Bất động sản công nghiệp vào guồng mới

Bất động sản công nghiệp bật dậy mạnh ngay sau thời gian giãn cách xã hội, bởi thị trường này có dư địa lớn để tăng tốc.
Bất động sản công nghiệp vào guồng mới

Nhấn ga

Nếu bất động sản bán lẻ, văn phòng hay khách sạn và nghỉ dưỡng bị tê liệt, thì với phân khúc bất động sản công nghiệp, Covid-19 chỉ là nốt trầm trong bản nhạc đầy sôi động của thị trường này.

Ngay trong thời gian dịch bệnh, Công ty cổ phần Long Hậu (Long Hậu Corporation) vẫn gấp rút hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng khu nhà xưởng công nghệ cao tại Đà Nẵng, có tổng diện tích 29,6 ha, vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Long Hậu Corporation cũng đang gấp rút hoàn thành Trung tâm thương mại - dịch vụ Long Hậu tại Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) rộng 6.000 m2.

Còn tại Đồng Tháp, theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, hoạt động tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các khu công nghiệp tại địa phương không bị ảnh hưởng nhiều trong thời điểm dịch bệnh. Các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin để trao đổi với Ban quản lý các khu công nghiệp về mặt bằng thuê sản xuất, kinh doanh, nhờ đó kết nối giữa nhà đầu tư và các khu công nghiệp không bị ngắt quãng.

Sau Covid-19, các nhà phát triển bất động sản đang tăng tốc thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2020, bù lại thiệt hại của những tháng đầu năm.

Khu vực phía Bắc cũng không kém phần sôi động. Ông Erwann Rio, Giám đốc vận hành Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) cho hay, DEEP C đang tập trung nhân lực để đẩy nhanh tiến độ giao đất trong khu công nghiệp và thủ tục cấp phép cho các dự án.

“Covid-19 không ảnh hưởng lớn đến doanh thu quý I/2020 của chúng tôi. Dịch bệnh bị đẩy lùi là cơ hội để DEEP C đón làn sóng đầu tư và thị trường bất động sản công nghiệp sẽ nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng”, ông Erwann Rio nói.

Để đón làn sóng đầu tư này, DEEP C đã sớm chuyển đổi từ nhà đầu tư bất động sản công nghiệp đơn thuần sang mô hình doanh nghiệp theo định hướng dịch vụ, nghĩa là không chỉ bán hay cho thuê, mà còn cung cấp gói dịch vụ đầy đủ hỗ trợ nhà sản xuất.

DEEP C cũng đa dạng hóa lĩnh vực thu hút nhà đầu tư bằng việc phân chia các cụm công nghiệp chuyên biệt về ngành ô tô, điện tử, hóa dầu, logistics, công nghiệp hỗ trợ… nhằm thu hút các nhà đầu tư muốn định cư lâu dài tại Việt Nam.

Bắt mạch đầu tư

Thương chiến Mỹ - Trung và Covid-19 buộc các nhà đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc phải “cân não” chuyện đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không trông chờ hoặc quá phụ thuộc vào một đầu mối cung ứng.

Ông Patrick Winter, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng dịch vụ tài chính Ernst&Young cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác. Nhiều nhà sản xuất đồ chơi và camera chuyển hoạt động tới Mexico, trong khi các nhà sản xuất máy vi tính đang tính chuyện rời Trung Quốc đại lục sang Đài Loan. Còn các nhà sản xuất trong lĩnh vực khác, chẳng hạn sản xuất ô tô, đang xúc tiến kế hoạch mở rộng địa bàn sản xuất sang Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ”.

Với Việt Nam, Tổng giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt đặt nhiều niềm tin vào cơ hội cho thị trường trong nước từ làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Sau Covid-19, các nhà phát triển bất động sản đang tăng tốc thực hiện mục tiêu kinh doanh năm 2020, bù lại thiệt hại của những tháng đầu năm.   

Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn tại Trung Quốc. Đơn cử, chi phí lao động ở Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trung Quốc.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam với 3 hình thức thâm nhập thị trường điển hình, bao gồm: thu mua đất trực tiếp từ các công ty điều hành khu công nghiệp; thành lập liên doanh chiến lược với các đối tác địa phương có uy tín như cách mà Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) và Công ty Becamex IDC (Việt Nam) áp dụng để thực hiện các dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP); sau cùng là hình thức thu hồi đất trực tiếp, hoặc là bán và cho thuê lại các bất động sản công nghiệp đang hoạt động.

Theo đánh giá của bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao bộ phận thương mại của JLL Việt Nam, trong 3 hình thức thâm nhập thị trường nói trên, phương án khả thi và là xu hướng chiếm ưu thế trong bối cảnh hiện nay là thành lập liên doanh với các đối tác nội đủ năng lực và thạo thông tin thị trường trong nước.

Bà Trang Bùi lý giải, liên doanh với đối tác trong nước là cách mà các nhà đầu tư ngoại giảm thiểu được rủi ro thâm nhập thị trường, tận dụng được lợi thế thông tin và tài sản địa ốc sẵn có của đối tác nội.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm đối tác liên doanh đáng tin cậy không phải dễ dàng, bởi đối tác không chỉ là người nắm trong tay quỹ đất ở các vị trí chiến lược và các dự án khả thi, mà còn phải có chuyên môn về thị trường địa phương và có cam kết hợp tác lâu dài. Chính vì thế, xây dựng lòng tin là quan trọng hơn cả.

Một vấn đề nữa mà các nhà đầu tư gặp phải là tính minh bạch thông tin trên thị trường. Lúc này, các công ty niêm yết là đối tác được ưu tiên lựa chọn của nhà đầu tư vì mọi thông tin về công ty niêm yết như thông tin tài chính và pháp lý đều được công khai, minh bạch.

Lê Quân
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục