Bảo hiểm tiền gửi trong thời đại số

(ĐTCK) Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là tài chính – ngân hàng. Trong bối cảnh đó, cần phát huy vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) nhằm bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền
Phó tổng giám đốc BHTGVN Vũ Văn Long trình bày tại Tọa đàm Hoạt động ngân hàng số trong bối cảnh CMCN 4.0 Phó tổng giám đốc BHTGVN Vũ Văn Long trình bày tại Tọa đàm Hoạt động ngân hàng số trong bối cảnh CMCN 4.0

BHTG - công cụ hữu hiệu bảo vệ người gửi tiền

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 146 quốc gia trên thế giới thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và có 83 tổ chức là thành viên Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI). Với những ưu thế, tính chuyên nghiệp trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo sự ổn định của hoạt động tài chính – ngân hàng, hệ thống tổ chức BHTG ngày càng phát triển mạnh mẽ trên thế giới.

Tại Việt Nam, Điều 3 Luật BHTG quy định: BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

BHTG có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền, nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng. BHTG chính là công cụ tài chính hữu hiệu mà Chính phủ sử dụng nhằm bảo vệ người gửi tiền, thay mặt Chính phủ bảo vệ tiền gửi của người dân. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ thì BHTG có trách nhiệm chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền. Chính sự bảo vệ này tạo được niềm tin cho người gửi tiền vào hệ thống tài chính – ngân hàng nói riêng và vào Chính phủ nói chung.

BHTG góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng. Người gửi tiền có thể yên tâm gửi tiền tại bất kỳ tổ chức tham gia BHTG nào. BHTG đã tạo ra một môi trường bình đẳng cho tất cả các TCTD, đặc biệt là các TCTD có quy mô nhỏ bằng một hạn mức chi trả tiền bảo hiểm thống nhất.

BHTG trong thời đại cách mạng 4.0

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) tạo ra những đột phá trong ứng dụng công nghệ, thay đổi cách con người sống, làm việc, xác định lại các giá trị, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng có nhiều cơ hội tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.

Kết quả của khảo sát “Dịch vụ Ngân hàng, hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” của Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) năm 2017 cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi, tiết kiệm thời gian, với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% trong năm 2015.

Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức cho nền tài chính - ngân hàng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đó là khoảng trống chính sách đòi hỏi phải xây dựng quy định pháp lý mới đáp ứng nhu cầu cải cách công nghệ ngành ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát dòng tiền gặp khó khăn trong bối cảnh tiền điện tử ngày càng được sử dụng và chấp nhận rộng rãi. Có thể nói rằng, khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách tài chính – ngân hàng là làm sao để cân bằng giữa các quy định nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ và đồng thời tạo cơ hội cho công nghệ tài chính (Fintech) phát triển.

Hoạt động BHTG trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, sự phát triển của Fintech nói riêng chịu ảnh hưởng ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, cần xác định tính khả thi của việc bảo hiểm cho tiền gửi điện tử. Gần đây, việc phát triển và đổi mới cung cấp dịch vụ tài chính đến người có thu nhập thấp chủ yếu thông qua các dịch vụ như ngân hàng không chi nhánh (branchless banking), thanh toán trên điện thoại di động hay tiền điện tử (e-money). Đối với hoạt động BHTG, vấn đề đặt ra là liệu có nên coi tiền điện tử như sản phẩm tiết kiệm hay chỉ là một giao dịch chuyển khoản thông thường, cũng như trách nhiệm bảo hiểm trong quá trình diễn ra các giao dịch đó.

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, tiền điện tử vừa được coi như tiền tiết kiệm cũng như phương tiện thanh toán, có phát sinh lãi tiền gửi và được bảo hiểm. Hiện nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu việc bảo hiểm cho tiền gửi đối với giao dịch ngân hàng không chi nhánh, gồm cả trên điện thoại di động.

Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) đã áp dụng chương trình thí điểm về tài khoản tiền gửi an toàn năm 2011 cho các giao dịch điện tử đối với thẻ ghi nợ, hợp tác với đối tác như Tập đoàn Cities, Liên minh kinh tế toàn diện (AEI) và trung tâm cơ hội tài chính (LISC) để kết nối các dịch vụ cho người gửi tiền ở các tổ chức phi ngân hàng. Tại Việt Nam, tiền gửi thuộc đối tượng được BHTG, không phân biệt hình thức gửi tiền trực tuyến hay gửi tiền trực tiếp, đều được bảo hiểm.

Thứ hai, tiềm năng trong việc sử dụng các hệ thống nghiệp vụ như tính phí, giám sát, chi trả là rất tích cực. Thông qua các chương trình, phần mềm trực tuyến, các nghiệp vụ BHTG có khả năng được thực hiện một cách nhanh chóng, chính xác, tổ chức BHTG cũng tiết kiệm được các nguồn lực hơn so với hình thức nghiệp vụ truyền thống. Trong đó phải kể đến một số ưu thế của việc áp dụng công nghệ thông tin như trích xuất thông tin về tiền gửi phục vụ chi trả, xác minh thông tin, hỗ trợ truyền thông chính sách BHTG, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xuyên biên giới giữa các tổ chức BHTG...

BHTG Việt Nam đã đưa vào hoạt động Hiện đại hóa hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS). Hệ thống FSMIMS tin học hóa toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN; giúp tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn hệ thống. Từ đó, bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, CMCN 4.0 là cơ hội để tăng cường nâng cao hiểu biết cho người gửi tiền, giáo dục tài chính thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các phương tiện số hóa hiện đại. Hiện nay, người dân Việt Nam, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa hiểu biết tài chính khá thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Thiếu hiểu biết về tài chính khiến người dân ngại ngần sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức, dễ rơi vào bẫy huy động vốn bất hợp pháp, tín dụng “đen” gây hậu quả nặng nề, bất ốn đời sống xã hội tại địa phương.

Những năm gần đây, BHTG Việt Nam đã tuyên truyền chính sách BHTG trên các báo,  truyền hình địa phương; phối hợp tổ chức sự kiện tuyên truyền trực tiếp đến người dân với những nội dung thiết thực để họ dễ dàng tiếp cận chính sách BHTG.

BHTG Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiểu biết của người gửi tiền trong thời gian tới.

HL

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục