Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), 12/31 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc khối phi nhân thọ có doanh thu tăng trưởng sụt giảm trong 8 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm 3 doanh nghiệp có thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc trong nhóm dẫn đầu thị trường là Bảo Việt, PTI và PJICO với mức sụt giảm từ 1% đến hơn 9% so với cùng kỳ 2020 và 9 doanh nghiệp còn lại là ABIC, Phú Hưng, Liberty, AAA, QBE, GIC, SGI, SSVN và VASS với mức giảm từ gần 1% tới hơn 37%.
Sự sụt giảm này khiến thị phần doanh thu phí bảo hiểm gốc nhóm dẫn đầu thị trường phi nhân thọ tiếp tục biến động trong 8 tháng qua, trong đó Bảo hiểm PVI và Bảo Việt đang cạnh tranh ở vị trí số 1 khi cùng sở hữu 15% thị phần (trước đó, theo IAV, Bảo hiểm PVI đứng đầu thị trường phi nhân thọ về doanh thu phí bảo hiểm gốc với thị phần 15,44% sau 6 tháng đầu năm 2021). Trong khi đó, PTI cùng Bảo Minh và MIC vẫn giữ nguyên vị trí thứ 3, 4 và 5 với thị phần lần lượt là 10%; 8% và 7%; còn PJICO rơi xuống vị trí thứ 6 với 6% thị phần.
Dịch bệnh diễn biến kéo dài khiến doanh thu của các doanh nghiệp khối phi nhân thọ có nhiều thay đổi. Không như những năm trước tăng trưởng doanh thu các nghiệp vụ bán lẻ luôn là động lực tăng trưởng (chiếm gần 60%/tổng doanh thu của khối), từ đầu năm 2021 đến nay, hai nghiệp vụ bán lẻ có doanh thu lớn nhất là bảo hiểm xe cơ giới và sức khỏe con người liên tục giảm sút (bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng âm gần 8%, còn bảo hiểm sức khỏe chỉ tăng chưa tới 4% trong 8 tháng đầu năm 2021, theo IAV).
Hai nghiệp vụ trên được nhìn nhận khó sớm phục hồi trong những tháng còn lại của năm, cho dù các doanh nghiệp vẫn đang tích cực kích cầu bằng các chương trình giảm phí hay khuyến mại, đặc biệt qua các kênh bán bảo hiểm trực tuyến và mở rộng nguồn thu bán lẻ qua kênh đối tác.
Đơn cử, mới đây, PTI thông báo phát triển sản phẩm “An sinh Mai Linh” là chương trình bảo hiểm độc quyền dành riêng cho các khách hàng của đối tác Mai Linh. Bảo hiểm PVI cũng vừa công bố hợp tác kinh doanh với Hyundai Thành Công, trong đó các sản phẩm bảo hiểm và dịch vụ liên quan cho khách hàng mua xe hoặc sử dụng dịch vụ của Hyundai Thành Công sẽ được thực hiện thông qua hệ thống phần mềm do 2 bên phối hợp xây dựng…
Dù các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn nỗ lực “khơi thông” dòng chảy bán lẻ, nhưng thu nhập người dân giảm sút do dịch bệnh kéo dài và quy định giãn cách được nhìn nhận là rào cản chính khiến doanh thu bán lẻ khó có thể tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay, thậm chí sang cả nửa đầu năm 2022 (trừ nhóm các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới bắt buộc hay bảo hiểm sức khỏe).
Khó khăn trong khai thác bán lẻ khiến các nghiệp vụ bán buôn được đặt kỳ vọng nhiều hơn. Thực tế, 8 tháng đầu năm 2021, các sản phẩm bán buôn ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu phí khá ấn tượng, trong đó bảo hiểm tài sản và thiệt hại tăng 10,26%, bảo hiểm cháy nổ tăng 10,36%, bảo hiểm hàng hóa tăng 22%..., theo thống kê của IAV.
Việc thị trường kinh tế trọng điểm là TP.HCM và các tỉnh phía Nam tái khởi động các công trình xây dựng cơ bản cũng như các hoạt động sản xuất - kinh doanh khác sau dịch sẽ giúp các doanh nghiệp phi nhân thọ đẩy nhanh hơn việc đàm phán và ký kết các hợp đồng bảo hiểm xây dựng, hàng hóa, cháy nổ sau thời gian tạm ngưng vì dịch trước đó.
Mặc dù vẫn còn điểm sáng về tăng trưởng của nghiệp vụ bán buôn, nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, thị trường bảo hiểm năm 2021 sẽ khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số đặt ra hồi đầu năm, khi các nghiệp vụ bán lẻ đuối sức. Theo đại diện PTI, các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực tận dụng từng cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, gia tăng lợi nhuận, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh của năm.