Đây là nội dung được nhiều chuyên chia sẻ tại Tọa đàm "Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19" do Tạp chí Reatimes tổ chức sáng ngày hôm nay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, kể từ ngày 23/4, các chuyến bay nội địa đã chính thức hoạt động trở lại, cùng với đó là các dịch vụ xe buýt, xe lửa, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cũng mở cửa theo. Gần 2 tháng không xuất hiện ca nhiễm mới nào trong cộng đồng, Việt Nam đã hiện thực hóa được những kỳ vọng và sự thán phục vẫn đang xuất hiện trên rất nhiều hãng truyền thông lớn nhất thế giới.
Ngay cách đây vài hôm, Báo Skift của Mỹ cho biết, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nổi lên vì ngành du lịch có dấu hiệu phục hồi, trong khi các quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines vẫn đang trong tình trạng phong tỏa ở các mức độ khác nhau. Việt Nam đang nỗ lực tạo ra vùng du lịch biệt lập (du khách chỉ được tới các địa điểm đã chỉ định) cùng Trung Quốc và Hàn Quốc, nếu thành công sẽ giúp du lịch Việt Nam vượt lên trên Thái Lan.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến khích người dân du lịch trở lại trong nước. Bài viết cũng nhắc đến chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động hồi tháng 5 ngay khi các hãng hàng không được mở lại các đường bay trong nước.
Chương trình này giảm giá sâu cho khách nội địa, miễn phí vào cửa các điểm du lịch. Ngoài ra, các hãng hàng không, công ty du lịch, khách sạn và những doanh nghiệp khác bắt tay cung cấp các gói du lịch ưu đãi.
Mặc dù xu hướng khuyến khích du lịch nội địa của Việt Nam tỏ ra thận trọng hơn so với một số quốc gia châu Âu đang chạy đua mở cửa lại vào những tháng cao điểm du lịch mùa hè, nhưng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây được xem là tín hiệu của một trạng thái "bình thường mới" mà nhiều người vẫn đang đề cập.
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Sau dịch Covid-19, sự thận trọng với du lịch của khách nội địa vẫn là điều dễ hiểu khi tình hình dịch dù được kiểm soát, nhưng vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Điều này dẫn đến việc cách tiếp cận và ứng xử với du lịch cũng phải trong một trạng thái "bình thường mới".
"Sau câu chuyện dịch bệnh, hệ giá trị, tiêu chuẩn sống đã thay đổi và ảnh hưởng đến bất động sản cũng như bất động sản nghỉ dưỡng. Thống kê của Tổng cục Du lịch cho hay, nhu cầu du lịch hiện nay đặt sự an toàn lên đầu tiên, mối quan tâm về chi phí chỉ ở vị trí thứ 3. Tới đây, về chiến lược, sẽ hướng đến việc đặt tin cậy lên vị trí đầu tiên", ông Thiên chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh chấm dứt, khách du lịch đã quay trở lại, đây cũng là lúc doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông “Việt Nam điểm đến an toàn”, đồng thời tung ra các gói kích cầu du lịch để kích thích khách sớm đăng ký đi tour.
Việc lựa chọn những nơi lưu trú an toàn, đẳng cấp, có đầy đủ các dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khoẻ và được quản lý bởi các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới sẽ là gợi mở cho những vấn đề sắp tới tiếp theo của ngành du lịch nói chung và việc phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng.
"Khách hàng và nhà đầu tư sẽ hướng nhiều hơn vào các dự án chất lượng cao, gắn với yếu tố xanh, giao hòa với thiên nhiên, sở hữu môi trường trong lành, thay vì chắt bóp để ở trong những khách sạn, resort không đảm bảo về vệ sinh môi trường và an toàn cho sức khỏe của người già và trẻ nhỏ", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho biết thêm, hiện nay đang nổi lên xu hướng du lịch đường bộ với cự ly gần, du khách không muốn di chuyển xa bằng đường hàng không để tránh nguy cơ lây nhiễm. Đây sẽ là cơ hội cho sự trở lại của một số thị trường mới như Vân Đồn ở phía Bắc, Cam Lâm, Bắc Vân Phong ở miền Trung hay Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận ở phía Nam.
Còn theo PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), với những khu kinh tế mới đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản đang ở trạng thái không rõ ràng xu hướng đầu tư cũng như giao dịch, việc dịch chuyển luồng vốn và xu hướng phát triển cấp độ thị trường bất động sản cho phép những địa bàn đi sau như Vân Đồn và Phú Quốc có thể lựa chọn một vài mô hình khác biệt. Trong đó, tập trung phát triển các thương hiệu lớn với các sản phẩm độc đáo, cao cấp với tiêu chuẩn quản lý cao cấp.
Trong khi đó, về mô hình quản lý nhà nước cũng cần xây dựng một mô hình quản lý mới, có tính chủ động hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Từ đó, để Phú Quốc và Vân Đồn có thể lựa chọn và tiến hành phát triển bất động sản du lịch quy mô lớn thành công góp phần vào phát triển thị trường bất động sản du lịch nói riêng, thị trường bất động sản, thị trường du lịch và kinh tế nói chung, cần thống nhất hành động, kiên định chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách, tổ chức triển khai và chế tài...
PGS. TSKH. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Chính trị thế giới, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam, với câu hỏi khi nào du khách quốc tế trở lại, câu trả lời chắc sẽ chỉ có được sau vài tháng nữa, ngay cả khi các hãng hàng không đã bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến bay quốc tế. Việc đưa nền công nghiệp du lịch trị giá gần 9.000 tỷ USD của thế giới hoạt động trở lại sẽ mất nhiều thời gian.
Vì thế, trước mắt, cần có quy hoạch phát triển tốt. Căn cứ vào thực tế phát triển của nhiều quốc gia, thì các khu vực quan trọng như Vân Đồn, Phú Quốc cần phải thuê các tổ chức quy hoạch phát triển hàng đầu thế giới thực hiện, vì họ có kinh nghiệm thực tế chuyên quy hoạch cho các khu kinh tế quan trọng, họ có các tập đoàn xuyên quốc gia tin tưởng vào năng lực quy hoạch của họ, do vậy các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư vào.