Hoàn tất quy trình thông qua cổ đông
Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm ngoái, 2 trong số 5 công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thị phần doanh thu phí lớn nhất là Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI) và Bảo hiểm Petrolimex (PJICO, mã PGI) đã chính thức thông qua việc “mở cửa” hoàn toàn cho các cổ đông nước ngoài.
Cụ thể, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên ngày 24/6/2020, PTI thông qua quyết định tăng tỷ lệ sở hữu (room) của nhà đầu tư nước ngoài lên 100%. Hãng bảo hiểm này kỳ vọng việc nới room ngoại lên mức tối đa sẽ giúp Công ty tăng nhanh vốn điều lệ, mở rộng kinh doanh, từ đó gia tăng lợi nhuận, tăng xếp hạng tín dụng quốc tế… Hiện nay, PTI đang có 3 cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam với tỷ lệ cổ phần nắm giữ là 22%, Công ty Chứng khoán VNDirect nắm giữ 18% và Công ty Bảo hiểm DB nắm giữ 37%.
Tương tự, ĐHCĐ thường niên năm 2020 của PJICO cũng đã thông qua việc nới room ngoại từ 49% lên 100%... nhằm mục đích tăng cường tính thanh khoản của cổ phiếu PGI, đảm bảo lợi ích của các cổ đông, nhà đầu tư. Hãng bảo hiểm này đang có 3 cổ đông lớn gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ sở hữu 40,95% vốn, Vietcombank sở hữu 8,03% và Samsung Fire & Marine Insurance sở hữu 20%.
Trước đó, từ năm 2019, quyết định tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% đã được ĐHCĐ của Bảo hiểm Bảo Minh (mã BMI) thông qua. Cơ cấu cổ đông của Bảo Minh hiện nay gồm có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu xấp xỉ 51% vốn, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%.
Thời điểm quyết định nới room, BMI mong muốn có thể hoàn tất các thủ tục vào quý III/2019 để kịp nắm bắt cơ hội, khi có một số nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý muốn mua cổ phiếu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, BMI cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác vẫn trong trạng thái chờ đợi các hướng dẫn cụ thể để thực thi vấn đề này.
Nút thắt pháp lý cơ bản được tháo gỡ
Về nguyên tắc, để chính thức nới room cho các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phải thực hiện 2 quy trình quan trọng nhất: Trình ĐHCĐ phê duyệt và hoàn thiện thủ tục pháp lý với cơ quan chức năng để có thể chính thức mở hết room cho các cổ đông ngoại.
Với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam còn ở mức thấp nên dư địa khai thác còn rộng lớn, ngành bảo hiểm phi nhân thọ được cho là sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn trước.
Quy trình thứ nhất đã được giải quyết, nhưng quy trình thứ hai còn một số vướng mắc. Theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định về sở hữu nước ngoài tại danh mục. Trường hợp ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện tại danh mục không quy định cụ thể điều kiện tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại doanh nghiệp là 50% vốn điều lệ.
Tháng 3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP công bố 58 ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán và các dịch vụ khác liên quan đến bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán. Văn bản này cùng với Nghị định số 155/2020/NĐ-CP tưởng đã quy định rõ ràng về mở room ngoại, nhưng doanh nghiệp còn vướng việc xác định ngành kinh doanh hiện tại thuộc loại hạn chế hay không hạn chế tiếp cận đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Liên quan tới việc gỡ nút thắt này, công bố mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vào cuối tháng 8/2021 đã cập nhật Danh mục ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nêu rõ, đối với lĩnh vực bảo hiểm tại Điểm 3.1.a quy định không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài…
Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp bảo hiểm đang có vốn nhà nước chi phối, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg quy định Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 2/7/2021 cũng đã nêu rõ, bảo hiểm không thuộc 7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi cổ phần hóa, thoái vốn, bao gồm quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay; dịch vụ khai thác khu bay; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tài chính, ngân hàng (trừ bảo hiểm, chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính).
Khi nút thắt về nới room ngoại được mở, việc bán vốn được xúc tiến nhanh hơn thì doanh nghiệp khối này cũng sẽ có những động lực tăng trưởng lớn hơn. Dù dịch bệnh khiến ngành bảo hiểm thời gian qua gặp nhiều khó khăn và bảo hiểm phi nhân thọ cũng không ngoại lệ, nhưng đây vẫn là lĩnh vực được đánh giá còn dư địa phát triển trong dài hạn.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, Việt Nam luôn nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn đạt trên 9%. Bên cạnh đó, với tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam còn ở mức thấp nên dư địa khai thác còn rộng lớn, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15%/năm trong giai đoạn trước. BVSC cũng nhìn nhận, kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại các công ty bảo hiểm niêm yết trong năm 2021 sẽ là động lực tăng giá cho cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, để hoàn tất, ngoài việc các doanh nghiệp phải có công văn chính thức gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài theo quy định, còn một số điểm cần được làm rõ hơn. Cụ thể, theo hiệp định với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau 3 năm các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu (trừ bảo hiểm nhân thọ), gồm cả bảo hiểm y tế, trong khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010 có quy định, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (gồm bảo hiểm y tế) thuộc chức năng của bảo hiểm phi nhân thọ. Chính vì thế, doanh nghiệp bảo hiểm còn băn khoăn vấn đề này sẽ thực hiện theo quy định nào?