Ấn chỉ giả không còn là chuyện hiếm
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Đoàn Hoàng Khải (trú tại Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, Khải đã móc nối với một số đối tượng làm giả Giấy chứng nhận bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện của Tổng công ty Bảo hiểm PVI, rồi bán cho người dân với giá 100.000 đồng/giấy chứng nhận. Sau vụ việc, bên bị làm giả là PVI Tây Nam (thuộc Tổng công ty Bảo hiểm PVI) đã thu hồi giấy chứng nhận bảo hiểm giả, đổi gần 200 giấy chứng nhận bảo hiểm thật cho người mua.
Cần nói thêm rằng, trước đây, Khải từng là nhân viên bán bảo hiểm của PVI. Giấy chứng nhận bảo hiểm giả của Khải dùng thủ thuật scan con dấu và chữ ký, những người mua sống ở khu vực nông thôn khó phát hiện ra.
Trước đó, một số vụ việc tương tự cũng đã bị phát hiện. Chẳng hạn, một số cá nhân đã làm giả 2.500 cuốn Giấy chứng nhận Bảo hiểm mô tô - xe máy của Chi nhánh CTCP Bảo hiểm PJICO Sài Gòn và Gia Định TP. HCM (thuộc Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex) rồi bán ra. Việc làm giả cũng từng xảy ra với giấy chứng nhận bảo hiểm xã hội với nhiều “chiêu thức” khác nhau.
Theo ghi nhận của ĐTCK, việc làm giả ấn chỉ bảo hiểm thường diễn ra ở khu vực miền Tây Nam Bộ, những vùng miền có điều kiện kinh tế kém phát triển, dân trí thấp, cách xa trụ sở chính của doanh nghiệp bảo hiểm, nên khó kiểm soát.
Giải pháp đã có…
Ghi nhận từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), để ngăn chặn và kiểm soát việc làm giả ấn chỉ bảo hiểm, giải pháp hữu hiệu nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư công nghệ in ấn và chống làm giả.
Chia sẻ với ĐTCK, đại diện Tổng CTCP Quân đội (MIC) cho biết, Tổng công ty đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý như in mã vạch, mã tin nhắn cho khách hàng kiểm tra các thông tin liên quan đến giấy chứng nhận bảo hiểm mình vừa mua.
“Chỉ cần nhắn tin tới đầu số 8037, khách hàng đã có thể kiểm tra các thông tin liên quan; trong đó, có thể xác minh được việc đây có đúng là giấy chứng nhận bảo hiểm ô tô xe máy hay bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện của MIC hay không”, đại diện MIC nói.
Còn theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, để chống hiện tượng làm giả ấn chỉ cũng như kiểm soát bán hàng chặt chẽ, doanh nghiệp bảo hiểm có thể sử dụng hệ thống giấy chứng nhận trực tuyến và Liberty Việt Nam là doanh nghiệp đang đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ này.
“Do không có ấn chỉ nên khi khi bán bảo hiểm, đại lý phải truy cập vào hệ thống, nhập thông tin của từng khách hàng, phát hành hợp đồng trực tuyến và in giấy chứng nhận trên máy in màu. Chữ ký là chữ ký điện tử; giấy chứng nhận có ghi rõ ngày giờ in nên không làm giả được. Đối với bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, đại lý chỉ được quyền phát hành hợp đồng sau khi đã thu phí bảo hiểm, mà những hợp đồng này thì không có quyền hủy”, đại diện Liberty Việt Nam lý giải và cho biết thêm cũng vì quy trình chặt chẽ như vậy nên Liberty Việt Nam không bán được nhiều bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe gắn máy so với cách bán bảo hiểm “như bán vé số” của nhiều công ty trong ngành.
… nhưng doanh nghiệp ngại triển khai
Theo các chuyên gia, còn có các công nghệ cao khác để chống làm giả ấn chỉ, như in vạch chống giả tương tự in tiền, in tem chìm hoặc dán tem chống hàng giả. Tuy nhiên, để người tiêu dùng dễ nhận biết và sử dụng, nên áp dụng giải pháp in mã nhắn tin kiểm tra, in tem chìm hoặc dán tem chống hàng giả.
Không khó chống hàng giả, nhưng vì sao nhiều DN bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đứng ngoài “cuộc chiến” này? Theo một DN bảo hiểm từng nghiên cứu phương án in giấy chứng nhận bảo hiểm có khả năng chống làm giả, thì nếu áp dụng công nghệ này với giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc cho xe gắn máy thì khả năng là doanh nghiệp không có lãi, bởi giá phí mỗi hợp đồng này rất thấp.
“Việc đầu tư cho công nghệ in ấn chống giả rất tốn kém. Với bảo hiểm ô tô thì còn đỡ, chứ bảo hiểm xe máy thì chỉ cần tốn thêm vài ngàn đồng cho việc in một ấn chỉ, doanh nghiệp đã khó có lãi, thậm chí phải chịu lỗ”, vị đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ.