Cam kết đầu tư dài hạn
Cũng như nhiều lĩnh vực khác, bảo hiểm cũng chịu khó khăn nhất định từ dịch bệnh Covid-19. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của khối nhân thọ trong vài năm gần đây không còn ở mức trên 30% như nhiều năm trước, mà chỉ còn trên 10%. Điều này không làm thay đổi mục tiêu dài hạn của các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu phí mới ở hai con số và độ phủ bảo hiểm trong dân số còn quá thấp khiến thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn có hấp lực lớn.
“Việt Nam là con hổ châu Á mới và chúng tôi thực sự tự hào về những gì mà thị trường này mang lại”, ông Damien Green, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Manulife châu Á cho biết.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 7 vừa qua, ông Damien Green đã cam kết đầu tư lâu dài vào thị trường bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe nước ta. Việt Nam cũng là một trong những thị trường đầu tiên ông đến thăm kể từ khi nhậm chức vào tháng 5/2022.
Châu Á là một trong những động lực tăng trưởng chính của Manulife và Việt Nam được coi là một trong những thị trường trọng điểm của khu vực này. Năm 2021, giá trị kinh doanh mới của Manulife châu Á - thước đo chính đánh giá lợi nhuận của Công ty - tăng 27%, nhờ doanh số bán hàng cao hơn tại Việt Nam và các thị trường trọng điểm khác. Manulife Việt Nam cũng duy trì vị trí dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới (FYP) trong năm 2021 và trong quý I/2022, bất chấp những thách thức của đại dịch.
Ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam chia sẻ thêm: “Việt Nam mang đến những cơ hội to lớn cho ngành bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe. Chúng tôi cam kết vào sự phát triển lâu dài của ngành. Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ đầu tư vào nhân lực, dịch vụ, sản phẩm và các sáng kiến cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội cốt lõi, góp phần thu hẹp nhu cầu bảo vệ chưa được đáp ứng”.
Trở về từ Hội nghị CEO toàn cầu của Tập đoàn Bảo hiểm Generali tại Milan, Italia, bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về chiến lược của Generali với thị trường Việt Nam.
“Thị trường Việt Nam, với tiềm năng phát triển rất lớn của ngành bảo hiểm nhân thọ cũng như nhiều thuận lợi về kinh tế chính trị, luôn là một trong những thị trường trọng điểm được Tập đoàn chú trọng đầu tư về con người, công nghệ cũng như tiềm lực tài chính”, bà Tina nói.
Được biết, năm 2021, tổng doanh thu Generali Việt Nam đạt được là 4.524 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của tất cả các kênh phân phối; lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng.
Cam kết và tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của Generali tại Việt Nam, Tập đoàn Generali tiếp tục bổ sung vốn điều lệ thêm 350 tỷ đồng trong năm 2021, nâng tổng vốn điều lệ của Generali Việt Nam lên 7.202,6 tỷ đồng.
“Có những cơ hội đặc biệt để tăng trưởng”
Năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường vào khoảng 18.400 tỷ đồng thì sau 10 năm (2021) tăng gấp gần 9 lần.
Theo số liệu thống kê Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2011, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường vào khoảng 18.400 tỷ đồng thì sau 10 năm (2021) đã tăng gấp gần 9 lần.
Số liệu mới nhất cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 66.715 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước...
“Việt Nam đã thay đổi rất nhiều và đã phát triển hơn so với 10 năm trước. Nếu bạn nhìn ra ngoài kia, bạn cũng sẽ nhìn cả nền kinh tế và con người đều đang phát triển. Đất nước này đang phát triển và trở nên mạnh mẽ hơn và được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới”, ông Kevin Strain, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Life chia sẻ với truyền thông nhân chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7.
Lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Sun Life cho biết, Việt Nam có thể đóng vai trò là một phần của công ty toàn cầu, sự tăng trưởng của công ty con tại Việt Nam có ảnh hưởng tích cực tới kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn.
“Khi nhắc đến châu Á, chúng tôi cũng nói đến Việt Nam, rằng nơi đây có những cơ hội đặc biệt để có thể tăng trưởng nhanh chóng. Giám đốc tài chính của chúng tôi cũng nói rằng chúng ta nên học theo cách mà Sun Life Việt Nam xây dựng thương hiệu, họ cũng có những ý tưởng sản phẩm tuyệt vời mà chúng ta nên học hỏi theo”, ông Kevin Strain nói.
Tổng giám đốc Sun Life châu Á, bà Ingrid JohnSon cũng nhìn nhận: “Việt Nam là thị trường mới với các doanh nghiệp trẻ, điều đó khích lệ chúng tôi nhiều hơn trong việc tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn trong việc đồng hành cùng các đối tác của mình. Khi đến thăm Việt Nam, chúng tôi nhận thấy mọi người dùng điện thoại di động nhiều nên việc của chúng tôi là làm sao để có thể kết nối với họ thông qua chiếc điện thoại, đồng thời hiểu được văn hóa, địa lý, con người nơi đây để có thể đáp ứng cho họ những điều thiết yếu cho cuộc sống”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Anh cuối tháng 6/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao làm việc với Tập đoàn Prudential nhằm trao đổi về các vấn đề ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Tập đoàn Prudential đã cam kết hợp tác cùng Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam với một số sáng kiến quan trọng.
Với sáng kiến công nghệ bảo hiểm, Prudential tận dụng chuyển đổi số như yếu tố thúc đẩy cung cấp cho khách hàng các sản phẩm, mô hình phân phối và dịch vụ sáng tạo. Với sáng kiến đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế, Prudential – với kinh nghiệm phong phú trong điều hành công ty quản lý quỹ và bảo hiểm nhân thọ tại các thị trường mới nổi cũng như phát triển - cam kết sẽ chia sẻ, tư vấn cho các cơ quan Chính phủ và các bên liên quan trong quá trình phát triển chính sách.
Chia sẻ bên lề sự kiện, ông Phương Tiến Minh, Tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, Prudential Việt Nam đặt mục tiêu mang đến các giải pháp bảo vệ tài chính cho 3,5 triệu khách hàng tại Việt Nam vào năm 2025. Song hành phát triển hoạt động kinh doanh, Công ty sẽ đồng hành cùng Chính phủ giải quyết những thách thức ở phạm vi quốc gia cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.