Long An: Nở rộ bất động sản công nghiệp

(ĐTCK) Ngay sau thời gian giãn cách xã hội được nới lỏng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khởi công khu công nghiệp tại Long An, nhằm chờ đón làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng là cú huých lớn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Long An
Sự phát triển của cơ sở hạ tầng là cú huých lớn đối với thị trường bất động sản công nghiệp Long An

Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường bất động sản, phân khúc bất động sản công nghiệp lại ghi nhận những tín hiệu tích cực, sôi động. Hàng loạt dự án khu công nghiệp được khởi công ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Mới đây, ngày 17/5, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã khởi công dự án Khu công nghiệp Việt Phát, với quy mô lên tới 1.800 ha tại Long An. Dự án được chủ đầu tư quy hoạch theo mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp và khu đô thị. Cụ thể, diện tích đất dành cho khu công nghiệp là 1.200ha và phần đất còn lại dành cho phát triển đô thị.

Trước đó ít ngày, cũng tại Long An, giai đoạn 3 của Khu công nghiệp Đức Hòa III - SLICO do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Sài Gòn - Long An làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng với tổng diện tích hơn 195 ha.

Tại đây, chủ đầu tư dành diện tích cho kho bãi, cũng như đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ hoàn thành kết cấu hạ tầng và đưa vào khai thác vào năm 2023.

Còn trong tháng 3, Tập đoàn Vingroup đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (Vinhomes IZ) cho các công ty con là Công ty cổ phần Vinhomes và Công ty cổ phần Phát triển Thành phố Xanh để tái cơ cấu sở hữu nội bộ. Đây là động thái chiến lược, đánh dấu sự tham gia của tập đoàn này vào phát triển bất động sản khu công nghiệp.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp lớn này cùng có những hoạt động liên quan đến lĩnh vực khu công nghiệp trong giai đoạn này.

Ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Thành Long An chia sẻ, thương chiến Mỹ - Trung và dịch Covid-19 khiến “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có nước ta trở nên mạnh mẽ hơn. Đây là cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác, đón nhận các dòng đầu tư từ những công ty hàng đầu, tầm cỡ quốc tế.

Cũng theo ông Thành, qua các hoạt động xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của thế giới đã bày tỏ sự quan tâm, muốn thực hiện dự án tại Khu công nghiệp Việt Phát. Trong thời gian dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhiều đối tác đã trao đổi qua email với Công ty để hỏi về tiến độ triển khai dự án hạ tầng, các thủ tục, ưu đãi đầu tư… Một số nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có một tập đoàn lớn của Hàn Quốc với doanh thu trung bình khoảng 80 tỷ USD/năm, đã có những cam kết đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Việt Phát.

"Dòng vốn FDI đang có chiều hướng tìm đến Việt Nam rất mạnh. Chúng tôi nhìn ra cơ hội đang rất lớn nên quyết định khởi công đúng thời điểm vàng, sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới này", ông Thành nói và cho biết thêm, toàn bộ diện tích của dự án Khu công nghiệp Việt Phát đã được hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng sẵn sàng đáp ứng đa dạng và hiệu quả mọi nhu cầu của nhà đầu tư.

“Doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực để hoàn thành việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp này trong thời gian sớm nhất”, ông Thành khẳng định.

Đánh giá về thị trường bất động sản công nghiệp trong thời gian tới, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam chia sẻ, sự phát triển nguồn cung đất công nghiệp sẽ dịch chuyển về các tỉnh, thành phố công nghiệp cấp 2 nhờ vào mức giá  thuê cạnh tranh hơn cùng với tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Tuy nhiên, nhu cầu bất động sản công nghiệp trong ngắn hạn tại các khu vực này vẫn thấp do cơ sở hạ tầng còn yếu kém.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, ông Nguyễn Thành Ngoãn, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An cho biết, cần tạo sự kết nối thông suốt từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ xuống Đồng bằng sông Cửu Long, cần phải có sự kết nối, kết hợp giữa các tỉnh với nhau; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và chú trọng công tác giải tỏa hành lang một số tuyến đường. Bởi có một số tuyến đường, sau khi đầu tư xong thì người dân sẽ lấn chiếm, buôn bán trên vỉa hè…, đây cũng là một trong những điều gây ách tắc giao thông.

Theo ông Ngoãn, tỉnh Long An hiện có 3 công trình giao thông trọng điểm đang triển khai gồm: Trục động lực TPHCM - Tiền Giang - Long An; Đường 830 trục Đức Hòa - Bến Lức. Đoạn Đức Hòa – Bến Lức đầu tư theo hình thức BOT đã thu phí. Đoạn Bến Lức đến quốc lộ 50 đang sang giai đoạn 2… Đường vành đai TP. Long An gồm 4 đoạn, Long An đầu tư hai đoạn. Hai đoạn còn lại sẽ kêu gọi đầu tư, và dự kiến đến quý III/2020 sẽ hoàn thành.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng ​
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục