Bảo hiểm phi nhân thọ năm 2021: Trong buồn có vui

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2021 thực sự là một năm khó khăn của khối bảo hiểm phi nhân thọ khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc ở mức rất thấp nhất, nhưng tỷ lệ bồi thường chung sụt giảm nên nhiều doanh nghiệp vẫn lãi cao.
Nghiệp vụ xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường những năm trước luôn ở mức trên 50% nay giảm còn khoảng 46% . Nghiệp vụ xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường những năm trước luôn ở mức trên 50% nay giảm còn khoảng 46% .

Tăng trưởng doanh thu thấp nhất nhiều năm trở lại đây

Mặc dù đã có những dự báo từ trước về kết quả kinh doanh kém tích cực của khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III/2021, nhưng kết quả doanh thu tăng trưởng âm 14% vẫn khiến nhiều thành viên thị trường bất ngờ. Sự giảm mạnh của doanh thu quý III/2021 khiến doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 chỉ tăng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Quý IV/2021, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều đã mở cửa trở lại sau thời gian giãn vì dịch Covid-19 để phát triển kinh tế, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng thận trọng.

Thực tế, đến cuối tháng 10, các doanh nghiệp bảo hiểm mới rục rịch khởi động lại hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn, dù có nỗ lực hoạt động hết công suất để ghi nhận doanh thu cho những tháng cuối năm, thì khả năng bù đắp nguồn doanh thu suy giảm của quý III cũng không nhiều.

Doanh thu 9 tháng đầu năm 2021 của khối phi nhân thọ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, dự kiến cả năm tăng khoảng 5%, nhờ 4 nghiệp vụ chính có những yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là nghiệp vụ bảo hiểm tài sản kĩ thuật và hàng hải.

Mặc dù vậy, cả năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm của khối phi nhân thọ dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2020, nhờ 4 nghiệp vụ chính có những yếu tố hỗ trợ.

Cụ thể, đối với 2 nghiệp vụ bán lẻ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người, doanh thu sẽ được thúc đẩy nhờ những chính sách mới của Nhà nước như giảm 50% phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo các chuyên gia, chính sách này có hiệu lực từ 1/12/2021 nên tỷ lệ tăng trưởng doanh thu bảo hiểm quý IV của 2 nghiệp vụ trên có thể không cao, nhưng chắc chắn sẽ tốt hơn giai đoạn 9 tháng đầu năm 2021.

Đặc biệt, đối với 2 nghiệp vụ bán buôn là bảo hiểm tài sản kĩ thuật và hàng hải, cơ hội đang xuất hiện nhiều hơn. Các hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, giao thương hàng hóa sôi động dịp cuối năm... sẽ là đòn bẩy để 2 nghiệp vụ duy trì đà tăng trưởng doanh thu trên 10%, qua đó kéo tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành.

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp tăng cao

Bức tranh doanh thu bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trong quý III và 9 tháng đầu năm 2021 kém tích cực, nhưng lợi nhuận tại nhiều doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2020.

Chẳng hạn, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 hơn 322 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 160% kế hoạch cả năm.

Bảo hiểm PVI lãi trước thuế 9 tháng đầu năm nay 686,6 tỷ đồng, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 106,4% kế hoạch cả năm.

Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) lãi sau thuế 105 tỷ đồng trong quý III/2021, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà doanh nghiệp bảo hiểm này đạt được kể từ khi niêm yết năm 2011.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, PTI đạt doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 3.548 tỷ đồng, tăng 4,6%; lợi nhuận sau thuế 198,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.

Yếu tố được nhìn nhận tác động tích cực tới lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm là tỷ lệ bồi thường chung của toàn thị trường giảm còn khoảng 30%/tổng doanh thu (số liệu 9 tháng đầu năm 2021 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam).

Đặc biệt, nghiệp vụ xe cơ giới có tỷ lệ bồi thường những năm trước luôn ở mức trên 50% đã giảm xuống còn khoảng 46%. Bên cạnh đó, chi phí trích lập dự phòng nghiệp vụ nhìn chung giảm.

Triển vọng 2022: Ổn định

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường ở trong nước cũng như trên thế giới.

Theo đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, vốn song hành với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, được dự báo còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, ghi nhận sơ bộ từ một số doanh nghiệp trong ngành, năm 2022, mục tiêu tăng trưởng doanh thu là xấp xỉ 10% so với năm 2021.

Các doanh nghiệp sẽ nỗ lực thúc đẩy doanh thu tăng trưởng trở lại, nhưng tăng trưởng “bất chấp” không phải là chiến lược được sử dụng như nhiều năm trước.

Đại diện một doanh nghiệp trong Top 5 về thị phần cho biết, doanh nghiệp chưa chốt mục tiêu doanh thu cụ thể cho năm 2022, nhưng về cơ bản sẽ tăng trưởng khoảng 10%, cao hơn nhiều mức tăng dự kiến đạt được trong năm 2021.

Tăng trưởng lợi nhuận sẽ đi kèm với tăng trưởng doanh thu, giúp doanh nghiệp có thêm tiềm lực để phát triển dài hạn, đồng thời dần xóa sổ hình thức phá giá thị trường để cạnh tranh, vốn gây hại cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhìn nhận, khó khăn chỉ là trước mắt, cơ hội tăng trưởng doanh thu sẽ rộng mở hơn từ năm 2023, dù có thể vẫn còn một số yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh như hệ quả kinh tế - xã hội trong ngắn hạn do đại dịch Covid-19, môi trường lãi suất thấp gây áp lực lên hiệu quả đầu tư trong trung hạn.

Theo Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best, lợi thế về nhân khẩu học là nền tảng cho triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn, tiến trình số hóa đang hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm và năng lực phân phối, khung pháp lý đang được cải thiện cùng với tiềm năng gia tăng của yếu tố đầu tư nước ngoài. Đây là những điểm cộng để AM Best duy trì triển vọng “ổn định” cho thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.

Nguyên Ngọc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục