Thêm vụ làm giả hồ sơ bảo hiểm xe bị xử lý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An (trực thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam do làm giả hồ sơ bảo hiểm.
Tình trạng làm giả hồ sơ, ấn chỉ bảo hiểm diễn biến rất phức tạp Tình trạng làm giả hồ sơ, ấn chỉ bảo hiểm diễn biến rất phức tạp

Thông tin từ Công an TP. Ninh Bình mới đây cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Văn Hồng (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) về tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm”.

Theo điều tra của cơ quan công an, ông Hồng làm việc tại Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An (địa chỉ ở TP. Ninh Bình) trong giai đoạn 2021-2022 với vai trò là cố vấn, sau này là Giám đốc Công ty. Khi đó, công ty bảo hiểm này có bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cho 2 xe ô tô.

Sau khi xảy ra tai nạn, Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An đã phối hợp với chủ phương tiện 2 xe ô tô trên để thu thập tài liệu hồ sơ giải quyết chi trả tiền bảo hiểm theo quy định.

Tuy nhiên, khi có thông tin vụ tai nạn, ông Hồng đã mua bảo hiểm của Bảo hiểm Bảo Minh và Bảo hiểm Bưu điện cho 2 xe ô tô và nhờ Lê Thanh Hải, Trần Thị Hoa (cùng trú tại Thanh Hóa) nhận là chủ xe, sau đó chỉ đạo nhân viên cấp dưới chỉnh sửa nội dung, hoàn thiện thành các hồ sơ giả gửi 2 công ty bảo hiểm này để trục lợi số tiền 450 triệu đồng.

Hiện tại, vụ việc được Công an TP. Ninh Bình tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Từ các vụ làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận bảo hiểm đã diễn ra, một điểm chung được các chuyên gia pháp lý bảo hiểm chỉ ra, đó là tình trạng nhân viên, lãnh đạo của đơn vị thành viên trực thuộc công ty bảo hiểm làm ẩu, hiểu biết về luật pháp hạn chế… vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ khi công ty bảo hiểm phải thống kê số liệu bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để báo cáo cho cơ quan quản lý thì hành vi làm giả hồ sơ, giấy chứng nhận bảo hiểm hay tình trạng không nộp phí bảo hiểm đầy đủ mới được phát hiện, mà trường hợp của Công ty Bảo hiểm Xuân Thành Tràng An ở trên là một minh chứng.

Để hạn chế tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, việc sử dụng giấy chứng nhận điện tử, mở rộng ra là việc số hóa các hồ sơ, thủ tục cần được đẩy mạnh hơn nữa. Theo ông Đỗ Thế Vinh, CEO Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM, khi tăng cường ứng dụng Insurtech - công nghệ bảo hiểm sẽ hạn chế được tình trạng làm giả hồ sơ, giấy tờ, nộp phí bảo hiểm không đầy đủ... Nhà nước cũng đang khuyến khích phát triển Insurtech bởi sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc quản lý thủ tục hành chính, qua đó thị trường bảo hiểm cũng hoạt động minh bạch hơn.

“Việc số hóa dữ liệu giúp công ty bảo hiểm quản lý tập trung thông tin, tránh được tình trạng ấn chỉ bảo hiểm giả hay thu tiền không nộp... vì phải có tiền về thì mới ra giấy chứng nhận và do hệ thống tự động cấp. Hệ thống cũng hiển thị rõ ràng thông tin về công ty bảo hiểm, người bán, người mua; ghi nhận được thời gian thực mua, thực bán; đảm bảo nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước…”, ông Vinh phân tích.

Chia sẻ về khó khăn khi triển khai Insurtech, ông Vinh cho biết, trong nhiều trường hợp, cả bên mua lẫn bên bán bảo hiểm vẫn cần dùng giấy tờ vật lý nên phần nào ảnh hưởng tới công tác số hóa. Mặt khác, đầu tư công nghệ thường rất tốn kém, cần thời gian dài mới có thể hòa vốn. Đặc biệt, bảo hiểm là lĩnh vực đặc thù nên yêu cầu nhân sự số hóa phải giỏi cả về công nghệ lẫn chuyên môn bảo hiểm, mà điều này là không đơn giản.

“Hiện nay, phần lớn nhân sự bảo hiểm vẫn quen cách làm cũ, tư duy chưa thực sự cởi mở nên khó chuyển đổi, chưa kể một bộ phận giới trẻ giờ không muốn làm bảo hiểm do e ngại điều tiếng. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế, chính sách đột phá để hỗ trợ các công ty Insurtech phát triển, từ đó mới bắt kịp được xu thế chung, bởi ở các thị trường đi trước, mảng này rất phát triển”, ông Vinh chia sẻ thêm.

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục