Bất động sản du lịch: Trông chờ dòng khách nội địa

(ĐTCK) Có lẽ hầu hết các nhận định của giới chuyên môn trong năm 2019 đối với phân khúc bất động sản du lịch năm nay đã bị phá sản do cú “đánh úp” của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phân khúc này được dự báo sẽ sớm quay trở lại nếu như dịch bệnh được kiểm soát trong quý II.
Bất động sản du lịch: Trông chờ dòng khách nội địa

Tâm lý dịch bệnh bao phủ

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước đó, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.

Yếu tố chính dẫn đến sự sụt giảm khách quốc tế của Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là do sự phụ thuộc lớn vào thị trường khách Hàn Quốc, Trung Quốc (chiếm khoảng 56% tổng lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam - PV), trong khi đây là những quốc gia bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh. Đó là chưa kể, trong gần 1 tháng qua, dịch bệnh đã có chiều hướng phức tạp hơn tại khu vực châu Âu và châu Mỹ, trong khi 2 thị trường này cũng chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam trong năm 2019.

Còn trong báo cáo tác động của dịch bệnh Covid-19 đến bất động sản du lịch của Công ty TNHH Savills Việt Nam vừa mới được công bố, đơn vị này cho rằng, dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng đã gây ra thiệt hại đáng kể đến nhiều ngành kinh tế thế giới. Trong đó, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một trong những ngành chịu ảnh hưởng xấu nhất.

Dịch bệnh Covid-19 đã làm sụt giảm mạnh khách quốc tế, trong đó có lượng khách lớn từ Trung Quốc. Cùng với đó là sụt giảm thị trường khách du lịch nội địa. Khách du lịch sụt giảm mạnh gây tổn thất lớn đến các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các địa điểm tổ chức hội nghị, sự kiện…

Lấy dẫn chứng từ số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Savills Việt Nam cho biết, lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sẽ giảm từ 1 - 3% trong năm nay thay vì tăng trưởng 3 - 4% như dự báo trước khi xuất hiện dịch Covid-19.

“Đây là lần đầu tiên lượng du khách quốc tế trên toàn cầu sụt giảm sau chuỗi 10 năm tăng trưởng liên tiếp. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp cùng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ như cắt giảm các chuyến bay quốc tế và đóng cửa biên giới thì dự báo lượng du khách quốc tế sẽ tiếp tục giảm mạnh hơn”, báo cáo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư bất động sản, một số chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, dự báo lượng du khách quốc tế chỉ giảm 1 - 3% trong năm nay là “một dự báo rất… rất lạc quan, bởi tình hình đang xấu hơn nhiều”.    

Cũng theo nghiên cứu của Savills, lượng khách quốc tế đến các nước Đông Nam Á sụt giảm mạnh do phụ thuộc lớn vào thị trường khách Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng trầm trọng từ dịch bệnh Covid-19. Du lịch Việt Nam chắc chắn cũng chịu tác động mạnh, nhất là khi Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường quan trọng (chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019) nhưng cả 2 đều bị dịch bệnh tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế - xã hội.

Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng vừa mới đưa ra báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19. Cùng chung nhận định với Savills Việt Nam, BSC đánh giá, ngành bất động sản nghỉ dưỡng sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. Trong đó, dịch vụ du lịch và lưu trú bị ảnh hưởng trực tiếp, sẽ gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu cho thuê bất động sản du lịch và condotel trong ngắn hạn.

Còn trong báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam, bất động sản nghỉ dưỡng cũng đang chịu thiệt hại nặng nề. Chỉ riêng thị trường Nha Trang, Sở Du lịch Khánh Hòa ghi nhận so với cùng kỳ năm trước đã sụt giảm 75% khách du lịch quốc tế và 82% khách nội địa trong tháng 2/2020.

Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp và các sự kiện, cuộc họp, hội nghị... có xu hướng bị tạm dừng bởi Covid-19 vì các tổ chức, công ty lớn đang có thái độ cẩn trọng đối với các chuyến công tác không quá quan trọng. Mặc dù 2 tháng đầu năm được coi là mùa cao điểm của thị trường khách sạn, năm nay một vài khách sạn cao cấp tại TP.HCM ghi nhận tỷ lệ lấp đầy sụt giảm xuống chỉ còn khoảng 30 - 40% trong tháng 2 vừa qua.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Nhận định về khả năng phục hồi của ngành du lịch và cùng với đó là bất động sản du lịch sau đại dịch, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, du lịch là ngành công nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng bởi các bất ổn về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng sau khi bệnh dịch dần thuyên giảm.

“Do đại dịch Covid-19 có quy mô và có tác động lớn hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn, còn khách quốc tế sẽ có một sự phục hồi chậm nhưng ổn định. Thị trường du lịch dự kiến sẽ có thể phục hồi hoàn toàn trong khoảng 6 tháng sau khi có những công bố chính thức về việc kiểm soát hoàn toàn đại dịch”, ông Mauro nhấn mạnh.

Ông Mauro cho biết thêm, ngành du lịch Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tới hết năm 2020. Tuy nhiên, du lịch là ngành công nghiệp có khả năng phục hồi nhanh hơn so với những ngành nghề khác. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang có tỷ trọng lớn về nguồn khách nội địa (chiếm khoảng 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019) và các nguồn khách từ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

“Đây được xem là những yếu tố có lợi cho Việt Nam bởi sau đại dịch, đây có thể sẽ là những nhóm khách đầu tiên phục hồi trở lại. Chính vì vậy, chúng ta cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn trong thời gian tới. Ở một góc nhìn khác, đầu tư vào các dự án thương mại và du lịch, đặc biệt là khách sạn và khu nghỉ dưỡng thường mang tầm nhìn dài hạn.

Do vậy, có thể nói những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn chính là những thử thách giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam, vốn là thị trường được đánh giá có nhiều tiềm năng và thu hút được sự quan tâm cả trong và ngoài nước", ông Mauro nhấn mạnh.

Ở góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng, ông Lê Minh Trí, Chủ tịch HĐQT Nam Group cho rằng, để sớm lấy lại được vị thế của bất động sản du lịch, các doanh nghiệp cần tạo nên những sản phẩm để khách hàng vừa có thể đầu tư, thể khai thác, vừa để ở.

“Với kinh nghiệm 20 năm của bản thân trong ngành bất động sản và trải qua vài cuộc khủng hoảng, tôi thấy chưa bao giờ giá đất đai đi xuống trong dài hạn. Giá cả luôn tăng lên và thiết lập mặt bằng giá mới sau vài năm", ông Trí phân tích, đồng thời cho rằng, trong các phân khúc của thị trường bất động sản du lịch, sản phẩm nhà phố, căn hộ ven biển được đánh giá là kênh đầu tư an toàn và có nhiều cơ hội bởi tỷ suất lợi nhuận cho thuê của bất động sản ở biển bao giờ cũng tốt hơn.

Nhìn nhận một cách tổng thể về thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, dịch bệnh là yếu tố khách quan không ai có thể lường được. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của thị trường hiện nay lại là vấn đề tâm lý, còn với thị trường bất động sản, tiềm năng vẫn luôn rất lớn.

“Lịch sử của thị trường bất động sản đã minh chứng, cứ sau mỗi lần trải qua các đợt dịch bệnh, khủng hoảng, thị trường lại phục hồi mạnh mẽ và xác lập nên một một bằng giá mới cao hơn rất nhiều. Trong đó, liên quan đến bất động sản du lịch thì đất nền ven biển được xem là kênh đầu tư an toàn và có khả năng sinh lời cao nhất”, ông Bảo nói và cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang có độ nén rất cao, bên cạnh đó nhiều chính sách kích cầu được các doanh nghiệp áp dụng có thể nói là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tích lũy tài sản, đón đầu cơ hội bùng nổ sau khi hết dịch.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục