Thách thức rủi ro bảo mật trước làn sóng số hóa ngân hàng

Làn sóng số hóa ngân hàng là điều kiện tốt thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đi kèm với nó là thách thức rủi ro an ninh mạng.
Số hóa ngân hàng là điều kiện tốt thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Số hóa ngân hàng là điều kiện tốt thúc đẩy chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.

Số hóa ngân hàng bùng nổ

Tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2019 diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, giới phân tích tài chính cho rằng, số hóa ở thị trường Việt Nam nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đang ngày càng phát triển. Đây được xem là triển vọng và cơ hội cho doanh nghiệp, ngân hàng trong việc phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu.

Liên quan hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, theo Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 9/2019, Việt Nam có 32 tổ chức phi ngân hàng được cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, phần lớn cung cấp dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán điện tử, hỗ trợ thu hộ - chi hộ, chuyển tiền điện tử.

Bên cạnh các công ty công nghệ tài chính (fintech), các ngân hàng cũng tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới. Cụ thể, đã có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code.

Ngoài ra, có 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua di động. Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh Internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64%; giá trị giao dịch đạt 9,5 triệu tỷ đồng, tăng 18,5%; tổng giá trị giao dịch đạt 1,761 triệu tỷ đồng, tăng 160,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, tính chung, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn thấp.

Ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, thị trường fintech ở Việt Nam có sự bùng nổ trong 5 năm qua. Ví điện tử đã tăng trưởng vượt bậc. Dự kiến có 10 triệu ví điện tử liên kết trong năm 2020. Top 4 ví điện tử (gồm Momo, Viettel Pay, Zalo Pay, Airpay) chiếm 94%.

Thách thức rủi ro bảo mật

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đầu tư cho công nghệ là xu hướng tất yếu, nhưng rủi ro an ninh mạng là một thách thức lớn và cũng phải cần quan tâm.

“Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có khoảng 1.400 vụ tấn công an ninh mạng, tăng hơn 100% so với năm ngoái. Trong khi đó, chỉ có khoảng 25 - 30% doanh nghiệp biết được nhà mình có nguy cơ bị tấn công”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam có khoảng 1.400 vụ tấn công an ninh mạng, tăng hơn 100% so với năm ngoái.   

Cũng theo ông Lực, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng đầu tư nguồn nhân lực cho quản trị an ninh mạng. Việc tuyển nhân sự công nghệ thông tin biết kinh doanh ngân hàng và biết quản trị mạng là vô cùng khó khăn đối với ngành này. Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam chưa nhiều.

Phát biểu tại “Diễn đàn An toàn, an ninh thông tin trên không gian mạng 2019”, diễn ra mới đây, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cùng với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, những lỗ hổng mất an toàn ngày càng gia tăng với tốc độ khoảng 300%/năm. Tấn công mạng diễn ra từng phút, các thiết bị di động trở thành mục tiêu tấn công phổ biến. Đặc biệt, trong các cuộc tấn công này, ngân hàng là một trong những đích ngắm thường xuyên của tội phạm mạng.

Theo giám sát của Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 3.493 cuộc tấn công nhắm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Số lượng IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính “ma” trong tháng 9/2019 là hơn 2 triệu địa chỉ. So với cùng kỳ năm 2018, tổng số vụ tấn công tăng 104%. Vì thế, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc chuẩn bị nguồn nhân sự số là vô cùng quan trọng đối với việc phát triển số hóa nói chung cũng như phát triển ngân hàng số nói riêng.

Ông John Yong, nguyên Cục trưởng, Cục Phát triển thông tin - truyền thông Singapore (IDA) cho rằng, sự trỗi dậy của công nghệ mới đòi hỏi ngân hàng tập trung vào dữ liệu để có thể tìm ra những giải pháp tốt nhất nhằm thu hút khách hàng. Vì thế, việc bảo mật và an ninh mạng luôn được quan tâm hàng đầu.

“Rò rỉ thông tin là mối lo lớn đối với an ninh mạng thời gian qua và trong thời gian tới khi số hóa đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều tin tặc đã lợi dụng kẽ hở trong quản trị mạng để tống tiền khách hàng. Do đó, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp, ngân hàng phải đầu tư thỏa đáng cho an ninh mạng”, ông Yong nói.

Thùy Vinh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục