Bảo hiểm nhúng: Xu hướng dần hình thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nằm trong xu hướng tài chính nhúng, khái niệm bảo hiểm nhúng bắt đầu trở nên quen thuộc với thị trường bảo hiểm tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã triển khai các hoạt động nhằm đón đầu và tận dụng xu hướng đang có nhiều tiềm năng này.
Sản phẩm bảo hiểm nhúng hiện tập trung vào bảo hiểm du lịch, trễ/hủy chuyến, chuyến đi... Sản phẩm bảo hiểm nhúng hiện tập trung vào bảo hiểm du lịch, trễ/hủy chuyến, chuyến đi...

Thị trường tiềm năng trị giá 2.500 tỷ USD

Theo báo cáo mới nhất của Peer Group, bảo hiểm nhúng (Embedded Insurance), hay bảo hiểm bán kèm, là xu hướng phát triển tiềm năng của thị trường bảo hiểm toàn cầu, có thể đem lại nguồn thu phí bảo hiểm lên đến 2.500 tỷ USD trong 10 năm tới, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Peer Group dự báo, ở Mỹ, tổng thị trường bảo hiểm nhúng có thể đạt 150 tỷ USD trong 5 năm tới và tăng lên 500 tỷ USD vào năm 2032; châu Âu và Trung Quốc có thể đạt 60 tỷ USD vào năm 2027 và 200 tỷ USD vào năm 2032 tại mỗi thị trường.

Ngoài ra, Peer Group tin rằng, bảo hiểm nhúng có khả năng tăng quy mô tổng thể thị trường bảo hiểm toàn cầu (theo tỷ lệ phần trăm GDP) và bổ sung 1.000 tỷ USD trong tổng phí bảo hiểm vào cuối thập kỷ này do tận dụng được các nền tảng kỹ thuật số tại các thị trường mới nổi.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 60% thị trường bảo hiểm phi nhân thọ và 30% thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ bị tác động bởi xu hướng bảo hiểm nhúng. Lý do có sự chênh lệch giữa 2 thị trường là do trong thị trường phi nhân thọ, các sản phẩm hướng đến đa dạng đối tượng bảo hiểm hơn.

Bảo hiểm nhúng là cách công ty bảo hiểm hợp tác với đối tác thứ ba để cung cấp các sản phẩm bảo hiểm đến một tập khách hàng cụ thể mà đối tác thứ ba đang cung cấp; khai thác công nghệ kỹ thuật số và dữ liệu theo những cách mới để tạo ra sản phẩm cũng như trải nghiệm riêng biệt dành cho khách hàng. Điểm mấu chốt khác biệt của hình thức bảo hiểm này đối với hình thức truyền thống chính là đóng gói sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong toàn bộ hành trình tiếp xúc với khách hàng từ khâu bán hàng, mua hàng đến giải quyết bồi thường.

Khi bảo hiểm nhúng trở nên phổ biến và thông dụng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả các bên liên quan. Cụ thể, các doanh nghiệp sử dụng sáng tạo, linh hoạt hơn các công cụ bảo hiểm và quản trị rủi ro, giúp tăng trải nghiệm khách hàng, tạo ra sự khác biệt của thương hiệu trên thị trường, qua đó tác động tích cực đến doanh thu.

Người sử dụng cuối cùng dễ dàng tiếp cận những giải pháp bảo vệ phù hợp khả năng tài chính, nhu cầu và hoàn cảnh. Trong khi đó, công ty bảo hiểm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, tiết giảm phí đối với bên thứ ba trong việc bảo lãnh phát hành, thêm cơ hội để tạo ra doanh thu ký quỹ, thu hút thêm đối tác và các khoản đầu tư.

Những bước chân chập chững tại Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đã từng bước triển khai hình thức bảo hiểm nhúng. Tiên phong trong phân khúc này là Bảo hiểm Bưu điện (PTI). Từ năm 2018, PTI phối hợp với hãng taxi Open 99 triển khai dịch vụ bảo hiểm cá nhân theo chuyến xe (Trip Insurance). Có thể xem đây là sản phẩm đầu tiên theo đúng định nghĩa của bảo hiểm nhúng trên thị trường. Khách hàng khi sử dụng đặt xe Open 99 sẽ được PTI bảo hiểm cho những rủi ro tai nạn theo từng chuyến đi.

Hiện Trip Insurance đang được các hãng taxi công nghệ như Be, Grab… “bán kèm” trong cách tính cước phí của chuyến đi. Khách hàng có thể lựa chọn không mua bảo hiểm khi đặt xe, nhưng thực tế cho thấy, rất ít người thực hiện thao tác hủy gói bảo hiểm.

PTI còn triển khai dòng sản phẩm nhúng với các đối tác lớn như bảo hiểm chuyến bay với Vietnam Airlines và Vietjet; bảo hiểm rơi vỡ điện thoại với Thế giới Di động; bảo hiểm tai nạn Jupviecare với Jupviec…

Sau “phát súng” đầu tiên của PTI, không ít doanh nghiệp bảo hiểm khác đã triển khai các dòng sản phẩm nhúng như Bảo hiểm VietinBank (VBI), Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt... Thị trường đang ngày càng cạnh tranh do tiềm năng từ bảo hiểm nhúng dần trở nên rõ nét hơn, tập trung vào bảo hiểm du lịch, trễ/hủy chuyến, chuyến đi...

Khi đóng gói sản phẩm bảo hiểm nhúng với đối tác, công ty bảo hiểm và đối tác thường lựa chọn 1 trong 2 phương thức: Bán kèm (khách hàng có thể lựa chọn mua hoặc không) và đóng gói luôn vào sản phẩm gốc của đối tác (khách hàng không được lựa chọn).

Trong giai đoạn hiện nay, đa phần các bên lựa chọn hình thức bán kèm, tuy nhiên, trong quá trình thiết kế trải nghiệm với khách hàng sẽ đưa ra các cách thức để hạn chế khách hàng hủy gói bảo hiểm nhất có thể.

Bảo hiểm nhúng được coi là một trong những xu hướng tất yếu và tiềm năng khi các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển sản phẩm vi mô. Đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ từng phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm vi mô cho hay, trước khi sản phẩm bảo hiểm đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp thường trải qua 3 giai đoạn.

Một là, nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của nhóm khách hàng hiện hữu của đối tác.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu bán hàng đến việc chi trả bồi thường, đây cũng là bước tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất.

Ba là, đầu tư vào các hoạt động marketing, tư vấn sản phẩm cho các khách hàng.

Giai đoạn đầu triển khai bảo hiểm nhúng, chi phí đầu tư công nghệ khá lớn, nhưng về lâu dài sẽ tối ưu được các nguồn lực.

Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital cho biết, việc sử dụng công nghệ là “yêu cầu bắt buộc” đối với bất kỳ doanh nghiệp bảo hiểm nào muốn triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô, bởi mức phí bảo hiểm của dòng sản phẩm này thường rất nhỏ, nếu không ứng dụng công nghệ để tiết giảm chi phí trong các khâu thì không thể đảm bảo được hiệu quả kinh doanh.

“Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư cho công nghệ khá lớn, nhưng về lâu dài sẽ tối ưu được các nguồn lực”, bà Yến nói.

Triển khai bảo hiểm nhúng thuận lợi hơn so với việc bán một sản phẩm vi mô, sản phẩm “ngách” độc lập. Khi hợp tác với đối tác, công ty bảo hiểm sẽ tận dụng được mạng lưới bán hàng của bên thứ ba nên sẽ tiết giảm được rất nhiều nguồn lực nhân sự và tài chính. Khi công ty bảo hiểm đầu tư, cung cấp đủ công cụ, đào tạo đội ngũ bán hàng của đối tác và đội ngũ này bắt tay vào bán hàng thì doanh thu sẽ “tự động” chảy về tài khoản của công ty bảo hiểm. Tất nhiên, để đảm bảo động lực cho đội ngũ bán hàng và tránh việc đối thủ khác nhảy vào “hớt tay trên” sau khi khổ công tạo dựng hệ thống, công ty bảo hiểm phải có những chiến thuật cụ thể để giữ được mối quan hệ hợp tác.

Theo bà Yến, tiềm năng của dòng sản phẩm bảo hiểm nhúng là không thể phủ nhận, đặc biệt với nhóm khách hàng trẻ vốn ưa chuộng những sản phẩm, dịch vụ tích hợp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sân chơi này chỉ dành cho những nhà bảo hiểm có tầm nhìn dài hạn và có sự đầu tư nghiêm túc trong việc hợp tác với các đối tác, vì “trái ngọt” sẽ chỉ được gặt sau thời gian dài hai bên cùng nhau vun trồng, chăm sóc.

Nguyễn Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục