Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt và Công ty Tái bảo hiểm Munich vừa ra mắt sản phẩm bảo hiểm “Bão nhiệt đới” (One Storm), lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
One Storm là sản phẩm bảo hiểm cho rủi ro do bão nhiệt đới, bảo vệ cho các loại tài sản cố định trong giai đoạn xây dựng và hoạt động được xác định bằng địa điểm bảo hiểm cụ thể, chính xác (vĩ độ, kinh độ) cả trên đất liền và ngoài khơi.
Không giống như các sản phẩm bảo hiểm truyền thống chỉ bảo vệ cho thiệt hại về vật chất, One Storm chi trả bồi thường nhanh ngay cả khi có thiệt hại phi vật chất phát sinh. Công ty bảo hiểm có thể kiểm tra việc kích hoạt thanh toán bồi thường ngay sau khi xảy ra cơn bão tại trang web: onestorm.munichre.com, dữ liệu được xác định và kiểm tra bởi một bên thứ ba độc lập là Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA).
“Sản phẩm hướng tới phân khúc khách hàng là các tổ chức, nhà máy năng lượng điện, các tập đoàn lớn, các nhà máy công nghiệp và các cơ quan chính phủ, với hạn mức bồi thường từ 10 - 100 tỷ đồng cho mỗi địa điểm được bảo hiểm.
Khách hàng không chỉ được bảo hiểm cho các tài sản cố định theo 5 cấp độ của bão, mà còn được yêu cầu bồi thường cho các tổn thất phi vật chất như chi phí mất lợi nhuận do gián đoạn kinh doanh, chi phí phòng chống bão, chi phí làm thêm giờ, chi phí giải quyết tổn thất do bão gây ra”, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bảo Việt cho biết.
Trước đó, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) triển khai sản phẩm bảo hiểm chống hành vi gian lận và tội phạm máy tính, điện tử (BBB và ECC), bảo hiểm bắt cóc và tiền chuộc (K&R).
Sản phẩm BBB và ECC được nhận định là cần thiết trong bối cảnh tại Việt Nam hiện có hơn 100 ngân hàng, 16 công ty tài chính và 11 tổ chức tài chính cho vay, doanh thu của ngành ngân hàng - tài chính không ngừng gia tăng qua các năm, xảy ra không ít gian lận, tội phạm máy tính, điện tử, gây thiệt hại lớn về tiền cũng như uy tín của các tổ chức tín dụng.
MIC chia sẻ, việc ra đời sản phẩm BBB và ECC xuất phát từ nhu cầu thực tế nên sau khi ra mắt đã thu hút được sự quan tâm của các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm bảo hiểm phức tạp, để đảm bảo trong việc quản lý rủi ro, MIC sẽ hợp tác với các công ty bảo hiểm có kinh nghiệm như ACE, AIG, đồng thời dịch vụ được thu xếp bởi các nhà tái bảo hiểm uy tín.
Bên cạnh động thái ra mắt sản phẩm “độc, lạ”, một số doanh nghiệp bảo hiểm còn triển khai hình thức bán hàng mới như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) bán sản phẩm bảo hiểm 24/7 qua thẻ cào (được bán tại các cửa hàng xăng dầu Petrolimex) từ tháng 8 vừa qua. Theo đó, khách hàng chỉ cần gửi tin nhắn đến tổng đài 8088 từ số điện thoại của nhà mạng bất kỳ sẽ kích hoạt được bảo hiểm.
Thông tin từ bộ phận chăm sóc khách hàng PJICO cho hay, hình thức bán hàng mới nhận được phản hồi tích cực từ phía khách hàng do tiện lợi hơn so với cách bán truyền thống. Khách hàng dễ mua thẻ cào do hệ thống đại lý rộng lớn, kích hoạt bảo hiểm với 1 tin nhắn đơn giản, giấy chứng nhận online, kiểm tra thông tin bảo hiểm dễ dàng.
Tuy nhiên, khả năng trục lợi bảo hiểm cao, nên định hướng của Công ty khi bán sản phẩm bảo hiểm 24/7 là đa dạng hóa kênh bán hàng, người mua bảo hiểm dễ tiếp cận được sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm này mang tính nhân văn nhiều hơn là mục đích kinh doanh.
Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cùng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam luôn quan tâm tới việc phát triển, cải tiến sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ dựa trên tiềm năng sẵn có.
Tại Hội nghị CEO ngành bảo hiểm phi nhân thọ tổ chức gần đây, một số nội dung liên quan đến sản phẩm mới được thống nhất đưa ra đó là: Các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu cải tiến sản phẩm bảo hiểm sức khỏe để cạnh tranh với bảo hiểm y tế khi đến năm 2020 dự kiến có 90% dân số được bảo hiểm y tế; nghiên cứu phát triển bảo hiểm khách du lịch lữ hành (hiện nay, khách quốc tế đạt khoảng 7,95 triệu người/năm, khách trong nước 30 triệu người/năm, các hoạt động du lịch mạo hiểm đang ngày tăng).
Ngoài ra, dựa trên thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam về rau, hoa quả, động vật tươi sống, cần nghiên cứu triển khai bảo hiểm hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.