2 tháng, tổng số phí qua môi giới bảo hiểm đạt 1.476 tỷ đồng
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc PJICO cho biết, việc hợp tác với các nhà môi giới bảo hiểm đã được Công ty thực hiện trong 5 năm qua.
“Kể từ khi thành lập phòng môi giới - bancas năm 2012, doanh thu bán qua kênh môi giới đã cải thiện đáng kể, từ mức 7 tỷ đồng đã tăng lên 140 tỷ đồng (trên quy mô tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc hơn 2.611 tỷ đồng) vào năm 2017", ông Hải nói và chia sẻ thêm, hiện tại, không chỉ các công ty môi giới trong nước, PJICO còn hợp tác với nhiều nhà môi giới nước ngoài như Aon, Mash, JLT..., và mảng này sẽ tiếp tục được thúc đẩy trong năm nay.
Ngoài PJICO, nhiều hãng bảo hiểm phi nhân thọ khác như Bảo hiểm Bảo Việt, PVI... cũng có kế hoạch tăng cường hợp tác với các nhà môi giới bảo hiểm cả trong và ngoài nước.
Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới bảo hiểm của khối phi nhân thọ trong 2 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.476 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, phí bảo hiểm thu xếp gốc là 1.053 tỷ đồng (tăng 17,3%), phí tái bảo hiểm thu xếp là 423 tỷ đồng (tăng 55,7%).
Tăng cường hợp tác với công ty tài chính
Một vài năm trước đây, trên thị trường, chỉ có VASS và Bảo Minh tiên phong trong việc hợp tác với các công ty tài chính. Các hãng khác dù được chào mời nhưng vẫn tỏ ra ngần ngại do còn băn khoăn về tính pháp lý, cũng như rủi ro bảo hiểm đối với khách hàng của các công ty tài chính.
Tuy nhiên, trong năm qua, đã có thêm một số hãng bảo hiểm bắt tay với những công ty tài chính để cung cấp dịch vụ cho các khách hàng của khối này. Chẳng hạn, trong bản giới thiệu sản phẩm bảo hiểm người vay tín dụng cá nhân của Fe Credit, ngoài VASS, đã có sự tham gia của BSH và PJICO. Tương tự, tại bản chào sản phẩm bảo hiểm tai nạn cho người vay tín dụng cá nhân của Home Credit, xuất hiện thêm GIC, PTI bên cạnh Bảo Minh.
Trong bối cảnh thị trường cạnh trạnh gay gắt, để cải thiện nguồn thu, mở rộng kênh phân phối là một trong những giải pháp và các công ty tài chính được đánh giá là đối tác tiềm năng, đặc biệt khi được chính "người trong cuộc" thừa nhận rằng, việc hợp tác giúp mang lại nguồn phí bảo hiểm không nhỏ. Do đó, việc các công ty bảo hiểm hợp tác với các công ty tài chính là có thể hiểu được.
Dù vậy, theo chia sẻ của những hãng bảo hiểm đã và đang mở rộng khâu trung gian, sự thận trọng vẫn được đề cao. Thông tin từ PJICO cho hay, năm qua, Công ty đã chủ động loại bỏ các dịch vụ có nguy cơ gây tổn thất cao qua kênh môi giới. Theo đó, một số dịch vụ bảo hiểm cho các đối tác như Formosa Hà Tĩnh, Big C, Vinawood, Nhà máy bao bì Box Pak… đã bị từ chối tái tục.
“Việc không tái tục một số dịch vụ bảo hiểm tuy làm hụt đi khoảng 20 tỷ đồng tiền phí bảo hiểm, tương đương gần 15% doanh thu của năm 2017, nhưng doanh thu mảng khai thác qua môi giới bảo hiểm vẫn đạt 143 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2016”, ông Đào Nam Hải nói và cho biết thêm, các khách hàng bán qua kênh môi giới tại PJICO hiện đều là những tổ chức/doanh nghiệp nước ngoài, có uy tín, quản trị tốt nên triển vọng vẫn khả quan.
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa diễn ra, lãnh đạo Bảo Minh cho biết, nguồn thu phí bảo hiểm từ đối tác chiến lược Home Credit đã đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh của Công ty nhờ có tỷ lệ rủi ro thấp.
"Tuy nhiên, do nguồn thu từ kênh này chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu nên việc phát triển doanh thu sẽ bị ảnh hưởng một khi chính sách tín dụng của cơ quan quản lý thay đổi. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh bằng chi phí cũng là yếu tố tác động lên tăng trưởng doanh thu", vị lãnh đạo này nói.