Bảo hiểm xử lý “tổn thất lịch sử”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  “Siêu bão” Yagi - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trở lại đây, được dự báo sẽ tạo ra “tổn thất lịch sử” cho ngành bảo hiểm.
Tính đến cuối ngày 12/9/2024, tổn thất do bão Yagi ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng Tính đến cuối ngày 12/9/2024, tổn thất do bão Yagi ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng

Ước bồi thường thiệt hại tài sản hàng nghìn tỷ đồng…

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), các doanh nghiệp bảo hiểm phải báo cáo về tình hình thiệt hại và giải quyết quyền lợi bảo hiểm liên quan đến cơn bão số 3 Yagi chậm nhất là ngày 12/9/2024.

Báo cáo sơ bộ cho biết, tính đến cuối ngày 12/9/2024, các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thệt hại thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Có công ty bảo hiểm thuộc tốp đầu thị trường về thị phần bảo hiểm tài sản đang được đồn đoán có tổng tổn thất (tổng các yêu cầu bồi thường từ khách hàng) ước lên tới 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh nghiệp này cho biết, tổng tổn thất tính đến thời điểm hiện tại chưa đến 500 tỷ đồng và đang trong quá trình cập nhật số liệu cuối cùng.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm (IAV) cho biết, chiếm phần lớn khoản chi trả bảo hiểm tài sản sau bão là thiệt hại từ ô tô bị cây đổ đè bẹp hoặc ngập sâu do mưa lũ và các cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp. Các công trình có bảo hiểm rủi ro tài sản không loại trừ bão lũ, giông lốc và chủ xe cơ giới mua bảo hiểm thân vỏ sẽ được các hãng chi trả bồi thường thiệt hại.

Cụ thể hơn, ông Phạm Văn Dũng - đồng sáng lập Công ty Bảo hiểm trực tuyến IBAOHIEM đưa ra con số tổn thất dự kiến có thể lên tới hơn 7.000 tỷ đồng, bởi bão Yagi và hoàn lưu sau bão diễn ra trên diện rất rộng, gây mưa lũ lớn tại nhiều địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Do vậy, con số thương vong về người và tổn thất về tài sản dự báo còn tiếp tục gia tăng.

Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm (cập nhật đến chiều ngày 10/9/2024), ước tính số vụ tổn thất từ nghiệp vụ tài sản kỹ thuật và bảo hiểm xe cơ giới lên tới 1.754 vụ. Trong đó, tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật là 684 vụ, các doanh nghiệp có số vụ tổn thất cao gồm Bảo hiểm Bảo Việt (220 vụ), VBI (150 vụ), Bảo hiểm PVI (134 vụ), PJICO (107 vụ)… và tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới là 1.070 vụ, với Bảo Việt (315 vụ), PTI (273 vụ), PJICO (219 vụ), VBI (91 vụ)…

Về số tiền thiệt hại, tính đến sáng 12/9/2024, Bảo hiểm Bảo Việt đã tiếp nhận 692 vụ tổn thất với tổng bồi thường ước tính 950 tỷ đồng, tập trung vào các loại hình bảo hiểm con người, bảo hiểm tài sản như bảo hiểm xe ô tô, bảo hiểm nhà tư nhân, các công trình xây dựng, nhà xưởng, kho bãi, máy móc thiết bị, cầu cảng và hàng hóa.

Bảo hiểm PVI cho biết, tính đến chiều ngày 11/9/2024, nhà bảo hiểm này ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản, ước giá trị hơn 2.000 tỷ đồng (chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người), tăng nhiều lần so với thống kê trước đó vài ngày (320 tỷ đồng).

Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng ghi nhận gần 500 vụ tổn thất, tổng số tiền bồi thường ước tính gần 200 tỷ đồng (tính đến 9h00 ngày 10/9/2024).

Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ghi nhận trên 500 vụ tổn thất ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận 65 vụ tổn thất về tài sản, kỹ thuật, hàng hải; 273 vụ tổn thất về xe cơ giới, ước tính số tiền bồi thường trên 150 tỷ đồng.

Bảo hiểm VietinBank (VBI) ước tính có trên 400 vụ tổn thất, tổng bồi thường hàng trăm tỷ đồng (tính đến chiều ngày 9/9/2024). Đây là những tổn thất trên các nghiệp vụ tài sản kỹ thuật, hàng hải và xe cơ giới, chưa bao gồm tổn thất về con người..

Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) cho biết, tính đến ngày 11/9/2024, riêng tổn thất về tài sản kỹ thuật hàng hóa là hơn 150 tỷ đồng với khoảng 200 vụ, chủ yếu là tổn thất về bảo hiểm tài sản, tổn thất từ các mảng bảo hiểm khác đang trong quá trình cập nhật.

Không cung cấp số tiền tổn thất cụ thể, nhưng Bảo hiểm Hàng không (VNI) cho hay, tính đến ngày 10/9/2024 ghi nhận hơn 200 vụ tổn thất về bảo hiểm tài sản kỹ thuật, hàng hóa, tàu thuyền, chưa bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người. Các công ty bảo hiểm khác cũng đang thống kê tổn thất, con số thiệt hại ước tính từ từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng

… và những tổn thất “ngoài dự kiến” khác

Trong ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Với lĩnh vực bảo hiểm, Công điện yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm khẩn trương thực hiện bồi thường tổn thất cho bên mua bảo hiểm bảo đảm nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời theo đúng thỏa thuận hợp đồng và quy định pháp luật.

Trên thực tế, ngay khi tiếp nhận thông tin về cơn bão số 3, các doanh nghiệp bảo hiểm đã gửi thông tin cảnh cáo qua nhiều hình thức nhằm hướng dẫn khách hàng các phương thức tránh bão, bảo vệ tài sản, giảm thiểu tối đa tổn thất. Đồng thời, cũng chủ động tăng cường hệ thống hotline để kịp thời tiếp nhận, hỗ trợ khách hàng nhanh nhất trong trường hợp phát sinh tổn thất, đồng thời có báo cáo nhanh về việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng.

Bà Bùi Thị Thanh Xuân - Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Bảo hiểm VietinBank cho biết, Công ty sẽ khẩn trương xác định tổn thất, đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng trong thời gian sớm nhất, qua đó nhanh chóng hỗ trợ và ổn định đời sống, hoạt động kinh doanh cho khách hàng.

“Đây có thể là tổn thất cao nhất trong lịch sử của ngành bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm PVI nói riêng. Dù vậy, chúng tôi sẽ vẫn nỗ lực, quyết tâm đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất”, lãnh đạo Bảo hiểm PVI cho hay.

Không khó để thấy, con số thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra là rất lớn, nhưng nhờ hoạt động tái bảo hiểm nên áp lực tài chính với các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ giảm khá đáng kể. Dẫu vậy, đây vẫn là những khoản bồi thường lớn, có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Đoàn Kiên, Tổng giám đốc BSH cho hay, ảnh hưởng từ cơn bão này sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và BHS nói riêng gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Hiện tại mới chỉ là thống kê sơ bộ, số liệu cuối cùng sẽ lớn hơn nhiều.

Đáng chú ý, theo tiết lộ của lãnh đạo một công ty bảo hiểm trong tốp đầu thị trường, sự lo ngại con số bồi thường lớn có thể ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu, đến cổ đông lớn… cũng khiến các công ty bảo hiểm không dám công bố hết các tổn thất, bởi diễn biến giá cổ phiếu thường chịu tác động mạnh bởi những thông tin “nhạy cảm” này.

Và thực tế là nhóm cổ phiếu tài chính - bảo hiểm diễn biến không mấy tích cực trong tuần qua. Thống kê cho thấy, chỉ trong 4 ngày, từ 9/9 đến sáng 12/9, cổ phiếu BMI giảm 5,46%; PVI giảm 4,68%; BVH giảm 3,79%...

Theo các chuyên gia, tổn thất từ “siêu bão” Yagi đang gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp bảo hiểm, song cũng là lúc “ghi điểm” trong mắt khách hàng. Bởi vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm cần tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, làm ảnh hưởng đến việc lấy lại hình ảnh tốt đẹp cũng như niềm tin vào bảo hiểm, bởi thực tế từng xảy ra các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan tới việc tạm ứng bồi thường nhanh, nhưng chi trả toàn bộ thì lại chậm.

Ở khối nhân thọ, AIA Việt Nam cho biết, tính đến ngày 9/9/2024 ghi nhận 5 khách hàng tử vong do bão, trong đó có 4 khách hàng tại Hải Dương và 1 khách hàng tại Quảng Ninh. Tổng quyền lợi bảo hiểm của 5 khách hàng này khoảng 6,5 tỷ đồng và đến nay, Công ty đã chi trả toàn bộ quyền lợi bảo hiểm của các khách hàng này.

Theo số liệu cập nhật đến chiều 10/9/2024 tại 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm AIA, Dai-ichi Life, Sunlife, Bảo Việt Nhân thọ, Generali và Cathay, ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu do ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Bắc là hơn 9,72 tỷ đồng.

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục