Dự báo sớm nghiệp vụ bảo hiểm tăng trưởng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi các hoạt động kinh tế hồi phục, các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa, hàng không, du lịch và bảo an tín dụng được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao như trước dịch.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Dịch bệnh Covid-19 xảy đến tác động tiêu cực tới các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là hàng không, du lịch và vận chuyển hàng hóa, kéo theo sự đi xuống của nghiệp vụ bảo hiểm những lĩnh vực này (nhóm nghiệp vụ đang chiếm khoảng 6% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ), nhưng bù lại, nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe tăng cao. Theo Hiệp hội Bảo Hiểm Việt Nam (IAV), doanh thu phí sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của các doanh nghiệp phi nhân thọ trong quý I/2021 tăng trưởng 87% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, các doanh nghiệp phi nhân thọ kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm mang tính bảo vệ trước rủi ro đối với cá nhân. Một điểm đáng chú ý là nhu cầu mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên tăng cao khi nhiều doanh nghiệp này coi đây là một giải pháp để giữ chân nhân viên, cũng như phòng ngừa các rủi ro về tài chính cho doanh nghiệp nếu không may có nhân viên bị mắc bệnh.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều gói sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dành cho doanh nghiệp nhằm bảo vệ cho cả rủi ro liên quan đến đại dịch. Về phía công ty bảo hiểm, ngoài việc tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe với nhiều mức tùy chọn và đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng hơn thì còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi chăm sóc khách hàng. Chẳng hạn, Bảo hiểm BIDV (BIC) giảm 20% phí bảo hiểm cho các khách hàng lần đầu tham gia bảo hiểm sức khỏe tại BIC qua hình thức mua trực tuyến…

Ngoài bảo hiểm sức khỏe, một sản phẩm chủ lực khác là bảo hiểm xe cơ giới cũng sẽ được các doanh nghiệp phi nhân thọ đẩy mạnh khai thác trở lại sau dịch. Theo ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Bưu điện (PTI), nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới còn nhiều cơ hội tăng trưởng nhờ Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Thông tư 04/2021/TT-BTC gia tăng quyền lợi bảo hiểm cho người dân và giảm thiểu các thủ tục bồi thường. Tại PTI, nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trong 5 tháng đầu năm 2021 ghi nhận sự khởi sắc, đạt 1.100 tỷ đồng, hoàn thành 40% kế hoạch đề ra…

Tương tự, đại diện của Bảo hiểm Bảo Minh cho biết, các sản phẩm bảo hiểm con người và xe cơ giới của Công ty đều có tỷ lệ tái tục thấp và đang mang lại lợi nhuận cao, nên đây sẽ vẫn là trọng tâm phát triển trong thời gian tới.

Theo SSI Research, trong năm 2021, cấu trúc thị trường sẽ có một số thay đổi với ước tính doanh số bán hàng trực tuyến sẽ tăng. Tuy nhiên, kênh này chỉ phù hợp với một số phân khúc nhất định (bảo hiểm tai nạn con người, bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm du lịch). Hơn nữa, đóng góp của kênh trực tuyến còn rất khiêm tốn trong tổng doanh thu nên gần như không tác động đến mức tăng trưởng chung của thị trường.

Một sản phẩm cũng được quan tâm nhiều ở thời điểm hiện tại là bảo hiểm Covid. Khi hộ chiếu vắc-xin đang ngày càng trở nên thông dụng, việc cung cấp các gói sản phẩm bảo hiểm Covid-19 là cần thiết. Nhiều công ty lữ hành sẵn sàng mua bảo hiểm cho khách hàng nhằm kích cầu du lịch, doanh nghiệp bảo hiểm cũng mong sớm được bán sản phẩm này do nhu cầu tăng cao, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà cơ quan chức năng còn cân nhắc thời điểm cấp phép.

Tuy nhiên, đối với công dân đi lao động nước ngoài, các bộ, ngành liên quan đang đề xuất chủ trương cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm được triển khai gói bảo hiểm này, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thiết kế và chào bán các sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, việc Chính phủ đang gấp rút thực hiện mua và tiêm vắc-xin cho người dân để sớm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng cũng tạo kỳ vọng sáng cho bảo hiểm Covid. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chờ cơ hội để dần lấy lại đà tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm 2021 với những sản phẩm truyền thống.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục