Với mục tiêu đặt hiệu quả hoạt động lên hàng đầu, thời gian qua, BIC đã đưa ra chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, từ chối không tiếp cận nhiều dịch vụ có mức rủi ro cao. Ngay cả với BIC Healthcare - một trong những sản phẩm bảo hiểm chủ lực của BIC thời gian qua, hãng này cũng chủ động thắt chặt…
Tất nhiên, với chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ, lựa chọn các dịch vụ có mức độ rủi ro phù hợp, đặc biệt là kiểm soát các nghiệp vụ có rủi ro cao như bảo hiểm sức khỏe con người, bảo hiểm xe cơ giới... vốn đang cạnh tranh khốc liệt, BIC cũng đã cân nhắc kỹ bài toán chất lượng và tăng trưởng.
Lý do là bởi việc ưu tiên tính hiệu quả thông qua thắt chặt rủi ro cũng chính là nguyên nhân khiến tổng doanh thu phí bảo hiểm của riêng Công ty mẹ BIC năm 2017 tăng trưởng không đạt như kỳ vọng.
Đại diện BIC cho biết, việc hãng chủ động từ chối nhiều dịch vụ từ nhóm rủi ro cao còn xuất phát từ thực tế nhiều nhà tái bảo hiểm đã thắt chặt đối với những sản phẩm bảo hiểm thuộc nhóm 4 và nhóm 5 (nhóm có rủi ro cao).
Theo vị đại diện này, việc không “nới tay” với tăng tỷ lệ bồi thường, không chấp nhận rủi ro cao, mà vẫn muốn đảm bảo tốc độ tăng trưởng doanh thu cao và giữ vững thị phần là bài toán hóc búa đối với BIC, song không phải là không có giải pháp.
"Năm 2018, để đảm bảo các chỉ tiêu đề ra, BIC sẽ tiếp tục điều chỉnh và cơ cấu lại danh mục sản phẩm cho phù hợp hơn; tập trung vào nhóm khách hàng mục tiêu gồm khách hàng của Ngân hàng mẹ BIDV là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhóm khách hàng cá nhân (có thu nhập cao ổn định ở địa bàn đô thị); tập trung cho nhóm sản phẩm chủ lực như bảo hiểm tài sản kỹ thuật; mở rộng các nguồn khách hàng mới thông qua nhiều kênh bán hàng khác nhau, trong đó chú trọng các sản phẩm bán lẻ như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người…", vị đại diện BIC chia sẻ.
Tại Bảo Minh, với chủ trương quyết liệt giảm khai thác nhóm khách hàng và sản phẩm bảo hiểm vật chất xe có tần suất bồi thường cao phân cấp tại các công ty thành viên, lãnh đạo hãng bảo hiểm này cho biết, sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để phát triển kinh doanh đối với nhóm nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả cao, đồng thời phát triển hệ thống phân phối qua kênh bancassurance, mở rộng các đại lý liên kết...
"Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng trong năm nay, Bảo Minh sẽ chú trọng công tác đánh giá hiệu quả nghiệp vụ theo từng đơn vị, vùng miền để điều chỉnh chi phí khai thác, hướng đến mục tiêu lãi nghiệp vụ cho nhóm sản phẩm bảo hiểm truyền thống. Cùng với đó là dạng hóa các sản phẩm có hiệu quả như bảo hiểm cháy nổ (Cat 1-2-3), bảo hiểm chung cư, nhà cao tầng, bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm tín dụng…", lãnh đạo Bảo Minh nói.
Đa dạng hóa sản phẩm để vừa duy trì đà tăng trưởng, vừa kiểm soát được rủi ro cũng là chiến lược mà PTI đang thực hiện. Thời gian gần đây, hãng bảo hiểm này liên tục đưa ra những sản phẩm khác biệt, dành cho nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Mặc dù có những động thái và nhiều cam kết giảm tỷ lệ bồi thường, nhưng thực tế cho thấy hầu hết mới là các "tuyên bố suông", đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn lỗ nghiệp vụ. Việc bán hàng bằng mọi giá là điều diễn ra phổ biến khi áp lực chỉ tiêu doanh thu vẫn ngày càng tăng với chi nhánh và đại lý bảo hiểm.