Bất động sản công nghiệp đón những “tay chơi” mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Được đánh giá là phân khúc đầy tiềm năng trước làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, nên phân khúc bất động sản công nghiệp liên tục xuất hiện thêm nhiều “tay chơi” mới.
Làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ các quốc gia lân cận về Việt Nam đang là cơ hội để bất động sản công nghiệp phát triển mạnh Làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất từ các quốc gia lân cận về Việt Nam đang là cơ hội để bất động sản công nghiệp phát triển mạnh

Từ kế hoạch...

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 tổ chức cuối tuần qua, ông Phan Tấn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holdings cho biết, để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, doanh nghiệp này đang chuẩn bị những kế hoạch để lấn sân sang mảng bất động sản công nghiệp.

"Đây là định hướng phát triển sắp tới của Công ty và sẽ triển khai theo hình thức liên doanh, liên kết hoặc mua cổ phần của một số doanh nghiệp chuyên hoạt động trong mảng bất động sản công nghiệp”, ông Đạt nói và cho biết thêm, HĐQT có tìm hiểu, xem xét lựa chọn một số doanh nghiệp nhưng chưa có quyết định nào cụ thể. Dù có nhiều lựa chọn, nhưng cũng phải tìm được doanh nghiệp phù hợp với cấu trúc vốn của DRH Holdings.

DRH không chỉ là tay chơi mới duy nhất đang nhòm ngó đến phân khúc bất động sản công nghiệp để đón đầu làn sóng FDI mới.

Đại gia lớn nhất trong làng bất động sản Việt Nam là Tập đoàn Vingroup thông qua công ty con là Công ty cổ phần Vinhomes cũng đẩy mạnh tham vọng lấn sân sang bất động sản công nghiệp. Chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp của Vinhomes được định hướng trên nền tảng kinh tế vĩ mô thuận lợi, cùng xu hướng FDI vào Việt Nam nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

Để chuẩn bị cho những "phát súng" đầu tiên cho tham vọng lấn sân sang bất động sản công nghiệp của mình, cuối tháng 3/2020, Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes - VinHomes IZ (Công ty con của Vinhomes) đã tăng vốn điều lệ từ 70 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng. Từ đó đến nay, doanh nghiệp này làm việc với các địa phương, đề xuất đầu tư khu công nghiệp quy mô khủng như Khu công nghiệp Thủy Nguyên (Hải Phòng), tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng và Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm (Quảng Ninh) với tổng vốn đầu tư 3.400 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp không mấy liên quan đến ngành bất động sản là Tổng công ty Cao su Đồng Nai cũng đang ráo riết chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp. Doanh nghiệp này vừa có đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 18.000 ha đất cao su mà doanh nghiệp này đang quản lý để chuyển sang phát triển khu, cụm công nghiệp tại địa bàn các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ và Long Thành với diện tích 5.000 ha, phần còn lại phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và khu dân cư.

Đại gia ngành điện là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) cũng đã công khai chiến lược mới của mình với việc rút khỏi mảng logictics, chuyển hướng sang bất động sản khu công nghiệp với kế hoạch thâu tóm Tổng công ty Viglacera.

Đến ráo riết khởi công

Bên cạnh những “tay chơi” mới đang lên kế hoạch từng bước lấn sân, thì một loạt “tay chơi” kỳ cựu đã và đang rốt ráo khởi công, hoàn thiện hạ tầng để sớm bắt sóng.

Cụ thể, tại Long An, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An và Công ty TNHH Quản lý Khu công nghiệp Sáng tạo Việt Nam (VNIP) vừa khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát với diện tích lên đến 1.800 ha. Dự án được quy hoạch theo mô hình mới kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị, trong đó diện tích đất dành cho khu công nghiệp là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An cho biết, trước khi Covid-19 bùng phát và thương chiến Mỹ - Trung đang ở cao điểm, doanh nghiệp này đã khảo sát và nhắm tới tình huống chuyển dịch làn sóng đầu tư.

“Covid-19 đã thổi bùng làn sóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế”, ông Thành nói.

Cách dự án Việt Phát không xa là dự án Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO, diện tích hơn 195 ha cũng đã khởi công. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến.

Tại Bình Định, hồi đầu năm 2020, dự án Khu công nghiệp Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư. Khu công nghiệp này có quy mô 1.000 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Ngoài diện tích 1.000 ha phục vụ công nghiệp, dịch vụ, Becamex Bình Định còn có hơn 400 ha để làm đô thị, dịch vụ và các tiện ích công cộng.

Cần thêm đòn bẩy hút nhà đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, bà Shirakawa Satoko, phụ trách khối doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia sử dụng tiếng Anh thuộc Công ty cổ phần Kizuna JV - doanh nghiệp đầu tư chuỗi nhà xưởng dịch vụ xây sẵn tại Long An, cho rằng, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ mạnh khi Việt Nam đã hoàn toàn kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 với tổn thất tối thiểu và nhanh chóng mở cửa nền kinh tế.

“Các doanh nghiệp quốc tế tiếp tục rời khỏi Trung Quốc để hạn chế rủi ro đã đối mặt từ năm 2019, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến được lựa chọn. Xã hội Việt Nam đang phát triển ổn định, Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiềm chế và kiểm soát đại dịch trên toàn quốc”, bà Shirakawa Satoko nói.

Bà Shirakawa Satoko cho rằng, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, không có hưởng lợi lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng sau đại dịch Covid-19 sẽ dẫn đầu gia tăng FDI Nhật Bản vào Việt Nam.

“Họ đã thấy sự cần thiết đa dạng hóa hoạt động từ nhiều quốc gia, không lệ thuộc vào Trung Quốc. Do đại dịch này, hậu cần giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã bị trì hoãn hoặc dừng lại, gây cản trở lớn đến hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ của họ tại Nhật Bản”, vị này nói và cho biết thêm, trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp, các doanh nghiệp Nhật Bản và các quốc gia nói tiếng Anh vẫn tiếp tục gia tăng tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại các khu nhà xưởng xây mới của Kizuna JV nói riêng bằng hình thức trực tuyến.

Trong khi đó, ông Nam Kyoung Wan, phụ trách khối doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc Công ty Kizuna cho rằng, trong tình trạng hỗn loạn lớn về tài chính, không có công ty nào có thể nghĩ đến việc đầu tư vào các quốc gia khác, ngay cả đất nước của họ, họ bận lo sống sót để vượt qua đại dịch.

“Thời điểm này là lúc Chính phủ Việt Nam xây dựng các chính sách để có thể giữ chân, giúp các doanh nghiệp FDI vượt qua khó khăn. Một khi các nhà đầu tư FDI cảm thấy những hỗ trợ chân thành từ Chính phủ Việt Nam để đối phó với khủng hoảng hiện tại, họ chắc chắn sẽ quay lại với những khoản đầu tư lớn hơn khi tình hình trở lại bình thường”, ông Kyoung Wan nhấn mạnh.

Dưới góc độ của chuyên gia tư vấn về bất động sản công nghiệp, ông John Campbell, quản lý bộ phận dịch vụ công nghiệp thuộc Công ty Savills Vietnam cho rằng, thị trường đã nhanh chóng hồi phục sau đại dịch, đang có nhu cầu cao cho các hoạt động đầu tư sản xuất và các dự án được hình thành trong tương lai. Vì vậy, thị trường cần thêm nhà phát triển cung cấp giải pháp cho thuê linh hoạt như các giải pháp nhà xưởng xây sẵn (RBF) và nhà xưởng xây theo nhu cầu (BTS), đầu tư nhiều hơn vào kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục