Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đau đầu lên kế hoạch kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Xây dựng chỉ tiêu kinh doanh 2022 đang là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
9 tháng đầu năm, PTI báo lãi sau thuế 198,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Ảnh: Dũng Minh 9 tháng đầu năm, PTI báo lãi sau thuế 198,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020. Ảnh: Dũng Minh

Khi lợi nhuận không thuận chiều với doanh thu

Năm tài chính 2021 chỉ còn chặng ngắn nữa là kết thúc và hiện tại đang là giai đoạn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm mới 2022. Các doanh nghiệp phi nhân thọ cũng không là ngoại lệ.

Câu chuyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh luôn là bài toán lớn của các doanh nghiệp, vì đó không chỉ đơn thuần là con số, mà đi cùng với đó là những chiến lược kinh doanh, kế hoạch thực hiện và cả ngân sách đầu tư. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh doanh nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì việc đặt chỉ tiêu có tính khả thi cao là bài toán khá đau đầu của các doanh nghiệp.

Hồi đầu năm nay, mặc dù dự báo nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu khoảng 10%. Đến hết 6 tháng, dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng ở nhiều địa bàn trọng điểm như Hà Nội, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long đã buộc các doanh nghiệp bảo hiểm phải thay đổi kế hoạch kinh doanh, tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận.

Ba quý đầu năm 2021, dù doanh thu phí bảo hiểm gốc suy giảm, nhưng hoạt động đầu tư của khối công ty bảo hiểm lại tăng trưởng tốt nhờ thị trường chứng khoán thăng hoa, cộng với tỷ lệ bồi thường giảm mạnh khi “ai ở đâu ở yên đó”, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn vẫn báo lãi tăng trưởng mạnh.

Chẳng hạn, tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), lợi nhuận trước thuế luỹ kế 9 tháng đạt trên 322 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ 2020 và hoàn thành 160% so với kế hoạch cả năm 2021.

Bảo hiểm PVI báo lãi trước thuế 9 tháng là 686,6 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 161,9% kế hoạch 9 tháng và 106,4% kế hoạch cả năm.

Trong khi đó, quý III, PTI báo lãi sau thuế 105 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất (theo quý) mà công ty bảo hiểm này đạt được kể từ khi niêm yết vào năm 2011. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI đạt 3.548 tỷ đồng, chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế đạt 198,8 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 22%.

Theo đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm, năm 2021, có hai yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm. Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường chung của toàn thị trường giảm xuống chỉ còn khoảng 30%/tổng doanh thu (số liệu 9 tháng năm 2021 của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam), đặc biệt, nghiệp vụ xe cơ giới bồi thường những năm trước luôn ở mức trên 50% đã giảm xuống còn khoảng 46%.

Thứ hai là theo quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích dự phòng rủi ro nghiệp vụ, phần trích này tính theo tỷ lệ phần trăm doanh thu phí của từng nghiệp vụ. Cụ thể, đối với nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không, tỷ lệ trích lập dự phòng bằng 25% tổng phí bảo hiểm thuộc năm tài chính của nghiệp vụ bảo hiểm này. Đối với các nghiệp vụ bảo hiểm khác, dự phòng bằng 50% tổng phí bảo hiểm thuộc năm tài chính… Vì vậy, nếu doanh thu phí bảo hiểm năm 2021 không tăng trưởng thì trích lập cũng sẽ giảm tương ứng với doanh thu, điều này giúp doanh nghiệp giảm chi phí trích lập dự phòng và tăng lợi nhuận.

Giải trình về khoản lợi nhuận đạt được sau thuế 9 tháng năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước của PTI cũng cho thấy, ngoài nguyên nhân lợi nhuận từ hoạt động đầu tư bất động sản tăng thì lý do lợi nhuận tăng trưởng còn đến từ việc chi phí quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước.

Bảo hiểm MIC cũng báo cáo lợi nhuận sau thuế quý III/2021 đạt 32,6 tỷ đồng, tăng 86%, luỹ kế 9 tháng đạt gần 149 tỷ đồng, tăng 52% cùng kỳ 2020. Giải trình biến động lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ 2020, hãng bảo hiểm này cho biết, trong quý III/2021, tổng chi phí được cắt giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, bồi thường giảm 50% so với cùng kỳ, chi phí quản lý cũng giảm 11% so với cùng kỳ.

Chưa thể bỏ qua mục tiêu tăng trưởng doanh thu

Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường ở trong nước và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, vốn song hành với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, được dự báo còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, ghi nhận sơ bộ từ một số doanh nghiệp trong ngành, năm 2022, mục tiêu tăng trưởng doanh thu vẫn được ưu tiên và mức tăng trưởng được đặt ra là khoảng 10% so với năm 2021.

Dù vẫn đẩy doanh thu tăng trưởng trở lại, nhưng tăng trưởng “bất chấp” có lẽ sẽ không phải là chiến lược các doanh nghiệp hướng tới như nhiều năm trước.

Đại diện một doanh nghiệp trong Top 5 về thị phần cho biết, doanh nghiệp chưa chốt số doanh thu cụ thể cho năm 2022, nhưng về cơ bản vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ, cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt được của năm 2021.

“Năm 2022, lợi nhuận do hoàn nhập dự phòng sẽ không nhiều (do doanh thu 2021 tăng trưởng thấp, doanh nghiệp bảo hiểm trích lập ít đi). Vì vậy, trừ một vài doanh nghiệp bảo hiểm có định hướng tập trung vào hoàn thiện nội bộ, hệ thống quản lý… thì đa phần các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022 và các năm tiếp theo”, đại diện doanh nghiệp trên nhìn nhận.

Không thể phủ nhận thị trường bảo hiểm đang gặp một số khó khăn trong ngắn hạn và điều này đã được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm thấp nhất trong 9 tháng qua, chỉ tăng trưởng khoảng 2,2% so với cùng kỳ năm trước (thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam). Nhưng, khó khăn chỉ là trước mắt, với ngành bảo hiểm cơ hội tăng trưởng doanh thu được đánh giá vẫn rộng mở từ năm 2023. Việt Nam vẫn luôn nằm trong Top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Quan trọng hơn, tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%). Công ty BVSC còn nhận định, với những yếu tố thuận lợi như vậy, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp bảo hiểm, mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm trên 10% có vẻ hơi khá lạc quan. Dù vẫn đẩy doanh thu tăng trưởng trở lại, nhưng tăng trưởng “bất chấp” có lẽ sẽ không phải là chiến lược các doanh nghiệp hướng tới như nhiều năm trước.

Vài năm gần đây, các doanh nghiệp nhóm đầu bên cạnh việc đẩy tăng trưởng doanh thu cũng đã chú trọng đến hiệu quả nhiều hơn. Cụ thể, 9 tháng năm 2021 một số doanh nghiệp như PVI, PJICO, MIC… đã ghi nhận đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Việc tăng trưởng doanh thu đi kèm với lợi nhuận sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm có thêm tiềm lực để phát triển lâu dài, đồng thời, dần xóa sổ hình thức phá giá thị trường để cạnh tranh vốn đang gây hại cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Gia Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục