Dù cho đến thời điểm này, chưa có một dự đoán nào chắc chắn về tương lai của các sản phẩm bảo hiểm tích hợp công nghệ như bảo hiểm nhúng, song thị trường mới mẻ này dường như đang dần đáp ứng được tối đa nhu cầu của khách hàng nhằm tạo nên “cú huých” cho sự phát triển trong tương lai.
Mới đây, Bảo hiểm Bảo Minh - nhà bảo hiểm có nhiều năm triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong nước và Hillridge - công ty công nghệ bảo hiểm đến từ Úc - đã ký kết thỏa thuận hợp tác và cho ra mắt sản phẩm bảo hiểm chỉ số bão.
Trước đó, Hillridge cũng đã bắt tay với MSIG Việt Nam - công ty bảo hiểm 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, đưa ra sản phẩm bảo hiểm hạn hán tại Việt Nam.
Theo Igloo - công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech) toàn diện đầu tiên tại Singapore, có văn phòng tại Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam với các trung tâm công nghệ tại Ấn Độ và Trung Quốc, thời gian qua, nhiều công ty bảo hiểm truyền thống đã hợp tác với các Insurtech đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm được cá nhân hóa nhằm phục vụ nhu cầu riêng biệt trong từng giai đoạn của cuộc đời người tiêu dùng Việt.
Với Igloo, một trong những sản phẩm nổi bật nhất có thể kể đến là bảo hiểm chỉ số thời tiết, được phát triển dựa trên công nghệ blockchain đầu tiên dành cho nông dân Việt Nam. Sản phẩm này đã được hàng nghìn nông dân sử dụng kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, giúp bảo vệ cho hơn 20.000 ha cà phê và lúa.
Trong năm qua, Igloo đã phát hành gần 1,5 triệu hợp đồng bảo hiểm với đa dạng sản phẩm như bảo hiểm thiết bị điện tử, bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa... và theo Igloo, có được kết quả này là nhờ thông qua quan hệ đối tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, các nền tảng thanh toán hàng đầu như DANA (Indonesia), Gcash (Philippines), hay các chuỗi bán lẻ thông dụng như Circle K (Việt Nam)…
Bảo hiểm nhúng hiểu một đơn giản là cách công ty bảo hiểm hợp tác với đối tác thứ ba để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đến một tệp khách hàng cụ thể của đối tác này; khai thác công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu theo những cách mới để tạo ra sản phẩm cũng như trải nghiệm riêng biệt dành cho khách hàng. Điểm khác biệt mấu chốt của hình thức bảo hiểm này đối với hình thức truyền thống là đóng gói sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ quá trình tiếp xúc với khách hàng, từ khâu bán hàng, mua hàng đến giải quyết bồi thường.
Khi đóng gói sản phẩm, công ty bảo hiểm và đối tác thường lựa chọn 1 trong 2 phương thức: Hoặc bán kèm (khách hàng có thể lựa chọn mua hoặc không), hoặc đóng gói luôn vào sản phẩm gốc của đối tác (khách hàng không được lựa chọn). Hiện tại, đa phần các bên lựa chọn hình thức bán kèm, trong đó có những “cách thức” nhằm hạn chế tối đa việc khách hàng hủy gói bảo hiểm.
Thời gian qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đón nhận nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô như bảo hiểm cá nhân theo chuyến xe (Trip Insurance); bảo hiểm rơi vỡ điện thoại (Thế giới di động); bảo hiểm tai nạn cho người lao động tự do Jupviec Care (Jupviec), bảo hiểm du lịch, bảo hiểm trễ/hủy chuyến đi…
Theo các chuyên gia trong ngành, khi triển khai bảo hiểm vi mô, việc sử dụng công nghệ là “yêu cầu bắt buộc” bởi mức phí bảo hiểm của dòng sản phẩm này thường thấp, nếu không ứng dụng công nghệ để tiết giảm chi phí trong các khâu thì không thể đảm bảo được hiệu quả kinh doanh cho nhà bảo hiểm.