Covid thách thức mục tiêu tăng trưởng 2 con số của khối bảo hiểm phi nhận thọ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục tiêu đạt mức tăng trưởng doanh thu phí 2 con số trong năm 2021 của khối phi nhân thọ thêm phần thách thức khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, nhất là tại thị trường trọng điểm phía Nam, bất chấp kết quả 5 tháng đầu năm không đến nỗi nào.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng thấp trong 5 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Dũng Minh Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận doanh thu phí tăng trưởng thấp trong 5 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Doanh thu phí 5 tháng tăng 7,8%

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 77.208 tỷ đồng (tăng 17,64% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.890 tỷ đồng, tăng 7,8% (thấp hơn mức tăng 8,11% của cùng kỳ năm 2020, ước đạt 22.145 tỷ đồng).

Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm cháy nổ… vẫn là những nghiệp vụ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng doanh thu. Theo báo cáo của các doanh nghiệp bảo hiểm, dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải hàng không, vận tải biển..., dẫn đến doanh thu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng không… tiếp tục giảm so với thời điểm trước dịch.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cũng không đồng đều khi có doanh nghiệp duy trì đà tăng trưởng cao trên 10%, nhưng cũng có đơn vị chỉ tăng 1-3% trong 5 tháng đầu năm 2021. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, việc đợt bùng phát dịch lần này diễn biến kéo dài và khốc liệt hơn so với các đợt dịch trước đó đã tác động rõ rệt tới chiến lược kinh doanh cũng như doanh thu phí từng nghiệp vụ bảo hiểm. Bởi vậy, khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu phí ở mức 2 con số như kỳ vọng đặt ra hồi đầu năm là điều khó đoán định.

Trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, hiện Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đứng thứ 3 về thị phần doanh thu phí bảo hiểm và đứng số 1 về doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới. Kết thúc 5 tháng đầu năm 2021, doanh thu từ nghiệp vụ này của PTI đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó sản phẩm bảo hiểm ô tô duy trì mức tăng trưởng dương 9%, nhưng bảo hiểm xe máy lại tăng trưởng âm tới 45%.

Tính đến hết tháng 5/2021, doanh thu phí bảo hiểm của PTI đạt khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các nghiệp vụ tăng trưởng cao là bảo hiểm xe ô tô, hàng hải và tài sản kỹ thuật. Mảng bảo hiểm con người (gồm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm tai nạn) không tăng trưởng trong 5 tháng qua do bảo hiểm tai nạn tăng trưởng âm, cho dù bảo hiểm chăm sóc sức khỏe vẫn tăng tích cực.

Theo đại diện PTI, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng với sự chủ động ứng phó với giải pháp đa dạng, phù hợp với từng nhóm khách hàng, PTI sẽ nỗ lực hoàn thành mục tiêu doanh thu 6.500 tỷ đồng đề ra cho năm nay, tương đương mức tăng trưởng 10%.

Tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), doanh thu phí bảo hiểm 5 tháng đầu năm 2021 (chưa bao gồm doanh thu từ bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP) đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 41,4 % chỉ tiêu được giao, trong đó các nghiệp vụ tăng trưởng cao có thể kể tới là bảo hiểm kỹ thuật (50,7%), bảo hiểm hàng hóa (39,6%), bảo hiểm cháy nổ mọi rủi ro tài sản (29%), bảo hiểm hỗn hợp (24,3%).

Trên thực tế, tương tự như các hãng bảo hiểm khác, PJICO cũng gặp nhiều thách thức trong khai thác các nghiệp vụ bảo hiểm con người, bảo hiểm xe máy, bảo hiểm thân tàu biển và bảo hiểm tàu thủy nội địa… Để giải quyết khó khăn, hãng bảo hiểm này đã đưa ra nhiều giải pháp, một trong số đó là tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh, cải tiến chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường và kênh phân phối.

Theo đó, thời gian qua, PJICO đã triển khai cấp giấy chứng nhận điện tử bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới qua kênh trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm online ngày càng cao. Trong quý I/2021, PJICO vận hành thành công phần mềm Portal bán bảo hiểm qua đại lý gồm hơn 2.600 cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên toàn quốc, cùng với đó là bổ sung thêm 2 sản phẩm bảo hiểm mới là bảo hiểm bệnh ung thư và bệnh hiểm nghèo. Đây là một trong những chiến lược quan trọng giúp PJICO tăng cường công tác bán hàng theo chuỗi, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng doanh thu trong tình hình mới…

Tăng trưởng 2 con số: Phụ thuộc diễn biến Covid

Trong bối cảnh hiện nay, khi kênh bán hàng truyền thống gặp khó khăn vì quy định giãn cách để phòng chống dịch bệnh lây lan, lợi thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp đa dạng hóa được kênh bán hàng, đặc biệt là bán qua các ngân hàng độc quyền. Theo các doanh nghiệp bảo hiểm, các sản phẩm bảo an tín dụng đang được bán tốt qua kênh này, nhưng cũng là sản phẩm cạnh tranh gay gắt không thua kém so với sản phẩm bảo hiểm cơ giới, nên không phải doanh nghiệp nào cũng muốn đẩy mạnh sản phẩm này.

Ngoài ra, việc các công ty bảo hiểm đầu tư mạnh cho số hóa với kỳ vọng sẽ cải thiện doanh số bán hàng trực tuyến nhưng là ở thì tương lai, còn trước mắt, kênh này chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định như bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm du lịch…, nên doanh thu còn hạn chế. Hiện tại, bảo hiểm sức khỏe đang tăng trưởng tốt nên thời gian tới, các công ty bảo hiểm có thể sẽ tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn…

Dù vậy, để thu hút khách hàng, nhiều chương trình khuyến mãi giảm phí liên tục được các doanh nghiệp phi nhân thọ tung ra thị trường, kể cả ở kênh trực tuyến cũng như các kênh bán hàng khác. Mỗi doanh nghiệp sẽ hướng ưu đãi của mình đến một nhóm đối tượng khách hàng nhất định nhằm gia tăng khả năng mua hàng của khách hàng đó. Đơn cử, mới đây, PTI đưa ra chương trình giảm phí 30% hoặc tặng 1 tháng phí bảo hiểm ô tô cho tất cả khách hàng đang chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 tại khu vực miền Nam. Tương tự, cả PJICO và Bảo hiểm BIDV (BIC) cùng triển khai chương trình giảm 30% phí cho khách hàng mua bảo hiểm ô tô trực tuyến…

Thực tế, các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng kỳ vọng ở mức 2 con số và mức tăng trưởng doanh thu phí 7,8% trong 5 tháng đầu năm nay là một minh chứng, nhưng tác động khó lường của biến chủng Covid mới khiến mục tiêu này thêm phần thách thức trong những tháng cuối năm. Việc số lượng người nhiễm tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam không ngừng tăng nhanh đang ảnh hưởng mạnh mẽ lên các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ do tỷ trọng doanh thu của khu vực này cao hơn đáng kể so với các địa phương bị phong tỏa trước đây như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Trước thực tế trên, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho rằng, đà tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nói chung và lĩnh vực phi nhân thọ nói riêng từ nay đến cuối năm phụ thuộc rất lớn vào diễn biến của dịch bệnh. Theo vị này, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang dồn sức để vượt qua giai đoạn căng thẳng hiện nay, nếu dịch sớm được kiểm soát trong quý III/2021 thì khối phi nhân thọ có nhiều cơ hội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số đề ra, ngược lại, trường hợp dịch tiếp tục kéo dài sẽ khó “vượt ải”.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục