Bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể lạc quan về tỷ lệ bồi thường

(ĐTCK) Dù tỷ lệ bồi thường gốc của toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2016 theo thống kê của các cơ quan chức năng đã giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng xét theo từng nghiệp vụ và nhìn vào những vụ tổn thất đã xảy ra trong thời gian qua,  các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa thể lạc quan.
Bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể lạc quan về tỷ lệ bồi thường

Tổn thất liên tiếp ở những nghiệp vụ có doanh thu cao như bảo hiểm xe cơ giới, cháy nổ trong quý II/2016 và tỷ lệ tổn thất dự báo sẽ tăng cao ở một số nghiệp vụ khác do thay đổi chính sách khiến nhiều doanh nghiệp e ngại tỷ lệ bồi thường của thị trường này sẽ tăng trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ bồi thường gốc của toàn thị trường giảm còn 27% (cùng kỳ năm ngoái là 38%). Sự sụt giảm này đươc nhận định là do bồi thường bảo hiểm gốc của PVI giảm mạnh khi cùng kỳ năm ngoái có bồi thường một số vụ việc có giá trị lớn liên quan đến bảo hiểm dầu khí.

Dù tỷ lệ bồi thường gốc những tháng đầu năm đang giảm xuống mức khá đẹp, nhưng ở từng nghiệp vụ, tỷ lệ bồi thường tính cả dự phòng bồi thường vẫn còn ở mức khá cao. Chẳng hạn như tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm cơ giới là 81% so với cùng kỳ 80% của năm ngoái. Dù tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ bồi thường 80% là mức cao so với các nghiệp vụ khác. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tình hình đường xá giao thông, công tác quản lý bồi thường, quản lý giá cả sửa chữa tại các gara còn kém và các vụ trục lợi bảo hiểm là những nguyên nhân khiến tỷ lệ bồi thường ở nghiệp vụ này luôn ở mức cao.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm cơ giới trong 6 tháng đầu năm dự kiến vẫn ở mức cao vì trong quý II/2016, nghiệp vụ này cũng đã xảy ra rất nhiều tổn thất về xe sang cá nhân cũng như xe khách đường dài, ngập lụt…

Một nghiệp vụ khác có doanh thu cao sau bảo hiểm cơ giới là bảo hiểm sức khỏe dù 3 tháng đầu năm tỷ lệ bồi thường có giảm 44% so với mức 52% của cùng kỳ năm trước (số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam), nhưng các chuyên gia trong ngành cũng e ngại tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm sức khỏe lại có nguy cơ tăng cao trong những thời gian tới do bắt đầu có sự điều chỉnh giá viện phí và giá một số loại thuốc…

Bồi thường của bảo hiểm tài sản thiệt hại cũng như bảo hiểm cháy nổ trong 3 tháng đầu năm cũng đã giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, tỷ lệ bồi thường của bảo hiểm tài sản thiệt hại là 58%, giảm nhiều so với tỷ lệ tăng vột năm trước do sự cố ở khu công nghiệp Đồng Nai, Bình Dương…; Bảo hiểm cháy nổ tỷ lệ bồi thường cũng giảm xuống mức 75% so với con số 193%  cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ bồi thường này có thể thay đổi vì những rủi ro bất thường có thể xảy ra trong thời gian từ giờ đến cuối năm. Hàng hóa vận chuyển có tỷ lệ bồi thường tăng hơn so với cùng kỳ năm với tỷ lệ bồi thường là 77%, cùng kỳ năm trước là 65%. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này tăng vì quý I/2016 có nhiều sự kiện bồi thường liên quan đến hàng hóa vận chuyển…   

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nói rằng, số liệu về tỷ lệ bồi thường 3 tháng đầu năm có thể thấp hơn so cùng kỳ nhưng tỷ lệ này được dự báo có thể tăng cao hơn trong 6 tháng, vì từ đầu năm tới nay có nhiều vụ thiệt hại, bão lũ, cháy nổ… gây tổn thất lớn đã xảy ra.

Hơn nữa, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang tồn tại một thực tế là tăng trưởng doanh thu đồng nghĩa với trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn hơn, trong khi đó nhân lực về bồi thường trên thị trường đang khan hiếm (và có sự cạnh tranh thu hút nhân lực của nhau rất khắc nghiệt) nên tốc độ giải quyết của các công ty bảo hiểm bị chậm lại, hồ sơ tồn đọng nhiều hơn so với cùng kỳ…. Những khó khăn, bất cập này khiến các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chưa thể thực sự lạc quan về tỷ lệ bồi thường.

Ngọc Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục