người về phía trước. Tay lăm lăm chiếc điện thoại, thỉnh thoảng lại đưa lên để xem giờ rồi gọi điện trao đổi với ai đó… Thỉnh thoảng anh lại chạy ra phía đường ngó nghiêng về hướng xe đang chạy tới, rồi kéo đứa con nhỏ đang nô đùa vào đứng đợi ở phía trong.

Qua trao đổi thì được biết, anh tên Hùng, đang chờ xe để về Phú Yên. “Lúc khoảng 17h, khi hai cha con đang ăn cơm chiều để chuẩn bị tối về, thì phía nhà xe liên tục gọi điện hối thúc ra điểm hẹn (cây xăng Tâm Bình 2) vì xe sắp chạy qua đó. Để không bị lỡ chuyến xe, hai cha con đành bỏ dở bữa cơm, bắt xe ra điểm đón cho đúng giờ. Thế mà giờ đã là 17h30’ rồi mà vẫn chưa thấy đâu, gọi điện hỏi thì nhân viên nhà xe cứ bảo là đợi chút, xe sắp tới rồi… bực mình hết sức”, vị hành khách này nói.

Đứng đợi thêm khoảng 10 phút, xe Thành Trung (BKS: 77F-005.84) chạy tới. Vừa mở cửa, một nam thanh niên liền nhảy xuống hối thúc hành khách lên xe, đồng thời mở cửa ở phía hông để đưa hàng hóa của khách vào xe. Lúc này, anh Hùng bế xốc nách con trai rồi cùng bước lên xe. Sau khi ổn định chỗ ngồi cho khách và sắp xếp hàng hóa, nhân viên nhà xe này đu mình ra khỏi cửa xe rồi nói với xuống phía đường: “Có ai đi Phú Yên nữa không? Lên xe nào”. Thấy mọi người lắc đầu và vẩy tay, nhân viên này thu người lại, chiếc xe đóng cửa rồi tiếp tục di chuyển. Tất cả các hoạt động trên diễn ra rất nhanh, chỉ chưa đầy 1 phút.

Qua theo dõi, chúng tôi chứng kiến gần 10 nhà xe khác nhau có tình trạng đón khách tương tự ở cây xăng này chỉ trong một buổi chiều.

Tại TP.HCM có 5 bến liên tỉnh, gồm: Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), Bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức), Bến xe Miền Tây (huyện Bình Chánh), Bến xe An Sương (quận 12), Bến xe Ngã tư Ga (quận 12). Cũng trên địa bàn TP.HCM có 5.760 đơn vị kinh doanh vận tải với khoảng 280.000 phương tiện vận tải hành khách và du lịch.

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM ghi nhận 70 điểm có tình trạng dừng, đón, trả khách không đúng quy định ở 12 quận, huyện. Trong đó, tập trung nhiều ở TP. Thủ Đức (hướng đi các tỉnh phía Đông, miền Trung) và quận 5 (hướng đi các tỉnh miền Tây).

Được biết, để lập lại trật tự vận tải tại TP.HCM, cuối tháng 9/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo khẩn cấp đối với các chủ cây xăng không được cho xe khách vào đón trả khách để đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ… Ngay sau chỉ đạo này, lãnh đạo các quận và TP. Thủ Đức đã thành lập các tổ liên ngành để kiểm tra, xử lý vi phạm tại những điểm nóng về nạn xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng trá hình.

Song hiện còn nhiều nhà xe vẫn ngang nhiên đón trả khách dọc đường, tại những bến “cóc” mọc ở các cây xăng, bệnh viện, trung tâm thương mại…

Đơn cử, trên đường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP.HCM) dù chỉ dài khoảng 500 m, nhưng đã thành “bến cóc” của nhiều nhà xe chuyên chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Có thể kể đến như Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Huy Hoàng; Công ty TNHH Vận tải - Dịch vụ du lịch Hoa Mai… các xe loại 9 và 16 chỗ thường xuyên dừng, đón khách ngay giữa đường.

Tương tự, một đoạn ngắn trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), ngay khu vực ngã tư Hàng Xanh, dù tại đây được cắm biển báo cấm dừng, cấm đậu xe, nhưng có đến 5-6 địa điểm đón trả khách, giao nhận hàng hóa của các nhà xe. Thậm chí, Nhà xe Kim Mạnh Hùng còn thuê khu đất khá rộng ngay phía sau văn phòng, sát các trụ bơm xăng dầu ở địa chỉ 450L - Điện Biên Phủ để làm bãi đậu xe. Nhà xe này sử dụng loại xe 16 và 29 chỗ dưới danh nghĩa xe hợp đồng chạy chủ yếu trên tuyến TP.HCM đi Đồng Nai, Bình Phước và ngược lại.

Hay tại cây xăng Lan Anh trên Quốc lộ 13 thường xuyên có xe của Thành Công, chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước (Công ty TNHH Vận tải Thành Công) ra vào đón trả khách, lên xuống hàng hóa. Ngoài ra, nhà xe này cũng mở một loạt bến “cóc” khác như số 834 - Quốc lộ 13, số 90 - Quốc lộ 1A (phường Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức)…

Xe “dù” bắt khách dọc đường, thu tiền tươi

Tiếp tục đứng chờ cùng hàng người ở phía trước cây xăng, tôi chứng kiến một chiếc taxi chạy tới, bước xuống xe là 2 nam thanh niên với 4 túi đồ đạc lỉnh kỉnh. Đứng đợi khoảng 15 phút thì xe khách Hiền Phước dừng lại, một người đàn ông trung niên liền chạy tới rồi hỏi hành khách đi đâu. Khi biết 2 thanh niên này muốn về Hà Nội thì cuộc mặc cả về giá vé bắt đầu.

Người đàn ông trung niên nói: “Từ đây (TP.HCM) về Hà Nội là 2 triệu đồng/người, bao ăn, hành lý không tính”.

Hai thanh niên tỏ vẻ không đồng ý. Lúc này giá vé được giảm xuống còn 1,8 triệu đồng/người, rồi xuống 1,5 triệu đồng/người… Cuộc trao đổi diễn ra nhanh chóng và khách hàng đồng ý, trả tiền rồi lên xe.

Để mục sở thị phương thức hoạt động của những chiếc xe “dù”, trong vai hành khách di chuyển từ Vũng Tàu về TP.HCM, chúng tôi ngồi tại một quán cafe trên trường Phan Đình Phùng (Vũng Tàu), liên hệ vào một số điện thoại tổng đài nhà xe limousine được quảng cáo trên mạng. Sau khi trao đổi thông tin là số điện thoại để “chốt vé” thì được một tài xế gọi tới, hẹn khoảng 15 phút nữa sẽ tới đón.

Đúng 15 phút sau, một chiếc xe limousine của nhà xe Thành Vinh (Công ty TNHH Đầu tư, Du lịch và Vận tải Thành Vinh) đến đón. Xe có 9 ghế ngồi, được bọc da sang trọng và không gian rộng rãi, trên xe lúc này đã có 3 hành khách.

Sau khi hành khách thứ 4 (phóng viên) ổn định chỗ ngồi, lái xe tiếp tục chạy lòng vòng quanh TP. Vũng Tàu để đón khách, đủ 9 người rồi mới chạy về TP.HCM. Trên đường về, xe có dừng tại trạm nghỉ ở huyện Long Thành (Đồng Nai) khoảng 5 phút, lúc này tài xế nhà xe Thành Vinh mới thu tiền của hành khách, mỗi người 200.000 đồng. Sau khi thu tiền xong thì tài xế lại “lùa” khách lên xe rồi tiếp tục hành trình, không hề đưa vé xe hay bất kỳ giấy tờ gì.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM cho hay, căn cứ theo quy định tại điểm l, khoản 3, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, tài xế lái xe chở hành khách kinh doanh vận tải theo tuyến cố định thu tiền vé nhưng lại không trao vé cho hành khách, hoặc thu tiền vé cao hơn quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.

Bên cạnh đó, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, thì người điều khiển xe khách có hành vi trên còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại điểm b, khoản 8, Điều 23, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định này thì người lái xe khách buộc phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất hợp pháp do thực hiện hành vi thu tiền nhưng không giao vé. Số tiền thu lời bất hợp pháp ở đây có thể là do lái xe lợi dụng việc khách hàng không có vé, không nắm được giá vé niêm yết mà thu tiền cao hơn so với quy định.

Tương tự, căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 31, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, thì nhân viên phục vụ trên xe cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Đồng thời, buộc phải nộp lại số tiền thu lời bất hợp pháp nếu lợi dụng việc thu tiền không giao vé để thu tiền vé cao hơn so với quy định.

(Còn tiếp)

Việt Dũng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục