Bảo hiểm phi nhân thọ nỗ lực “kéo khách” bằng bảo hiểm sức khỏe quốc tế

(ĐTCK) Trước nhu cầu chăm sóc y tế chất lượng cao, đặc biệt là chữa bệnh ở nước ngoài, ngày một lớn của người dân, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã hợp tác với các đối tác nước ngoài để cho ra các sản phẩm sức khỏe mang tính quốc tế.
Nhu cầu được chữa bệnh ở nước ngoài của người dân ngày càng lớn Nhu cầu được chữa bệnh ở nước ngoài của người dân ngày càng lớn

Mới đây, Bảo hiểm Bảo Việt đã hợp tác với PGH (công ty chuyên về chăm sóc sức khỏe toàn cầu) và Scor Re (tập đoàn tái bảo hiểm đến từ Pháp) ra mắt sản phẩm Bảo hiểm ưu việt cho bệnh ung thư và tim mạch.

Sản phẩm được thiết kế dành riêng cho khách hàng nhóm là cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, giúp bảo vệ trước 2 căn bệnh hiểm nghèo là tim mạch và ung thư, với mức bảo lãnh trực tiếp và chi trả chi phí điều trị là 2 triệu USD mỗi năm; chi phí di chuyển và ăn ở cho bệnh nhân và một người đồng hành được trợ cấp là 20.000 USD/đợt điều trị…

Không nhắm vào sản phẩm bảo hiểm sức khỏe chuyên biệt, Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) đưa ra sản phẩm có quyền lợi bảo hiểm khám chữa bệnh ở nước ngoài theo hướng lồng ghép, đó là gói bảo hiểm du lịch quốc tế, trong đó có quyền lợi điều trị bệnh ở nước ngoài. Với riêng gói bảo hiểm sức khỏe và tai nạn quốc tế, BSH đồng bảo hiểm với PTI.

Tương tự, PVI dự kiến ra mắt sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và tai nạn quốc tế trong tuần này.

Theo Bảo hiểm Bảo Việt, trên thị trường hiện nay, chưa có sản phẩm bảo hiểm chuyên biệt dành cho bệnh ung thư và tim mạch có phạm vi nước ngoài. Một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có chi trả quyền lợi của bệnh hiểm nghèo tại nước ngoài, nhưng bao gồm nhiều loại bệnh, chứ không tập trung vào ung thư và tim mạch, chủ yếu ở dạng quyền lợi kèm theo khi mua bảo hiểm nhân thọ.

Tất nhiên, với sản phẩm bảo hiểm quốc tế, các sản phẩm như của Bảo hiểm Bảo Việt không mới. Cuối tháng 7/2015, PJICO đã bắt tay với Tập đoàn AXA cho ra sản phẩm bảo hiểm sức khỏe quốc tế Care Plus, với quyền lợi 42 tỷ đồng/người/năm, bảo hiểm cho cả những trường hợp đặc biệt như bệnh bẩm sinh và bệnh có sẵn, bệnh HIV/AIDS…

Sau đó, vào cuối năm 2015, AIG cũng cho ra mắt chương trình bảo hiểm AIG Globalhealth với tổng mức bảo hiểm lên đến 63 tỷ đồng/năm, được thiết kế dành cho cá nhân, hoặc nhóm nhân viên trong tổ chức, công ty...

Thực tế cho thấy, dù khác nhau về nhiều mặt như loại hình sản phẩm (chuyên biệt hay không chuyên biệt), hình thức bán (khách hàng cá nhân hay khách hàng nhóm), kênh bán (bán trực tiếp hay qua môi giới bảo hiểm), hay phạm vi được bảo hiểm (toàn cầu hay một quốc gia nhất định), song loại sản phẩm bảo hiểm cao cấp vốn được ví như “tấm hộ chiếu” cho sức khỏe của người tham gia bảo hiểm này đã thu hút sự quan tâm nhất định của khách hàng, nhất là người có điều kiện về tài chính và thường xuyên ra nước ngoài.

Ngoài ra, kết quả bán được cũng góp phần cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, PJICO cho biết, sản phẩm CARE PLUS bán khá tốt do đây là sản phẩm mở rộng, phạm vi và quyền lợi bảo hiểm có sự linh hoạt, với nhiều gói sản phẩm có hạn mức khác nhau và khách hàng có thể khám chữa bệnh trên toàn cầu với số tiền bảo hiểm hiểm cao.

“Dù gia nhập thị trường chưa lâu, Care Plus đã có một số khách hàng lớn, ở nhiều lĩnh vực như trường học quốc tế (CIS), ngân hàng (VPbank, Vietnam-Russia Bank), doanh nghiệp (Dragon Capital, VNG, Prime)… Theo đó, doanh thu từ sản phẩm này năm 2016 mang lại gần 10 tỷ đồng cho PJICO, dự kiến sẽ tăng cao hơn trong năm 2017 và các năm tới”, đại diện PJICO cho hay.

Cũng theo vị đại diện PJICO, sau hơn 2 năm triển khai, dù được khách hàng đón nhận, nhưng Care Plus vẫn còn điểm hạn chế và hãng đang nỗ lực khắc phục để hoàn thiện sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh.

Đây cũng là vấn đề mà Bảo hiểm Bảo Việt đang tính tới. Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho hay: “Không khống chế độ tuổi, sản phẩm của chúng tôi được bảo hiểm gần như trọn đời (khách hàng có thể tham gia từ lúc 1 tuổi đến 74 tuổi và tái tục đến 99 tuổi)”.

Giải thích về hạn chế của sản phẩm bảo hiểm bị bó hẹp ở các bệnh viện trên nước Mỹ, theo ông Hưng, là bởi chi phí khám chữa bệnh tại đây khá cao và một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe quốc tế hiện có trên thị trường loại trừ khu vực nước Mỹ, nên việc thiết kế sản phẩm chuyên biệt này nhằm bù đắp điểm “hụt”, giúp người bệnh có thêm cơ hội điều trị.

“Khi tham gia bảo hiểm nhóm, nhân viên sau khi về hưu đến 99 tuổi vẫn được bảo hiểm nếu chuyển sang đơn bảo hiểm cá nhân. Hơn nữa, khách hàng được hưởng mức phí ưu đãi hơn khi tham gia bảo hiểm nhóm”, ông Hưng lý giải việc sản phẩm chỉ dành cho khách hàng nhóm.    

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục