“Nhúng” công nghệ vào tài chính
Những thuật ngữ “thời thượng” như blockchain (Công nghệ chuỗi khối), Al (Trí tuệ nhân tạo), Big Data (dữ liệu lớn) hay IoT (Internet of things)… giờ đây không chỉ là những từ ngữ hoa mỹ mà đi sâu, ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi cách sống, làm việc, tiêu thụ và sản xuất hàng hoá, dịch vụ.
Những thay đổi này, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đòi hỏi tất cả các ngành, đặc biệt là ngành tài chính phải chuyển đổi nhanh chóng để có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngày càng phức tạp hơn, cá biệt hoá hơn, thân thiện với khách hàng hơn.
“Trong thời gian qua, trên khắp thế giới chúng ta chứng kiến sự đầu tư mạnh mẽ của hệ thống ngân hàng vào công nghệ tài chính (Fintech) và dựa trên các Fintech nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử (E-wallet), chuyển tiền ngang hàng (peer-to-peer transfer), thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng (equity-based crowdfunding), ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số…”, ông Sơn nói.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN chia sẻ: “Không có Fintech thì Mobile Banking của các ngân hàng sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay. Bởi cách đây khoảng 10 năm, các ngân hàng đã từng trang bị dự án Mobile Banking và một số đã phải dừng lại.
Nhưng khi bắt đầu có sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thì Mobile Banking và Internet Banking trở nên khác hẳn.
Ngoài giao diện, phần lõi của Internet Banking và Mobile Banking được thay đổi, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của khách hàng. Nhờ đến với Fintech, các ngân hàng có cả một hệ sinh thái số”.
Một thông tin đáng chú ý đến từ Báo cáo “Fintech tại khu vực ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh” vừa được công bố bởi UOB, tổ chức PwC và Hiệp hội FinTech Singapore (SFA) cho thấy, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực đầu tư vào FinTech trong năm 2019, chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong khu vực ASEAN, so với mức chỉ có 0,4% vào năm 2018.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc UOB Việt Nam cho biết: “Với dân số trẻ và thành thạo công nghệ số, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn cho các giải pháp tài chính, cũng như kéo theo sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này”.
Thực tế cho thấy, Fintech đang tạo ra sự thay đổi chóng mặt trên thị trường tài chính… Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội từ ứng dụng công nghệ 4.0 là những thách thức và an ninh, bảo mật của cuộc cách mạng này tới ngành tài chính ngày càng trở nên lớn hơn và thường trực hơn.
Cần một chiến lược về an toàn thông tin có tính đàn hồi
Ông Robert Trọng Trân, Trưởng Dịch vụ tư vấn An ninh mạng EY Việt Nam chia sẻ, thường sự tấn công mạng ngày càng nguy hiểm hơn do xuất hiện nhiều công ty Fintech cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Một khảo sát trên 100 Fintech trên thế giới thì có 98 Fintech đều có lỗ hổng an ninh. Các ngân hàng sử dụng những sản phẩm của các Fintech, áp dụng vào những ngân hàng số trong tương lai điều này không khác gì mang một cơ hội lớn cho các tin tặc tiến vào ngân hàng.
“10 FinTech nổi tiếng nhất trên thế giới, một trong những trang đầu quảng bá của công ty rằng công ty phát triển nhất, đột phá nhất.. nhưng không một công ty Fintech nào quảng bá rằng, chúng tôi sẽ mang một sản phẩm Fintech an toàn nhất cho ngân hàng. Ðiều này tạo cơ hội lớn cho các tin tặc tiến vào”, ông Tân nói.
Còn ông Phạm Tùng Dương, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng FPT cho biết, các cuộc tấn công bây giờ không chỉ là các cuộc tấn công đơn lẻ mà là tấn công tập trung với nhiều mục đích khác nhau.
“Ở FPT chúng tôi hay đùa là làm thế nào để chúng ta tìm thấy được các mối đe dọa nhanh như chúng ta search google”, ông Dương nói.
Ông Tân cũng cho biết, kinh nghiệm 20 năm làm việc về an toàn thông tin qua nhiều công ty lớn trên thế giới ông chưa thấy có công ty nào 100% an toàn về an ninh bảo mật.
Nhưng câu chuyện sẽ phải là chấp nhận, sẵn sàng sống trong thời đại số với sự rủi ro của an toàn thông tin. Nhưng cần phải có một chiến lược rõ ràng về an toàn thông tin.
Muốn có chiến lược về phát triển ngân hàng số, an toàn thông tin phải nằm trong chiến lược này.
“500 công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán của Mỹ chỉ có khoảng 100 công ty được gọi là có khả năng chơi được “game” bảo đảm an toàn cho công ty”, ông Dương cho biết thêm.
Ông Tân khuyến nghị: “Khi phát triển bất kỳ một sản phẩm nào, cần đặt an toàn thông tin lên hàng đầu.
Doanh nghiệp cần có một chiến lược rõ ràng về an toàn thông tin có tính đàn hồi. Nghĩa là cho dù sự tấn công có xảy ra thì chúng ta sẵn sàng ứng phó và vấn đề là mất bao lâu để xử lý sự cố. Tôi không nghĩ rủi ro an toàn thông tin cản trở các doanh nghiệp phát triển. Thời đại số đã đến, doanh nghiệp cần đặt rủi ro an toàn thông tin vào trung tâm”.