4 nghiệp vụ nổi bật của bảo hiểm phi nhân thọ 2021

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021 được xem là còn có nhiều biến số.

Bảo hiểm hàng hóa có cơ hội lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do. Bảo hiểm hàng hóa có cơ hội lớn nhờ các hiệp định thương mại tự do.

Về cơ bản, đa phần các doanh nghiệp bảo hiểm đều dự báo thị trường bảo hiểm sẽ quay lại đà tăng trưởng 2 con số. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các năm trước, chỉ khoảng 10 - 11%. Kỳ vọng được chia đều cho cả 4 nghiệp vụ, do các nghiệp vụ này đều có những cơ hội để tăng trưởng.

Điểm sáng lớn nhất là nghiệp vụ bảo hiểm con người

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang hình thành nhanh - hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, đây là nhóm khách hàng tiềm năng nhất của bảo hiểm con người.

Bên cạnh đó, một yếu tố phải kể tới là sự nhận thức của người dân về bảo hiểm tốt hơn, dịch Covid-19 mang thêm một tác động gián tiếp giúp bảo hiểm chăm sóc sức khỏe được khách hàng quan tâm, đều là động lực cần phải tính tới.

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2020, sản phẩm bảo hiểm con người chung đang tăng trưởng khoảng 9%; trong đó, bảo hiểm chăm sóc sức khỏe đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay là khoảng 60%.

Tâm lý lo ngại trước nguy cơ dịch bệnh là nguyên nhân khiến cho nhu cầu tìm mua bảo hiểm sức khỏe tăng đột biến.

Để đáp ứng xu hướng này, các doanh nghiệp bảo hiểm định hướng năm 2021 sẽ đầu tư xây dựng một số sản phẩm bảo hiểm mới theo phân khúc khách hàng rõ nét hơn.

Ví dụ, PTI sẽ cho ra mắt sản phẩm cho 2 nhóm đối tượng khác biệt: sản phẩm bảo hiểm Sức khỏe vàng, với mức phí chỉ từ 550.000 đồng đến 2 triệu đồng dành cho khách hàng từ 0 ngày tuổi đến 65 tuổi, với quyền lợi bảo hiểm lên đến 150 triệu đồng. Sản phẩm này được thiết kế dành riêng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng sản phẩm mới mức phí thấp. Trong khi đó, sản phẩm bảo hiểm MGEN lại được thiết kế với quyền lợi cao cấp lên đến vài tỷ đồng, quyền lợi chăm sóc y tế tại các nước châu Âu hoặc châu Mỹ.

Sự đóng gói sản phẩm theo phân khúc khách hàng sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận được tối đa các khách hàng đang ngày càng có nhiều ý thức bảo vệ gia đình. Các doanh nghiệp bảo hiểm khác như Bảo Minh, PJICO, BSH cũng đang có nhiều chính sách tiếp tục đẩy mạnh các dòng sản phẩm bảo hiểm con người, đặc biệt là qua kênh phân phối ngân hàng.

Bảo hiểm con người được dự báo là điểm sáng tăng trưởng 2021.

Bảo hiểm con người được dự báo là điểm sáng tăng trưởng 2021.

Bảo hiểm hàng hóa có cơ hội

Bảo hiểm hàng hóa được đánh giá là nghiệp vụ có nhiều cơ hội phát triển trong năm 2021. Hai hiệp định quan trọng vừa được thông qua là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa các nước ASEAN và 5 nước: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, mở ra nhiều cơ hội giao thương hàng hóa của Việt Nam với các nước, đặc biệt là một số ngành hàng thế mạnh như dệt may, da giầy, thủy sản...

Ngoài hàng hóa xuất nhập khẩu thì AM Best cho rằng, thành công gần đây của Chính phủ Việt Nam trong việc kiềm chế sự bùng phát của dịch Covid-19 trong nước sẽ góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, so với các nước láng giềng Đông Nam Á.

Do đó, sự gia tăng đầu tư và dịch chuyển cơ sở sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng dài hạn cho các nghiệp vụ bảo hiểm tài sản, kỹ thuật và hàng hóa.

Bảo hiểm tài sản dự báo tăng mạnh

Nghiệp vụ thứ ba là bảo hiểm tài sản cũng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại khi các khoản tiền đầu tư công tiếp tục được giải ngân sau thời gian chậm lại vì dịch bệnh.

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2020, bảo hiểm tài sản thiệt hại có doanh thu đạt 5.621 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% tổng doanh thu phí, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo truyền thống, các thị trường mới nổi chủ yếu dựa vào tài trợ công cho nhu cầu cơ sở hạ tầng của họ.

Với ngân sách nhà nước đang căng thẳng, khu vực tư nhân sẽ đóng một vai trò lớn hơn thông qua hình thức đối tác công tư và với các giải pháp chuyển giao rủi ro lồng ghép tài chính…

Theo báo cáo của Sigma, lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi mang đến cơ hội hàng năm với giá trị khoảng 920 tỷ USD cho các nhà đầu tư dài hạn, bao gồm cả các công ty bảo hiểm trên thế giới.

Báo cáo cho biết, các dự án này tạo ra cơ hội để đa dạng hóa khu vực và loại tài sản, cũng như cơ hội đầu tư vào các sáng kiến có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Bảo hiểm xe cơ giới phục hồi tốc độ tăng trưởng cao

Với nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, sự sụt giảm mạnh của lượng xe ô tô bán ra những tháng đầu năm khiến mức tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới toàn thị trường chỉ tăng 6,4% tính đến cuối tháng 9/2020, đạt 12.400 tỷ đồng.

Yếu tố tích cực hỗ trợ cho nghiệp vụ này thời gian tới chính là việc Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử thay cho hình thức cấp giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng như hiện tại và lượng xe ô tô bán ra nhiều hơn trong năm mới được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Vì vậy, đây sẽ là nghiệp vụ thứ tư dự báo mang lại doanh thu tăng trưởng tích cực cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021.

Mặc dù cơ hội phát triển cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2021 còn khá nhiều, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát tốt trên thế giới khiến rủi ro tác động lên nền kinh tế Việt Nam vẫn luôn thường trực.

Các chuyên gia lạc quan nhất chỉ nhận định rằng, nhanh nhất thì phải đến giữa năm 2021, dịch bệnh mới từng bước được kiểm soát. Như vậy, bên cạnh việc xây dựng những kế hoạch kinh doanh để đón đầu tiềm năng thì các doanh nghiệp bảo hiểm cũng luôn phải có một phương án B đề phòng trường hợp Covid-19 gây ra những ảnh hưởng lớn hơn.

Nguyên Thi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục