Bảo hiểm nhân thọ vững đà tăng 2 con số

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại dịch tạo ra nhiều rủi ro và khi có rủi ro thì hoạt động bảo hiểm luôn sôi động.
Doanh thu phí khối bảo hiểm nhân thọ duy trì đà tăng 2 con số một phần nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của bảo hiểm sức khỏe Doanh thu phí khối bảo hiểm nhân thọ duy trì đà tăng 2 con số một phần nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của bảo hiểm sức khỏe

Các thị trường lớn đều tăng trưởng cao

Theo một chia sẻ gần đây của ông Roy Gori, Tổng giám đốc Tập đoàn Manulife, 67% người dân Mỹ nói rằng, đại dịch như là một hồi chuông cảnh tỉnh để họ phải kiểm tra lại nguồn tài chính của mình và 30% trong đó nói rằng, bảo hiểm nhân thọ là một thành phần quan trọng. Tại Canada, 24% người trưởng thành không có bảo hiểm nhân thọ cho biết, họ đang tìm mua hoặc đang cân nhắc mua bảo hiểm kể từ khi Covid-19 xuất hiện.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Manulife Asia cho thấy, ở các thị trường châu Á, sự quan tâm của khách hàng đối với việc mua bảo hiểm mới đã tăng từ 62% lên 71% trong năm 2020.

Theo Tập đoàn Sun Life, bất chấp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh số bán bảo hiểm tại Canada của Tập đoàn vẫn đạt 196 triệu CAD (157 triệu USD) trong quý II/2021, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020. Doanh số bán tài sản là 3,8 tỷ CAD (3 tỷ USD), tăng 47% do tăng quỹ tương hỗ (mutual fund) của từng nhà đầu tư cá nhân.

Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 133.040 tỷ đồng, tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.948 tỷ đồng, tăng hơn 20%.

Việc kinh doanh tại Mỹ của Sun Life cũng thuận lợi với lợi nhuận sau thuế quý II/2021 đạt 157 triệu CAD (126 triệu USD), tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020 nhờ lợi nhuận ròng cơ sở tăng, cho dù doanh số bán bảo hiểm tại thị trường này giảm 16%, về mức 191 triệu CAD (153 triệu USD).

Tại thị trường châu Á, lợi nhuận ròng quý II/2021 của Sun Life đạt 143 triệu CAD (114 triệu USD), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2020, nhờ các tác động liên quan đến thị trường cũng thay đổi thuận lợi trong lãi suất. Doanh thu bảo hiểm tại châu Á là 323 triệu CAD (258 triệu USD), tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó dẫn đầu là thị trường Philippines và Việt Nam.

Một hãng bảo hiểm khác, nơi trụ sở chính tại Ý từng trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là Tập đoàn Generali cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khả quan với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ doanh thu phí, lợi nhuận hoạt động kinh doanh và lợi nhuận thuần.

“Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh quý II/2021 đạt 3 tỷ euro (tăng 10,4% so với cùng kỳ 2020) nhờ tăng trưởng lợi nhuận của các mảng bảo hiểm nhân thọ, quản lý tài sản và các hoạt động kinh doanh khác”, báo cáo tài chính bán niên 2021 của Generali cho biết. Theo ông Philippe Donnet, Tổng giám đốc Generali, kết quả khả quan này tiếp tục khẳng định Tập đoàn đang đi đúng hướng trong việc hoàn thành các mục tiêu đề ra tại kế hoạch “Generali 2021” ngay cả trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.

Việt Nam cũng vững đà tăng 2 con số

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8/2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 133.040 tỷ đồng, tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.948 tỷ đồng, tăng hơn 20%.

Trên thực tế, các lệnh giãn cách xã hội kéo dài và diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến các đại lý tư vấn bảo hiểm không thể trực tiếp gặp gỡ khách hàng, dẫn tới việc khai thác doanh thu phí bảo hiểm mới của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút. Tuy nhiên, khối bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu phí ở mức 2 con số nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm đầu tư.

Ở Việt Nam, khoảng 90% người tham gia khảo sát “Manulife Asia Care Survey” cho biết họ có dự định mua bảo hiểm trong vòng 6 tháng tới, cao hơn bất cứ quốc gia nào trong khu vực châu Á cũng như mức chung của khu vực này là 71%. Cũng theo khảo sát này, người Việt quan tâm nhất tới chi phí bảo hiểm cho tử vong, nằm viện, tai nạn và các bệnh hiểm nghèo.

Khảo sát mới nhất từ Tập đoàn Manulife cũng cho thấy, sau khoảng 8 tháng kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào đầu năm 2020, người Việt đang dần kiểm soát được tình trạng sức khỏe và tài chính, đồng thời thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đối với nhu cầu sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như nhu cầu về bảo hiểm và các kế hoạch hưu trí, khi mà châu Á được cho là sẽ chịu ảnh hưởng dài hạn hơn từ Covid-19 so với châu Âu hay một số quốc gia khu vực châu Mỹ.

Đáng chú ý, 79% người Việt tham gia khảo sát của Manulife nói rằng, kế hoạch hưu trí trở nên quan trọng hơn với họ từ khi xuất hiện Covid-19, tỷ lệ này chỉ thấp hơn Phillippines (90%), Indonesia (88%) và Malaysia (83%), trong khi cao hơn so với các nước phát triển khác…; 75% lựa chọn quản lý các hợp đồng bảo hiểm qua các hình thức số hóa, chẳng hạn các ứng dụng cài đặt trên điện thoại di động, bao gồm cả việc yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm và việc chi trả quyền lợi.

Theo ông Sang Lee, Giám đốc điều hành Manulife Việt Nam, thói quen sử dụng các phương tiện số hóa đã xuất hiện cách đây khá lâu, song nhiều khách hàng vẫn muốn trao đổi trực tiếp với đội ngũ tư vấn viên. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bán hàng đa kênh (Omnichannel), vừa tích hợp số hóa, trong khi vẫn tận dụng được tối đa thế mạnh của con người trong việc lắng nghe nhu cầu của khách hàng.

Ngoài yếu tố thuận lợi là nhu cầu thực tế về bảo hiểm đang gia tăng, ngành bảo hiểm Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn khi Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.

Theo đánh giá của SSI Research, dự thảo cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

SSI Research cho rằng, dự thảo là một bước tiến tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể xuất hiện áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm, song các quy định mới có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm (2023-2027), tạo một “khoảng đệm” trong việc triển khai trên thực tế. Điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục