Bảo hiểm nhân thọ khai phá “miền đất mới”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau đại lý, tổng đại lý và bancassurance, những mô hình cũ được cho là đã hết dư địa khai thác, các công ty bảo hiểm nhân thọ bắt đầu đẩy mạnh hơn việc khai phá “miền đất mới” là các đại lý tổ chức.
Các nhà bảo hiểm tăng cường hợp tác với đối tác mới là đại lý tổ chức. Các nhà bảo hiểm tăng cường hợp tác với đối tác mới là đại lý tổ chức.

Bắt tay đại lý tổ chức, mở rộng kênh phân phối

Tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn ở mức thấp trong khu vực, GDP tăng trưởng đều đặn ở mức cao, lợi thế nhân khẩu học… là những yếu tố đảm bảo cho sự phát triển dài hạn của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Hiện tại, để gia tăng thị phần, chiến lược của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ vẫn là mở rộng kênh phân phối. Theo đó, các nhà bảo hiểm bắt đầu đẩy mạnh hơn việc hợp tác với đối tác mới là đại lý tổ chức, sau khi các mô hình cũ như đại lý, tổng đại lý hay liên kết với ngân hàng (bancassurance) đã cạn dư địa khai thác.

Đơn cử, mới đây, Hanwha Life Việt Nam thông báo sẽ hợp tác với ASIANLINK - một đại lý tổ chức cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ, để bán chéo các sản phẩm bảo hiểm, sau khi đại lý tổ chức này ký kết hợp tác chiến lược với Bảo hiểm VietinBank (VBI) vào đầu tháng 11/2021 vừa qua. Qua mối quan hệ hợp tác này, hệ thống kinh doanh của ASIANLINK và VBI sẽ đẩy mạnh việc quảng bá, phân phối sản phẩm của Hanwha Life Việt Nam, đồng thời đem đến giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng.

Trước đó, BIDV MetLife cũng công bố mối quan hệ hợp tác với một đại lý tổ chức là Công ty TND Assurance nhằm mục đích mở rộng kênh phân phối tại Việt Nam.

So với đại lý cá nhân hay tổng đại lý, đại lý tổ chức phát triển sau, nên kế thừa được những ưu điểm của mô hình cũ và rất thành công tại các thị trường phát triển như Bắc Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, mô hình này còn khá mới mẻ, nhưng cũng đã đạt được những thành công nhất định. Thực tế, nhiều khách hàng tìm đến các đại lý tổ chức không chỉ để được tư vấn về bảo hiểm nhân thọ, mà còn là các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ như du lịch, nhà cửa, ô tô, cháy nổ…, cho thấy sự linh hoạt của đại lý tổ chức, giúp khách hàng được cung cấp giải pháp toàn diện và mang đến sự hài lòng cao nhất.

Trong một diễn biến khác, cũng nhằm mở rộng kênh phân phối, AIA Việt Nam mới cho ra mắt 2 sản phẩm bảo hiểm hỗ trợ chi phí y tế đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử Tiki. Đây là bước khởi đầu trong thỏa thuận hợp tác “chiến lược - toàn diện - độc quyền” 10 năm giữa AIA Việt Nam và Tiki.

“Cùng với Tiki, AIA Việt Nam muốn thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm trực tuyến bằng cách thiết kế các sản phẩm bảo hiểm đơn giản, thiết thực, phí thấp và tận dụng sức mạnh của công nghệ để đưa bảo hiểm gần gũi hơn với người dân Việt Nam”, ông Wayne Besant, Tổng giám đốc AIA Việt Nam nói.

Cùng với những tên tuổi cũ, “tân binh” Shinhan Life cũng sẽ chính bước vào cuộc đua chinh phục thị trường 100 triệu dân này từ tháng 1/2022. Hiện vẫn chưa rõ chiến lược tạo nên sự khác biệt của tân binh này, nhưng với lợi thế về tài chính, công nghệ cũng như kinh nghiệm từ Tập đoàn mẹ Shinhan, Shinhan Life được đánh giá sẽ là cái tên “đáng gờm” trên thị trường nhân thọ Việt Nam.

Sẵn sàng đối mặt với thử thách

Đại dịch Covid-19 một mặt mang đến nhiều khó khăn, thách thức, nhưng mặt khác cũng mang đến sự tích cực, đó là góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Theo đó, người tiêu dùng giờ đây đã quen thuộc hơn với các dịch vụ giao dịch trực tuyến, điều này phần nào được thể hiện qua con số hơn 75% số người được khảo sát mong muốn được quản lý hợp đồng bảo hiểm của họ theo hình thức trực tuyến tại cuộc khảo sát “Manulife Asia Care Survey” tiến hành đầu năm 2021, thời điểm làn sóng dịch thứ 4 chưa bùng phát tại Việt Nam.

Điểm đáng ghi nhận nữa là sau khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, tỷ lệ khách hàng tham gia và tương tác với các công ty bảo hiểm bằng hình thức trực tuyến không những không giảm, mà còn tăng lên.

“Hơn 2/3 khách hàng của chúng tôi tiếp tục tương tác với công ty qua hình thức trực tuyến”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết.

Là doanh nghiệp ưu tiên đầu tư vào công nghệ, Generali đã nhanh chóng thích ứng với “bình thường mới”, xem dịch bệnh là “chất xúc tác” để thay đổi mạnh mẽ hơn công tác phục vụ khách hàng, quản lý và huấn luyện đại lý, với mục tiêu vừa nâng cao trải nghiệm của khách hàng, vừa tăng cường tính hiệu quả.

Bà Tina Nguyễn, Tổng giám đốc Generali Việt Nam cho biết, hiện nay, toàn bộ công tác quản lý, phục vụ khách hàng, hỗ trợ kinh doanh của Công ty đã có thể thực hiện “không giấy”, chẳng hạn như xóa bỏ quy định nộp chứng từ gốc trong giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng, thay hợp đồng giấy bằng hợp đồng điện tử, tăng cường giao kết hợp đồng bảo hiểm trực tuyến (remote selling)…, nhờ vậy mà chỉ số đo lường mức độ hài lòng khách hàng của Generali luôn ở mức cao.

“Generali sẽ còn đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt một số sản phẩm mới đáp ứng đầy đủ các nhu cầu bảo vệ, đầu tư và chăm sóc sức khỏe của khách hàng”, bà Tina Nguyễn thông tin.

Còn theo ông Sang Lee, Tổng giám đốc Manulife Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số toàn diện để có thể đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Thông qua các giải pháp công nghệ số, Manulife Việt Nam cũng hy vọng có thể thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa khách hàng và Công ty.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục