Vào năm ngoái, CTCP Quảng cáo và hội chợ triển lãm Vinexad (VNX) đã tính bán trụ sở Công ty tại số 9 Đinh Lễ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhưng không thành do phương án bán chưa được minh bạch.
Năm nay, tại ĐHCĐ diễn ra ngày 3/4, Vinexad tiếp tục trình ĐHCĐ phương án bán trụ sở.
Trụ sở của Vinexad là tòa nhà văn phòng nằm trên diện tích đất 314,5 m2, diện tích sàn khoảng 1.500 m2, trong đó một phần diện tích được cho thuê. Tòa nhà này nằm gần kề hồ Hoàn Kiếm, giá trị thương quyền của “lô đất vàng” đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi Công ty tiến hành cổ phần hoá năm 2005.
Nhùng nhằng bán trụ sở không minh bạch
Trong lần xin ý kiến đầu tiên vào tháng 2/2014, Vinexad cho biết trụ sở này là đất thuê của Nhà nước còn thời hạn đến năm 2026. Tiền thuê đất phải trả là 540 triệu đồng/năm, tăng 12 lần so với năm 2010. Việc cho thuê văn phòng của Công ty từ năm 2013 đến nay bắt đầu gặp khó khăn, giá thuê giảm và diện tích trống tăng lên. Một số kết cấu của tòa nhà đã xuống cấp theo thời gian đầu tư.
Cho rằng, việc sử dụng trụ sở tại số 9 Đinh Lễ hiện không có hiệu quả, về lâu dài gây khó khăn trong hạch toán chi phí và tiền thuê đất sẽ còn tăng cao, Vinexad đã tính toán kế hoạch đầu tư lâu dài như đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê, đầu tư khách sạn hoặc làm dịch vụ.
Nhưng vốn tự có, công ty không có đủ, dùng vốn vay thì không hiệu quả. Bởi vậy, HĐQT Vinexad thống nhất xin ý kiến cổ đông về chủ trương bán trụ sở nói trên, dùng tiền mua văn phòng khác làm trụ sở, số tiền còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động và chia cho cổ đông.
HĐQT Vinexad đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện giao dịch, giá chuyển nhượng, hoàn thiện thủ tục… và báo cáo kết quả cho cổ đông sau.
Một phương án bán tài sản mà không có bất cứ thông tin nào về định giá, giá bán, cách thức bán… đã khiến cổ đông bất bình.
Không chỉ thế, tờ trình kiêm phiếu biểu quyết chỉ có dấu giáp lai 2 trang đầu, còn phần nội dung biếu quyết đồng ý/không đồng ý ở trang cuối cùng không có dấu giáp lai. Điều này khiến một số cổ đông e ngại về tính minh bạch, đúng đắn của kết quả bỏ phiếu. Việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của Vinexad còn một số vấn đề khác như không chốt danh sách cổ đông đúng quy định, không có thời hạn bỏ phiếu…
Trước vấn đề này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Vinexad giải trình. Sau đó, Vinexad đã thừa nhận thiếu sót trong việc lấy ý kiến cổ đông như “quên” không chốt danh sách cổ đông, “quên” không ghi tên cổ đông trong phiếu xin ý kiến, “sơ xuất” trong đóng dấu giáp lai phiếu xin ý kiến…
Đồng thời, Vinexad cũng hứa hẹn sẽ mời 2 đơn vị thẩm định giá, trong đó có Trung tâm Thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính.
“Đất vàng” có giá 70 tỷ đồng…
Sau một năm, Vinexad đã trình phương án mới. Theo đó, năm 2012, CTCP tư vấn dịch vụ về tài sản, bất động sản DATC đã thẩm định giá trị tài sản văn phòng công ty này là 14 tỷ đồng. Năm 1014, CTCP thẩm định giá và tư vấn Việt Nam VNVC xác định giá trị tài sản này là 15,3 tỷ đồng.
Căn cứ mặt bằng giá thị trường chuyển nhượng các vị trí tương đương và hồ sơ pháp lý về nhà đất tương đương với văn phòng của Vinexad, cùng với cân nhắc thời điểm và thị trường bất động sản hiện tại, HĐQT Vinexad dự kiến giá khởi điểm trong khoảng 63 – 70 tỷ đồng.
Theo HĐQT Vinexad, cơ sở để đưa ra khung giá trên là dựa theo định giá của một số Trung tâm giao dịch bất động sản khu vực quận Hoàn Kiếm và dự kiến một số đối tác quan tâm trả mức cao nhất là 200 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá kỳ vọng phấn đấu đạt được khi chuyển nhượng có lợi cho công ty và cổ đông.
Vinexad sẽ tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật.
Nguồn tiền thu được sẽ mua văn phòng làm việc mới cho công ty và chia một phần cho cổ tức để đảm bảo lợi ích cho cổ đong. Số vốn còn lại sẽ dùng để phục vụ đầu tư, kinh doanh cho công ty.
Về tiến độ, HĐQT Vinexad dự kiến năm 2016 – 2017 sẽ tiến hành thủ tục pháp lý để chuyển nhượng tài sản. Với việc thuế TNDN từ năm 2016 giảm từ 22% xuống còn 20%, chuyển nhượng giai đoạn này sẽ giúp công ty bớt được một khoản thuế.