Đổi ngôi tốp đầu thị phần phi nhân thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch Covid dường như tác động nhất định tới bức tranh thị phần ngành bảo hiểm, MIC đang trở thành ngôi sao mới trên thị trường, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt so kè “ngôi vương”.
Bảo hiểm xe cơ giới đã không còn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2021. Bảo hiểm xe cơ giới đã không còn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm 2021.

Soán ngôi

Ngành bảo hiểm chưa bao giờ khắc phục được tình trạng chậm công bố dữ liệu cũng như sự khác biệt trong thống kê. Khi số liệu chính thức công bố chậm, các doanh nghiệp phải so nhau về thị phần nhờ các số liệu tự công bố, hoặc các nguồn thống kê “sơ bộ”.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 4.593 tỷ đồng, chiếm thị phần 15,52%; đứng thứ hai là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 4.490 tỷ đồng, chiếm thị phần 15,17%. Ba vị trí tiếp theo lần lượt là Bảo hiểm Bưu điện (PTI) với doanh thu ước đạt 3.022 tỷ đồng, chiếm thị phần 10,21%; Bảo hiểm Bảo Minh với doanh thu ước đạt 2.169 tỷ đồng, chiếm thị phần 7,33% và Bảo hiểm Quân đội (MIC) với doanh thu ước đạt 1.904 tỷ đồng, chiếm thị phần 6,43%.

Trước đó, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2020, hai vị trí dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 9.301 tỷ đồng, chiếm 16,9% thị phần và Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 7.547 tỷ đồng, chiếm 13,7% thị phần; ba vị trí kế tiếp lần lượt là PTI với doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng, chiếm 10,9% thị phần; Bảo hiểm Bảo Minh với doanh thu ước đạt 3.864 tỷ đồng, chiếm 7% thị phần và Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) với doanh thu ước đạt 3.479 tỷ đồng, chiếm 6,3% thị phần.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bảo hiểm sức khỏe còn cơ hội tăng trưởng và tiếp tục là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp phi nhân thọ.

Như vậy, có thể thấy, MIC đã vượt lên chiếm vị trí thứ 5 với thị phần bảo hiểm gốc tăng 0,83% trong 6 tháng đầu năm 2021 (tại thời điểm cuối năm 2020, doanh thu phí bảo hiểm gốc của MIC ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng, chiếm thị phần 5,6%), còn PJICO tụt xuống vị trí thứ 6 với doanh thu phí bảo hiểm gốc 6 tháng đầu năm ước đạt 1.713 tỷ đồng, chiếm thị phần 5,79% - giảm 0,51% so với cuối năm 2020.

Công bố chính thức của MIC cho thấy, 6 tháng đầu năm 2021, hãng bảo hiểm này ghi nhận tổng doanh thu phí đạt 2.045 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt trên 1.920 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gần 4 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ (6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 29.592 tỷ đồng, tăng trưởng 9,31% - theo thống kê của IAV). Việc vươn lên vị trí 5 thị phần bảo hiểm gốc trong nửa đầu năm 2021 cho thấy, MIC đang dần hiện thực hóa tham vọng nằm trong tốp 3 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất thị trường vào năm 2025 của mình.

Ngoài “ngôi sao mới” MIC, bức tranh thị phần bảo hiểm gốc của nhóm dẫn đầu còn chứng kiến sự đi lên của Bảo hiểm Bảo Minh khi thị phần tăng 0,33% để củng cố vị trí thứ 4 và đặc biệt là Bảo hiểm PVI với mức tăng thị phần lên tới 1,47% trong 6 tháng đầu năm nay, qua đó phả hơi nóng vào vị trí dẫn đầu của Bảo hiểm Bảo Việt.

Đó là thống kê của Bộ Tài chính và IAV, còn theo số liệu do doanh nghiệp công bố thì Bảo hiểm PVI đã vượt qua Bảo hiểm Bảo Việt để dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, Bảo hiểm PVI ước đạt 4.566 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc (theo báo cáo tài chính bán niên 2021 đã kiểm toán) và 5.443 tỷ đồng tổng doanh thu phí (theo công bố của doanh nghiệp), cao hơn con số của Bảo hiểm Bảo Việt với 4.481 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc (theo báo cáo tài chính bán niên hợp nhất trước soát xét) và 5.346 tỷ đồng tổng doanh thu phí (theo công bố của doanh nghiệp).

Về phía Bảo hiểm Bảo Việt, thống kê trên cho thấy, thị phần phí bảo hiểm gốc của nhà bảo hiểm này đã giảm tới 1,38% trong 6 tháng đầu năm nay.

Đòn bẩy bảo hiểm sức khỏe

Theo thống kê sơ bộ của IAV, 6 tháng đầu năm 2021, nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe ghi nhận doanh thu đạt 8.622 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,1% và tăng 6,19% so với cùng kỳ năm 2020; nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 8.525 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28,8% và tăng trưởng gần 2%. Như vậy, bảo hiểm sức khỏe đã vượt qua bảo hiểm xe cơ giới để vươn lên vị trí dẫn đầu về tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 6 tháng qua.

Đứng ở vị trí thứ 3 là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản thiệt hại khi ghi nhận doanh thu đạt 4.376 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14,8% và tăng trưởng 17,73%. Tiếp theo đó là nghiệp vụ bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 3.718 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,6% và tăng trưởng 16,44% (trong đó bảo hiểm cháy nổ bắt buộc là 2.855 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,7% và bảo hiểm cháy nổ tự nguyện là 863 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,9%); bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 1.372 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,6% và tăng trưởng 22,28%; bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 1.324 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,5% và tăng trưởng 19,35%...

Đánh giá tiềm năng của 2 nghiệp vụ chủ chốt là bảo hiểm sức khỏe và xe cơ giới trong những tháng cuối năm 2021, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, bảo hiểm sức khỏe còn cơ hội tăng trưởng và tiếp tục là nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp phi nhân thọ. Sự lo lắng cho sức khỏe khi dịch bệnh lây lan rộng là đòn bẩy cho sản phẩm bảo hiểm này. Ở chiều ngược lại, bảo hiểm xe cơ giới được cho là sẽ tiếp tục chững lại do sự sụt giảm của doanh thu bán xe cơ giới cũng như thu nhập vì ảnh hưởng dịch, khiến cho khách hàng cắt giảm nhu cầu mua bảo hiểm xe.

Cũng theo của IAV, dòng sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tăng trưởng 85% trong 6 tháng đầu năm nay, tập trung ở cả 2 phân khúc cá nhân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dành ngân sách mua các gói bảo hiểm sức khỏe, đặc biệt là những sản phẩm có quyền lợi liên quan đến Covid, để tặng cho cán bộ nhân viên nhằm mục đích vừa bảo vệ, vừa tránh được việc phải bỏ chi phí hỗ trợ cho người lao động khi họ không may bị nhiễm bệnh với mức phí không quá lớn. Đối với khách hàng, khi nhu cầu bảo vệ sức khỏe tăng cao, việc tặng các gói bảo hiểm sức khỏe đi kèm sẽ giúp nhà bảo hiểm tăng thu hút khách hàng mua các sản phẩm bảo hiểm khác.

Hiện nay, nhiều nhà bảo hiểm rất nhạy bén trong việc xây dựng và đóng gói các sản phẩm bảo hiểm có quyền lợi bảo vệ liên quan đến dịch bệnh để thu hút khách hàng. Các sản phẩm chủ yếu theo hướng đơn giản, tập trung vào một số quyền lợi chính đang được quan tâm hiện nay là dịch bệnh, nằm viện…, với mức phí dưới 1 triệu đồng/năm. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, việc đóng gói sản phẩm bảo hiểm theo hướng này đáp ứng trúng nhu cầu muốn được bảo vệ của người dân khi dịch bệnh đang lây lan nhanh, đồng thời là nguồn hỗ trợ tài chính cho khách hàng khi không may gặp những vấn đề về sức khỏe. Đáng chú ý, mặc dù sản phẩm được đóng gói với mức phí thấp để phù hợp với tình hình khó khăn hiện tại, nhưng các quyền lợi bảo hiểm vẫn được xây dựng rất hấp dẫn, với mức chi trả có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục