Thực tế, cũng nhờ sớm ứng dụng những công cụ số trong hoạt động tuyển dụng, kinh doanh…, một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã vượt qua khó khăn trong giai đoạn giãn cách một cách nhẹ nhàng hơn một số ngành khác.
Bắt đầu thay đổi từ năm 2018, câu chuyện số hóa tại Chubb Life Việt Nam theo ông Lâm Hải Tuấn - Tổng giám đốc Công ty, là cả một chiến lược lâu dài với lộ trình bài bản.
Đến nay, Chubb Life Việt Nam đã dần hoàn thiện nền tảng công nghệ số Chubb SmartAgency - một hệ thống thông minh tích hợp đầy đủ các tính năng eCard (danh thiếp điện tử), eApplication (trang thông tin lập hồ sơ yêu cầu bảo hiểm trực tuyến), eRecruitment (chương trình tuyển dụng đội ngũ kinh doanh trực tuyến), eLearning (chương trình đào tạo trực tuyến), eContract (giao kết hợp đồng đại lý trực tuyến)...
Trong đó, phiên bản website tuyển dụng mới eRecruitment với nhiều tiện ích hơn được Chubb Life Việt Nam xem là “cuộc chạy đua với chính mình” trước kỷ nguyên số phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Trước khi ra mắt eRecruitment, hãng bảo hiểm này đã giới thiệu công cụ nhận biết khách hàng qua phương thức eKYC, hay còn gọi là định danh khách hàng điện tử.
Theo ông Tuấn, mục tiêu của việc ứng dụng số hóa trong kinh doanh là để hướng đến lợi ích cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến những trải nghiệm mới hơn cho khách hàng khi giao dịch với Chubb Life Việt Nam...
“Chúng tôi không chạy đua số hóa với bất cứ công ty nào, Chubb Life Việt Nam tăng cường đầu tư vào nền tảng kỹ thuật số vì lợi ích hướng đến khách hàng, đội ngũ kinh doanh và nhân viên Công ty”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tại Generali, công nghệ số được coi là ưu tiên của Tập đoàn từ nhiều năm qua và Generali Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Gia nhập thị trường Việt Nam muộn hơn nên chiến lược số hóa của nhà bảo hiểm này được nhìn nhận có lợi thế riêng biệt trong quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm thông qua ứng dụng GenClaims, phát hành hợp đồng tự động qua Genova, thu phí tiền mặt an toàn qua GenPay, cổng thông tin và dịch vụ công nghệ số GenVita và đặc biệt là GENPS - kênh ghi nhận ý kiến, đánh giá của tất cả khách hàng mọi lúc, mọi nơi…
Với Generali Việt Nam, công nghệ số là cách tạo cơ hội tăng cường trải nghiệm khách hàng, hiệu quả kinh doanh và quản trị rủi ro. Tuy vậy, việc ứng dụng không đơn thuần là đem công thức nơi này ráp với mô hình nơi khác.
Theo bà Tina Nguyễn - Tổng giám đốc Generali Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm thế nào để đa số khách hàng sử dụng hết các công nghệ thông minh này.
“Điều đó cần có thời gian và chiến lược cụ thể. Nhưng tôi tin là Generali Việt Nam đang đi đúng hướng”, bà Tina Nguyễn nói.
Tiếp tục khẳng định là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi số tại thị trường bảo hiểm Việt Nam, Manulife đã chính thức ra mắt quy trình thanh toán tự động trực tuyến, qua đó hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng khi thực hiện nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
Với động thái này, Manulife Việt Nam kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian giải quyết quyền lợi bảo hiểm từ 3-5 ngày xuống chỉ còn vài phút…
Theo ông Kevin Kwon, Giám đốc Khối Nghiệp vụ Manulife Việt Nam, đối với ngành bảo hiểm nhân thọ, trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện nộp yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm được ví như “Thời điểm của sự thật được chứng minh” bằng sự cam kết và tín nhiệm. Đây được xem là giai đoạn quan trọng nhất và mang nhiều ý nghĩa nhất.
Quan sát sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua, không khó để thấy công nghệ đang đóng một vai trò lớn trong việc làm thay đổi cách ứng xử và sự kỳ vọng của khách hàng về bảo hiểm với việc tạo ra các dịch vụ cũng như sản phẩm bảo hiểm mới.
Thực tế, không phải mọi chức năng/tiện ích số hóa đều được sử dụng hết công năng và làm sao để khách hàng làm được điều này sẽ là thách thức không nhỏ đối với các công ty bảo hiểm.