Bảo hiểm nỗ lực giữ tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh kéo dài, thu nhập giảm sút, nên mọi quyết định chi tiêu đều được cân nhắc rất thận trọng và với bảo hiểm, quyết định mua mới hay đóng phí cũng không ngoại lệ.
Kịp thời ứng phó với dịch bệnh giúp ngành bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng cao. Ảnh : Dũng Minh Kịp thời ứng phó với dịch bệnh giúp ngành bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng cao. Ảnh : Dũng Minh

Tổng doanh thu phí 7 tháng của ngành vẫn tăng trưởng 2 con số

Dù gặp những yếu tố bất lợi, nhưng bằng nhiều giải pháp linh hoạt từ các chương trình hỗ trợ chi phí cho khách hàng không may mắc Covid-19 đến các dịch vụ 4.0 kết nối với khách hàng…, ngành bảo hiểm vẫn là ngành hiếm hoi giữ được “màu xanh” tăng trưởng.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều công ty bảo hiểm nhìn nhận, tình hình khó khăn chung nên sẽ có nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, lường trước những tình huống này, nhà bảo hiểm đã rất nhanh chóng và linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ cho khách hàng.

Theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ đội ngũ sales tăng cường các hình thức tiếp cận khách hàng trực tuyến, giao dịch hồ sơ qua ứng dụng (app) để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, nhiều công ty bảo hiểm như BIDV MetLife, Dai-ichi Life, FWD, Manulife hay AIA… quyết định kéo dài thời gian hoặc bổ sung thêm ngân sách vào chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tham gia bảo hiểm trong tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay, Dai-ichi Life Việt Nam còn mở rộng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm/khám tại nhà và dịch vụ khám trực tuyến dành cho khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Trong khi đó, AIA Việt Nam cũng chính thức triển khai Quy trình tư vấn và cung cấp dịch vụ từ xa thông qua ứng dụng tích hợp nhiều công nghệ hiện đại để đội ngũ tư vấn viên của Công ty có thể tư vấn và hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bảo hiểm từ xa, mà không cần trực tiếp gặp mặt khách hàng…

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm trong 7 tháng qua ước đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 12,71% (trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước chi trả 18.207 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 11.455 tỷ đồng).

(Nguồn Bộ Tài chính)

Không chỉ khối nhân thọ, khối bảo hiểm phi nhân thọ cũng đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, thiết thực cho cả khách hàng và đội ngũ kinh doanh của mình để vừa đảm bảo hỗ trợ khách hàng, vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Cùng với chiến lược cắt giảm các chi phí không cần thiết tập trung vào việc giảm phí ưu đãi cho khách hàng trong bối cảnh khó khăn này, đặc biệt là các chương trình giảm phí trên các mô hình bán hàng online, các doanh nghiệp khối phi nhân thọ đang đẩy nhanh hơn chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp và tập đoàn để mở rộng khai thác bảo hiểm.

Chẳng hạn, Mai Linh là đối tác độc quyền khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật, cháy nổ… của Bảo hiểm Bưu điện (PTI); Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cũng xúc tiến hợp tác với nhiều đối tác lớn như Vinfast, Hyundai Thành Công, Savico-ADD Group để thúc đẩy khai thác bán qua kênh đại lý tổ chức… Nhờ những nỗ lực này, ngành bảo hiểm vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 7 tháng qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm tính đến hết tháng 7/2021 ước đạt 116.196 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm đạt 96.800 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành này cũng đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 517.145 tỷ đồng, tăng 23,39% so với cùng kỳ năm 2020.

Kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng 2 con số trong 7 tháng qua của ngành bảo hiểm được nhìn nhận tích cực trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều áp lực trước tác động của dịch bệnh khi nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch lây lan, trong đó có 2 thành phố lớn nhất là TP.HCM và Hà Nội. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn khá thận trọng về kế hoạch kinh doanh thời gian tới bởi khó khăn vẫn đang ở phía trước.

Nhiều phương án hỗ trợ khách hàng

Nhằm thu hút khách hàng mới và hóa giải những khó khăn trong việc khó tiếp xúc khách hàng để tái tục hợp đồng trong thời gian dịch bệnh giãn cách, các doanh nghiệp phi nhân thọ đã liên tục tung ra nhiều khuyến mãi giảm phí cho khách hàng và các chương trình hỗ trợ riêng cho khách hàng vùng dịch bệnh nghiêm trọng.

Đối với khối nhân thọ, vì đặc thù hợp đồng đóng phí dài hạn nên ngoài các phương án kết nối với khách hàng mới, các doanh nghiệp cũng có nhiều giải pháp cho khách hàng hiện hữu gặp khó khăn tạm thời. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, bên cạnh thực hiện quyền lợi gia hạn đóng phí hợp đồng, nếu khó khăn hơn, khách hàng có thể yêu cầu công ty bảo hiểm cho phép sử dụng quyền lợi tạm ứng giá trị hoàn lại.

Cụ thể, đối với sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm trọn đời và bảo hiểm hỗn hợp, khách hàng có thể sử dụng phương án “tạm ứng tự động từ giá trị hoàn lại để thanh toán phí bảo hiểm định kỳ”, sau đó thì hoàn trả tạm ứng.

Nếu nhận thấy khả năng tài chính bị sụt giảm trong dài hạn, khách hàng có thể cân nhắc quyền lợi “giảm mệnh giá” để giảm bớt số phí phải đóng định kỳ cho đến khi ổn định được tài chính thì đề nghị tăng mệnh giá trở lại. Ngoài ra, để trang trải chi phí sinh hoạt tạm thời, khách hàng còn có thể sử dụng quyền lợi “tạm ứng tiền mặt”, sau khi tài chính ổn định lại thì hoàn trả tạm ứng.

Tính đến hết tháng 7/2021, tổng doanh thu phí của ngành bảo hiểm ước đạt 116.196 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, vì diễn biến dịch bệnh vẫn còn phức tạp và khó khăn vẫn còn ở phía trước nên từ giờ đến cuối năm có giữ được tốc độ tăng trưởng này hay không vẫn rất khó dự đoán.

Đối với các hợp đồng liên kết chung (UL), với tính chất đóng phí linh hoạt hơn so với hợp đồng truyền thống, khách hàng có thể sử dụng quyền lợi “tạm thời ngưng đóng phí” nếu vẫn đảm bảo “giá trị tài khoản hợp đồng” lớn hơn 0, thậm chí hợp đồng vẫn còn hiệu lực thêm một số ngày (tùy doanh nghiệp bảo hiểm) cho phép gia hạn đóng phí sau khi giá trị tài khoản hợp đồng bắt đầu nhỏ hơn 0; hoặc quyền lợi “tạm ứng tiền mặt” hay “rút một phần giá trị tài khoản hợp đồng” để trang trải chi phí sinh hoạt, việc hoàn trả tạm ứng được thực hiện sau khi tài chính ổn định trở lại.

Được biết, hiện tại, tất cả các sản phẩm bảo hiểm có tích lũy giá trị hợp đồng trong dài hạn như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết đầu tư… đều được tạm ứng từ giá trị hoàn lại. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm khuyến cáo rằng, khách hàng chỉ nên sử dụng quyền lợi này khi gặp khó khăn hoặc cần tiền mặt trong ngắn hạn. Sau khi tạm ứng giá trị hoàn lại, khách hàng nên hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá trị tạm ứng cùng lãi tạm ứng sớm nhất có thể để giảm chi phí lãi. Khi khoản tạm ứng cộng với lãi tạm ứng lớn hơn giá trị tài khoản, hợp đồng bảo hiểm có nguy cơ bị mất hiệu lực.

Trên thực tế, những quy định trên đã được áp dụng từ lâu, nhưng kể từ khi dịch bùng phát từ năm 2020 đến nay, các công ty bảo hiểm nhân thọ không ghi nhận sự thay đổi nào lớn do việc khách hàng giãn, hoãn đóng phí bảo hiểm. Theo đại diện Generali, nhìn chung trong thời gian qua, tỷ lệ duy trì hợp đồng hay tỷ lệ khách hàng ở lại với Công ty đều tăng và không ghi nhận việc khách hàng rút tiền từ giá trị hợp đồng. Khách hàng của Generali cũng nhận được nhiều hỗ trợ trong việc gia hạn đóng phí trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

“Tuy nhiên, trong thời gian tới, Generali sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh để kịp thời đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp cho khách hàng”, vị đại diện Generali nhấn mạnh.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục