Bất động sản du lịch sẽ sớm trở lại

(ĐTCK) Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và theo đó, bất động sản du lịch cũng gần như bất động. Tuy nhiên, đây rất có thể sẽ là phân khúc hồi phục ngoạn mục nhất sau khi đại dịch qua đi. 
Bất động sản du lịch sẽ sớm trở lại

Du lịch đóng băng, bất động sản hạ nhiệt

Theo phân tích của hầu hết các đơn vị nghiên cứu thị trường, dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ thị trường bất động sản, trong đó bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu, khi lượng khách du lịch sụt giảm thê thảm, hầu hết các nền kinh tế phát triển - khu vực sở hữu phần lớn lượng du khách có khả năng chi trả cao - đều “bế quan tỏa cảng”.

Lấy dẫn chứng từ số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Savills Việt Nam cho biết, lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm từ 1 - 3% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 3 - 4% như dự báo trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

“Đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của các chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới, dự báo lượng du khách quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số đại diện doanh nghiệp dịch vụ du lịch, lữ hành, chủ đầu tư các cơ sở nghỉ dưỡng khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản thì dự báo lượng du khách chỉ sụt giảm 1 - 3% trong năm nay là “con số rất lạc quan”!

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước đó, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới. Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn vào thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc (chiếm khoảng 56% tổng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam - PV) trong khi đây là những quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh.

Trong tháng 3, tình hình còn khó khăn hơn khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng này đã giảm 63,8% so với tháng 2 và giảm tới 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung quý I, Tổng cục Du lịch cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, ông Mauro Gasparotti cho biết, việc Chính phủ Việt Nam tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách nước ngoài là một chiến lược tốt để giảm tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm, dù có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực đến ngành du lịch Việt Nam. Thời gian tới, không chỉ  lượng khách quốc tế giảm mạnh, mà du khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Khách du lịch sụt giảm kéo theo nhu cầu đầu tư bất động sản cũng giảm mạnh theo. Theo khảo sát mới đây của Công ty DKRA Việt Nam, hầu hết các phân khúc thuộc bất động sản nghỉ dưỡng từ đầu năm 2020 đến nay đều có sự giảm sút mạnh.

Cụ thể, phân khúc thị trường biệt thự biển tại các địa phương phía Nam, trong quý I/2020,  nguồn cung mới chỉ có khoảng 16 căn, bằng 3% so với quý trước đó và bằng 8,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới đạt 25% (4 căn), chỉ bằng 1,6% lượng tiêu thụ so với quý trước đó.

“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các chủ đầu tư không tổ chức hoạt động truyền thông, bán hàng; vì vậy nguồn cung sơ cấp khiêm tốn trên thị trường hiện nay chủ yếu đến từ những dự án đã được mở bán trước đó. Hầu hết những dự án này đều có tình hình tiêu thụ khá chậm. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục xu hướng giảm từ cuối năm 2019 và duy trì ở mức rất thấp”, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam nhận định và cho biết thêm, không chỉ biệt thự, loại hình condotel cũng khá trầm lắng, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, hầu như không có dự án nào được công bố ra thị trường.

Vẫn là “khẩu vị” ưa thích

Tình hình hiện tại được cho là khá bi đát, nhưng nhìn nhận lịch sử thị trường thì có thể thấy, hiện là cơ hội của bên mua và “đoạn cuối đường hầm” đang đến. Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng được các chuyên gia nhận định sẽ sôi động trước khi dòng du khách bình thường trở lại từ 1 - 2 quý.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 được dự báo có thể kéo dài đến cuối năm 2020, nhưng ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ. Theo ông Khương, với lợi thế số lượng du khách đa số là khách trong nước (82,5% tổng lượng du khách năm 2019) và các thị trường nước ngoài lớn như Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhóm khách này được dự đoán sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch ở những khu vực này được kiểm soát.

Nhận xét thị trường ở góc độ đầu tư, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG Group cho rằng, không riêng gì bất động sản nghỉ dưỡng, mà các phân khúc khác của thị trường đều sớm trở lại sự ổn định. Bản chất của thị trường bất động sản hiện nay khác rất nhiều so với trước đây, đó là sự phát triển ngày càng chuyên nghiệp và theo quy luật cung - cầu.

“Nếu như trước đây, nói đến bất động sản người ta thường chỉ nói đến Hà Nội và TP.HCM, còn hiện nay, thị trường bất động sản đã vượt ra khỏi không gian vùng miền”, ông Khang nói và dẫn chứng, thời gian qua, một xu hướng của thị trường bất động sản Việt Nam là các doanh nghiệp tỏa đi nhiều địa phương khác nhau để phát triển dự án và ngày càng trở thành xu hướng tất yếu.

“Thời gian qua, Chính phủ đã điều tiết cục bộ thị trường từng địa phương, giao cho cấp tỉnh quan sát, theo dõi để có những chính sách điều tiết và hạn chế, cũng như là khuyến khích từng thời điểm. Mặt khác, tốc đô đô thị hóa ở nhiều tỉnh, thành phố cũng rất cao. Các vùng đều phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp rất nhiều, nên song song đó nhu cầu về nhà ở cũng rất lớn. Mà theo quy luật, nơi nào có nhu cầu, nơi đó sẽ có sự phát triển sôi động khi các chủ đầu tư đọc diễn biến rất nhanh”, ông Khang nói và cho rằng, với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng vậy, nhu cầu nghỉ dưỡng trong tương lai sẽ tăng mạnh trở lại, nên tiềm năng phát triển còn rất lớn.

Tương tự, theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi, vẫn còn sớm để có thể xác định thời điểm bật trở lại của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Song xét ở góc độ tình hình thực tế thị trường thời gian qua cho thấy, bất động sản du lịch, đặc biệt là với phân khúc mang yếu tố tích tụ tài sản như đất nền, biệt thự ven biển vẫn là kênh đầu tư có nhiều tiềm năng cao.

“Chừng 10 năm trước đây, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển được thị trường biết đến như là một loại hình bất động sản khá xa xỉ, bởi đây là cuộc chơi chỉ dành cho giới nhà giàu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ‘khẩu vị’ thật sự của thị trường đã thay đổi, bất động sản ven biển không chỉ trở thành nhu cầu của đại đại đa số khách hàng, mà còn trở thành một ‘cuộc chơi’ đầy thú vị của giới đầu tư”, ông Bảo nói và cho rằng, sự thay đổi khẩu vị của thị trường địa ốc Việt Nam đang đi theo quy luật chung của nhiều nước trên thế giới. Bởi bất động sản ven biển tại Việt Nam không đơn thuần xuất phát từ câu chuyện chỉ dành cho người giàu với mục đích nghỉ dưỡng, mà còn là một loại hình bất động sản khai thác có giá trị.

Nhận định về khả năng phục hồi của bất động sản du lịch, ông Mauro Gasparotti cho rằng, du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.

“Do đại dịch Covid-19 có quy mô và có tác động lớn hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ phục hồi chậm hơn. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch”, ông Mauro nhấn mạnh.

Theo ông Mauro, ngành du lịch Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tới hết năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa và các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Diễn biến này được xem là yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại. Chính vì vậy, chúng ta cần giữ thái độ lạc quan trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng cần tính toán tầm nhìn dài hạn”, ông Mauro Gasparotti nói.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tăng Triển
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục