Thanh toán điện tử đang tăng mạnh
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, 5 tháng đầu năm 2019, có 64,16 triệu giao dịch được thực hiện qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), tổng giá trị giao dịch đạt 35,728 triệu tỷ đồng, tăng 23,23% về số lượng và 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2018.
Số lượng tài khoản cá nhân tăng trưởng 15,9% tính đến cuối tháng 3/2019, góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch, tổng giá trị trên 171.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 18,45% và 18,82% so với cùng kỳ 2018.
Đáng chú ý, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đang có xu hướng tăng trưởng mạnh. Tính đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch, giá trị giao dịch trên 4,58 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch, giá trị hơn 924.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 97,75% và 232,3%.
Ngoài ra, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. Theo đó, 95% số thu hải quan được thực hiện qua ngân hàng và 99% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử.
Đảm bảo an toàn, bảo mật là ưu tiên hàng đầu
Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang được thúc đẩy mạnh mẽ, việc đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động của các hệ thống thanh toán là vấn đề được cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng đặt lên hàng đầu.
Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Khối Bán lẻ, Giám đốc Chiến lược của VIB cho biết, những năm gần đây, lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt trên thế giới tăng trưởng nhanh, trung bình 13%/năm, riêng châu Á tăng trưởng 30%/năm. Về tỷ trọng, kênh thẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất với hơn 67%. Về phương tiện, thanh toán qua điện thoại được ưa chuộng nhất.
"Nắm bắt xu hướng này, VIB đã tập trung phát triển thanh toán điện tử qua thẻ và tài khoản thanh toán tích hợp ngân hàng số. Theo đó, nhiều công nghệ với độ bảo mật, an toàn cao như QR Code đã được phát triển trên nền tảng này... ", bà Hương nói.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh cho các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử như việc áp dụng công nghệ xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động để vừa đảm bảo tính bảo mật, an toàn khi thanh toán, vừa phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng.
Liên quan tới thúc đẩy thanh toán tiền mặt, theo đại diện VIB, cần đảm bảo 2 yếu tố quan trọng là cung và cầu.
"Cung xuất phát từ việc Chính phủ tạo điều kiện để hoạt động này phát triển thông qua ban hành các hành lang pháp lý, định hướng chiến lược để các ngân hàng, các công ty FinTech, BigTech có thể tham gia và cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy chi tiêu không tiền mặt. Cầu chính là ý thức của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt", bà Hương phân tích.
Về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng cho hay, thời gian qua, NHNN đã đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
"Trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hạ tầng thanh toán để đáp ứng tốt các yêu cầu về phát triển thanh toán điện tử của người dân, doanh nghiệp, trong đó yếu tố an toàn, bảo mật luôn được coi trọng và là ưu tiên hàng đầu", ông Dũng nhấn mạnh.