Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng khả quan

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận đà tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2017, nhờ các doanh nghiệp bung mở các kênh bán hàng và sản phẩm có thế mạnh.
6 tháng đầu năm, nhờ doanh thu từ kênh bancassuarance tăng trưởng tới 52%, MIC đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 17% so với cùng kỳ 2016
6 tháng đầu năm, nhờ doanh thu từ kênh bancassuarance tăng trưởng tới 52%, MIC đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 17% so với cùng kỳ 2016

Số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 19.340 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10% so với năm trước.

Xét theo nhóm nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới (bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện) vẫn tiếp đóng góp doanh thu cao nhất vào tổng doanh thu của khối, với 34%. Tiếp đến là bảo hiểm sức khỏe (bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm y tế, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe) đóng góp 27%, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đóng góp 14%, bảo hiểm cháy nổ (bắt buộc và tự nguyện) là 9%, còn lại là doanh thu đến từ các nghiệp vụ bảo hiểm khác.

Trong bối cảnh tích cực chung của thị trường, hầu hết các công ty đều đạt kế hoạch kinh doanh đề ra. Cụ thể, Tổng công ty Bảo hiểm PVI 6 tháng đầu năm 2017 đạt tổng doanh thu 4.308 tỷ đồng, hoàn thành 52,5% kế hoạch năm.

Bảo Minh 6 tháng đầu năm 2017 tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.837 tỷ đồng, tăng trưởng 14,10% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.624 tỷ đồng, tăng trưởng 12,44% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh thu nhận tái bảo hiểm đạt 212,09 tỷ đồng, tăng trưởng 28,67% so với cùng năm ngoái.

Tính đến hết tháng 6/2017, tổng doanh thu của Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội  (MIC) đạt 1.016 tỷ đồng, tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 47% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 74,2 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Hãng bảo hiểm này quyết liệt thực hiện phương châm tăng trưởng nhanh – khác biệt – bền vững với việc khai thác rất hiệu quả các kênh bán hàng, sản phẩm có thế mạnh, như bancassuarance tăng trưởng 52%, bảo hiểm con người tăng trưởng 14%... 

6 tháng đầu năm, Bảo hiểm BIC có doanh thu phí bảo hiểm gốc tăng trưởng gần 10%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 91,8 tỷ đồng, hoàn thành 49,4% kế hoạch năm. Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2016, BIC đã có lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo lý giải của ông Trần Hoài An, lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có được là nhờ sự tập trung, nỗ lực của BIC trong nhiều năm qua đối với việc cơ cấu lại sản phẩm, kiểm soát các chi phí hoạt động, chi phí bồi thường và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí.

BIC, Bảo Minh hay Liberty và một vài doanh nghiệp bảo hiểm khác bên cạnh kênh đại lý vẫn đang theo đuổi chiến lược đẩy mạnh bán bảo hiểm qua kênh trực tuyến. Trong khi đó, vẫn tiếp tục chiến lược bán lẻ, PTI cũng vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với  Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán điện lực và viễn thông (ECPay).

Theo nội dung thỏa thuận hợp tác, PTI sẽ xây dựng và phát triển các sản phẩm bảo hiểm bán lẻ với nhiều quyền lợi ưu việt hơn thông qua mạng lưới điểm giao dịch của ECPay.

Sau khi ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược, ECPay trở thành đại lý độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ PTI qua hệ thống điểm giao dịch của ECPay trên toàn quốc.

“Việc mở rộng hợp tác với ECPay không chỉ giúp phát huy thế mạnh của hai bên, mà còn giúp PTI có cơ hội giới thiệu sản phẩm thông qua mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp của ECPay trên toàn quốc”, đại diện PTI cho biết.

Theo các chuyên gia trong ngành,  6 tháng cuối năm, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tiếp tục cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là trong nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới. Năm 2017, thị trường chứng kiến sự “trỗi dậy” ngoạn mục của một trong những doanh nghiệp hàng đầu thị trường khi doanh nghiệp này tung ra một loạt chiến dịch bán hàng…

Điều này khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác gặp không ít khó khăn khi triển khai bán hàng. Kênh bán hàng trực tuyến cũng ngày càng quyết liệt khi một loạt doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu đều bung hết các chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, xu hướng khuyến mại khủng cho khách hàng mua trực tuyến sẽ không thể kéo dài lâu, do ảnh hưởng đến lợi nhuận, hiệu quả của các doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó, chắc chắn trong thời gian tới, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải tìm cách đóng gói, đơn giản hóa sản phẩm để phù hợp với các nhu cầu của khách hàng.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục