Theo Vinexad, trụ sở Công ty là tòa nhà văn phòng nằm trên diện tích đất 314,5 m2, diện tích sàn khoảng 1.500 m2, trong đó một phần diện tích được cho thuê. Tòa nhà này nằm gần kề hồ Hoàn Kiếm, giá trị thương quyền của “lô đất vàng” đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi Công ty tiến hành cổ phần hoá năm 2005.
Được biết, đầu tháng 2/2014, Vinexad đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc bán trụ sở. Theo tờ trình mà Vinexad gửi cổ đông, diện tích trụ sở là đất thuê của Nhà nước còn thời hạn đến năm 2026. Hiện tiền thuê đất phải trả là 540 triệu đồng/năm, tăng 12 lần so với năm 2010. Việc cho thuê văn phòng của Công ty từ năm 2013 đến nay bắt đầu gặp khó khăn, giá thuê giảm và diện tích trống tăng lên. Một số kết cấu của tòa nhà đã xuống cấp theo thời gian đầu tư. Vinexad đánh giá, việc sử dụng trụ sở tại số 9 Đinh Lễ hiện không có hiệu quả, về lâu dài gây khó khăn trong hạch toán chi phí và tiền thuê đất sẽ còn tăng cao.
Cũng theo tờ trình, Vinexad đã tính toán kế hoạch đầu tư lâu dài tại số 9 Đinh Lễ như đầu tư xây dựng văn phòng cho thuê, đầu tư khách sạn hoặc làm dịch vụ. Tuy nhiên, Công ty không có vốn, dùng vốn vay thì không hiệu quả. Do đó, HĐQT Vinexad thống nhất xin ý kiến cổ đông về chủ trương bán trụ sở nói trên, dùng tiền mua văn phòng khác làm trụ sở, số tiền còn lại sẽ bổ sung vốn lưu động và chia cho cổ đông.
HĐQT Vinexad đề nghị cổ đông ủy quyền cho HĐQT thực hiện giao dịch, giá chuyển nhượng, hoàn thiện thủ tục… và báo cáo kết quả cho cổ đông sau.
Tờ trình của Vinexad khiến nhiều cổ đông bất bình, bởi Công ty không đề cập đến giá bán, phương thức bán, cũng như vấn đề định giá tài sản. Không chỉ thế, tờ trình kiêm phiếu biểu quyết chỉ có dấu giáp lai 2 trang đầu, còn phần nội dung biếu quyết đồng ý/không đồng ý ở trang cuối cùng không có dấu giáp lai. Điều này khiến một số cổ đông đặt dấu hỏi về tính minh bạch, đúng đắn của kết quả bỏ phiếu.
Việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản của Vinexad còn một số vấn đề khác như không chốt danh sách cổ đông đúng quy định, không có thời hạn bỏ phiếu…
Trước việc xin ý kiến cổ đông có nhiều “vấn đề” của Vinexad, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Vinexad giải trình. Sau đó, ngày 22/2/2014, Vinexad gửi cho cổ đông Thông báo kết quả xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chuyển nhượng tài sản là văn phòng làm việc Công ty. Tại thông báo này, VNX thừa nhận thiếu sót trong việc “quên” không chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến, mà sử dụng danh sách cũ chốt từ ngày 30/9/2013 (danh sách chốt để chia cổ phiếu thưởng).
Ngày 26/2/2014, Vinexad tổ chức cuộc gặp giữa HĐQT Công ty và 3 đại diện nhóm cổ đông bên ngoài đã phản đối việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản nói trên. Tại cuộc gặp, HĐQT Vinexad thừa nhận các thiếu sót như “quên” không chốt danh sách cổ đông, “quên” không ghi tên cổ đông trong phiếu xin ý kiến, “sơ xuất” trong đóng dấu giáp lai phiếu xin ý kiến…
Các cổ đông đề nghị, Công ty cần mời cơ quan thẩm định giá để đánh giá lợi thế kinh doanh của vị trí trụ sở dự kiến chuyển nhượng. Đồng thời, tiến hành bán đấu giá công khai tài sản này (với mức giá khởi điểm là mức giá đã được thẩm định) để đảm bảo sự minh bạch và mang lại lợi ích tối ưu cho cổ đông. Vinexad hứa hẹn sẽ mời 2 đơn vị thẩm định giá, trong đó có Trung tâm Thẩm định giá thuộc Bộ Tài chính.
Cổ đông Lê Trúc Anh cho rằng, Vinexad cần đăng báo bán đấu giá, chứ không nên chuyển nhượng theo hình thức chỉ định thầu hay chào thầu cạnh tranh. Về việc mua căn hộ chung cư hay mua đất để xây trụ sở mới, Công ty cũng cần phải tiến hành một cách minh bạch để tránh không bị mua giá đắt. Các thông tin về phương án mua - bán cần được thông báo sớm cho cổ đông trước ngày ĐHCĐ.