Ngọc Hoa nói rằng, chị chưa từng nghĩ sẽ mua và thực sự không quan tâm đến bảo hiểm, nhưng từ khi có con và quyết định thôi việc để buôn bán tự do, chị đã thay đổi suy nghĩ.
“Mình đã tìm hiểu một vài sản phẩm của một vài hãng và quyết định mua cho mình hợp đồng bảo hiểm của hãng M với khá nhiều quyền lợi thiết thực đối với một người làm nghề tự do như mình”, chị Hoa nói và cho biết, cũng đang tìm hiểu thêm loại hình bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Những khách hàng như chị Ngọc Hoa dù chưa nhiều, nhưng đang có xu hướng ngày càng tăng, là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp cho ngành bảo hiểm nhân thọ ngày càng phát triển đúng với tiềm năng vốn có.
Trao đổi với ĐTCK về tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm qua (tăng trưởng 29%-theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam), ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVI Sun Life cho biết, khó có thể nhận định về tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2016.
"Tôi chưa nhìn thấy bất cứ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2016" - Chủ tịch PVI Sun Life Phạm Anh Đức.
Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường bảo hiểm luôn gắn liền với sự phát triển của nền kinh tế, nên nhu cầu mua bảo hiểm cũng vậy. Chính phủ dự kiến GDP năm 2016 sẽ tăng trưởng so với năm 2015, do vậy PVI Sun Life kỳ vọng mức tăng trưởng bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có thể duy trì như năm 2015.
“Tôi chưa nhìn thấy bất cứ yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2016”, ông Đức nói.
Ông Kevin Strain, Chủ tịch Tập đoàn Tài chính Sun Life tại châu Á cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam trong năm 2015 cũng là mức tăng trưởng thường thấy của các nước ở thị trường châu Á. Chẳng hạn như Philippine, Malaysia….cũng có mức tăng trưởng rất cao. Thực tế, bảo hiểm nhân thọ ở thị trường châu Á vẫn đang có mức tăng trưởng khá tốt.
Trong khi đó, các chuyên gia trong ngành dự kiến, năm 2016, thị trường bảo hiểm nhân thọ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 25%. Những tín hiệu khả quan sẽ càng tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp bảo hiểm khối này có nhiều kế hoạch mới để phát triển. Cùng với việc thiết kế những gói sản phẩm trọn gói cho khách hàng trong từng giai đoạn cuộc đời, thì việc đào tạo đại lý tư vấn bảo hiểm để họ trở thành những ngưởi được tôn trọng vẫn là ưu tiên chiến lược số 1 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Các sản phẩm bảo hiểm sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm mới, đặc biệt, sự ấm lên của thị trường chứng khoán cũng sẽ mang đến những sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư. “Hiện tại vẫn chưa có những sản phẩm bảo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán hay đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết, nhưng trong tương lai không xa sẽ đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm đầu tư vào thị trường chứng khoán”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chia sẻ.
Trong khi đó, đối với phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện, dù thị trường này mới đang hình thành, nhưng các doanh nghiệp vẫn hy vọng tương lai 5-10 năm tới khi các chính sách thuế và ý thức của người dân thay đổi thì thị trường này sẽ vô cùng tiềm năng.
“Chỉ cần làm 1 phép tính, nếu 10% người lao động Việt Nam mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nghĩa là các doanh nghiệp sẽ có hơn 2 triệu khách hàng. Chỉ tính mức phí bảo hiểm bình quân 12 triệu đồng/năm thì quy mô của thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên rất nhiều lần”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhìn nhận.
Vị này cũng cho biết, thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện rất tiềm năng, nhưng vì mức ưu đãi về thuế cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp mua cho nhân viên chưa được tốt, nên phân khúc này vẫn chưa phát triển hết tiềm năng. Các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đang tiếp tục kiến nghị để cơ quan chức năng thay đổi mức thuế tốt hơn cho người mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện.