Thời gian qua, tình trạng trục lợi bảo hiểm sức khỏe lại rộ lên khiến cả doanh nghiệp bảo hiểm thương mại lẫn bảo hiểm xã hội phải đau đầu. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Hành vi trục lợi bảo hiểm sức khỏe “rộ” lên hay “lắng” xuống đều có nguyên nhân sâu xa từ công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại vi phạm này hiệu quả hay không. Cụ thể, đối với việc phòng ngừa, cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, nhận thức về bảo hiểm nói chung và bảo hiểm sức khỏe nói riêng với các đối tượng tham gia bảo hiểm. Cùng với đó là việc kiện toàn, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, nội quy nội bộ, tuyển chọn nhân sự… của doanh nghiệp bảo hiểm, không tạo ra sơ hở, thiếu sót để kẻ xấu lợi dụng.
Luật sư Lê Phú Trường, Trưởng Văn phòng luật sư Trường Long Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) |
Đối với công tác đấu tranh phòng chống trục lợi bảo hiểm, mọi hành vi trục lợi phải bị phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Theo tôi, tình trạng trục lợi bảo hiểm sức khỏe rộ lên trong thời gian qua cho thấy công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại vi phạm này làm chưa tốt.
Luật đã quy định và có chế tài xử lý, nhưng tại sao trục lợi bảo hiểm vẫn tiếp diễn, phải chăng việc triển khai Luật trên thực tế còn nhiều vướng mắc?
Các chế tài xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm là rõ ràng và nghiêm khắc, được quy định bởi các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định 98/2013-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hoặc tại các Điều 213, 214, 215 - Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)…
Tuy nhiên, các hành vi trục lợi bảo hiểm vẫn không giảm là do trên thực tế vẫn còn không ít trường hợp có hành vi trục lợi bảo hiểm chưa được phát hiện, hoặc bị phát hiện nhưng chưa được điều tra, xử lý đến nơi đến chốn, số vụ trục lợi bảo hiểm bị xử lý bằng pháp luật hình sự cũng không nhiều nên chưa đủ mức răn đe cần thiết. Phát hiện nhưng không được xử lý nghiêm khắc là nguyên nhân dẫn đến nhiều vi phạm tiếp theo với tính chất và hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn.
Có hiện tượng doanh nghiệp bảo hiểm biết khách hàng cố tình trục lợi bảo hiểm nhưng không tố cáo ra cơ quan công an, theo ông, nguyên nhân do đâu?
Đây là một thực tế, là một trong những nguyên nhân khiến trục lợi bảo hiểm trở thành vấn nạn, đặc biệt là trục lợi bảo hiểm sức khỏe, vì 2 nguyên nhân chính:
Thứ nhất, cơ quan công an chỉ xem xét những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Hơn nữa về trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng đòi hỏi phải có thời gian nên xuất hiện tâm lý ngại trình báo, ngại cung cấp tài liệu.
Thứ hai, một số doanh nghiệp bảo hiểm muốn thu xếp nội bộ, tránh tai tiếng, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ngoài cố tình khai gian, làm giả giấy tờ sức khỏe…, thực tế là có những trường hợp khách hàng không biết mình đang có hành vi trục lợi bảo hiểm. Làm sao để giải quyết được vấn đề này?
Trục lợi bảo hiểm là hành vi vi phạm pháp luật với lỗi cố ý trực tiếp, bản thân khách hàng phải biết rõ hành vi của mình đã và đang làm là gian dối để trục lợi, chiếm đoạt tiền của doanh nghiệp bảo hiểm. Trường hợp khách hàng không cố ý, không biết mình đang vi phạm thì không được coi là hành vi trục lợi bảo hiểm.
Đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế liên thông, kết nối dữ liệu giữa bảo hiểm thương mại và bảo hiểm y tế, có sự thay đổi trong công tác định danh người bệnh để ngăn chặn việc che giấu tình trạng sức khỏe, thuê người đi khám bệnh, mua hồ sơ y tế, giả mạo giấy tờ hồ sơ y tế…
Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, cần tăng cường các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của khách hàng về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt là nghĩa vụ kê khai trung thực, các hậu quả pháp lý của việc tham gia, tiếp tay cho các hành vi trục lợi, gian lận bảo hiểm… Ngoài ra, cần có sự điều chỉnh trong các quy định của pháp luật để tăng tính răn đe.